Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng hiệu quả, chất lượng. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ được tầm quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng được ban hành kịp thời, hợp lòng dân, được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo và triển khai đồng bộ trên từng địa bàn.
Những kết quả đạt được
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai đến các cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao. Những kết quả đạt được trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Quảng Ninh thể hiện trên một số lĩnh vực sau.
Một là, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, chất lượng tín dụng được bảo đảm.
Tính đến nay, đã có 18 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai, tăng 6 chương trình tín dụng chính sách so với thời điểm khi bắt đầu triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW (năm 2014). Nguồn vốn tín dụng chính sách đến được với người dân tại 186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh (không có thôn, bản trắng tín dụng chính sách), tạo điều kiện cho người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Tỉnh đã bố trí 312,2 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (chiếm 9,8% tổng số vốn) để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai cho vay, tăng 275,8 tỷ đồng (gấp 8,6 lần) so với trước khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh là 194,9 tỷ đồng, tăng 160,5 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 117,2 tỷ đồng. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội lớn như, thành phố Hạ Long (37,5 tỷ đồng), thành phố Cẩm Phả (20,2 tỷ đồng), thành phố Móng Cái (12 tỷ đồng), thị xã Đông Triều (8,5 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh cũng đã quan tâm bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất và tạo mọi điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoạt động.
Trong hơn 5 năm qua, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện nhận ủy thác với doanh số cho vay đạt 5.946,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ 3.896,1 tỷ đồng (chiếm 5% doanh số cho vay). Tính đến hết tháng 6-2020, tổng dư nợ ủy thác qua các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 3.104,6 tỷ đồng, tăng 1.458 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 88,6%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm); chất lượng tín dụng có sự chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 4,5 tỷ đồng (giảm 0,36%) so với năm 2014; chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội không có nợ quá hạn.
Hai là, hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trong hơn 5 năm qua, với nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và ngân sách của địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho 182.625 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền trên 6.066,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 - 2020 có trên 25.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và sâu so với mặt bằng chung của cả nước, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Số hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh cuối năm 2015 là 15.340 hộ, đến năm 2019 giảm xuống còn 1.896 hộ (giảm 13.444 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,56% năm 2015 dự kiến năm 2020 chỉ còn 0,4%, trung bình trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ giảm ước đạt 0,83%/năm (cao hơn mức 0,7% do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra). Số hộ cận nghèo của tỉnh giảm từ 10.586 hộ năm 2015 xuống còn 6.017 hộ vào cuối năm 2019, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,15% xuống 1,64%. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo được triển khai đồng bộ, qua đó nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo viết đơn tự nguyện xin ra hỏi diện nghèo; đến nay có 478 hộ gia đình đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho trên 25.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định, 64 lao động đi làm việc ở nước ngoài, có 2.484 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, xây dựng mới 1. 196 căn nhà cho hộ nghèo...
Ba là, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh góp phần giúp cho Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc có thị xã Đông Triều đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước. Tỉnh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các mô hình mới. Nhiều mục tiêu quan trọng của chương trình được triển khai và đạt kết quả tốt, một số chỉ tiêu đạt được cao hơn so với toàn quốc, như, xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 81,1% (cả nước là 50,26%), số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí (cả nước là 15,26 tiêu chí). Dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có 89/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 17 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trên 52.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ cho các hộ dân sinh sống ngoài đảo, những hộ ra sinh sống lâu dài tại Đảo Trần (huyện Cô Tô) được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách tối đa 110 triệu đồng/hộ để đầu tư hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản giúp các hộ yên tâm sinh sống trên đảo. Đặc biệt, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP là thương hiệu riêng của tỉnh được Trung ương chọn làm mô hình điểm để nhân rộng toàn quốc. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng xâu, vùng xa. Những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đã góp phần làm cho diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, khu vực nông thôn ngày một khang trang, đổi mới.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, đó là sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong tham mưu, tổ chức, triển khai, thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định; duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch trên địa bàn các xã, thị trấn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách luôn được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, như, đăng tải các tin, bài về hoạt động tín dụng chính sách trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện; tổ chức Hội thi nghiệp vụ tín dụng giỏi tỉnh; cuộc thi về tìm hiểu Chỉ thỉ số 40-CT/TW;... để các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân nắm bắt kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện
Trong hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhìn tổng thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phát huy tốt vị trí, vai trò của mình đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh rút ra một số bài học kinh nghiệm về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội:
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, từ đó thống nhất chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ, nhất quán từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động phục vụ tốt các đối tượng chính sách theo quy định.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện. Nâng cao hiệu quả hoạt động của ban đại diện các cấp trong việc giám sát, lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách đối với các mô hình, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền gắn với công tác tập huấn, giám sát và kiểm tra bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác vốn vay, phát huy thế mạnh hoạt động của hội trong tuyên truyền, phản biện xã hội.
Thứ tư, Ngân hàng Chính sách xã hội cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Tổ chức thực hiện tốt các mặt hoạt động nghiệp vụ bảo đảm đúng quy định, duy trì điểm giao dịch xã hiệu quả. Phối hợp với cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức triển khai có hiệu quả tín dụng chính sách, quan tâm tập trung nguồn lực cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành liên quan, các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác để qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cấp cơ sở khi phát sinh.
Thứ sáu, coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền, cần có hình thức tuyên truyền phù hợp để mọi người dân biết, hiểu về các đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, nhất là các đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội đại đa số là người có trình độ nhận thức, năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh còn hạn chế, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Một số kiến nghị trong thời gian tới
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những đòn bẩy kinh tế giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng, tiếp cận bao quát các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với Chính phủ, các ban, bộ, ngành có liên quan một số vấn đề sau:
Một là, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo sau khi hết thời hạn quy định (sau 31-12-2020), đồng thời kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm. Nâng thời hạn cho vay tối đa của Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài.
Hai là, mở rộng đối tượng cho vay: Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng là hộ có mức sống trung bình; đối với các hộ dân chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng xuống cấp không bảo đảm tiêu chuẩn được vay vốn để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh hợp vệ sinh; bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với những hộ gia đình thuộc diện thu nhập trung bình được vay vốn để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi, và từng bước xóa bỏ nạn “tín dụng đen” tại địa phương.
Ba là, xem xét đối với các hộ gia đình tại các xã vùng II đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được sử dụng nguồn vốn cho vay theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn” thêm 1 năm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới để bảo đảm tính bền vững./.
Bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay  (23/08/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025  (16/08/2020)
Tín dụng chính sách xã hội - một trong những trụ cột quan trọng của giảm nghèo bền vững  (16/07/2020)
Động lực phát triển từ các phong trào thi đua của Agribank  (14/07/2020)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay