Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đứng vững trước khó khăn
TCCS - Ngày 1-4-2020, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2020. Phiên họp được mở rộng các hình thức kết nối trực tuyến đến 21 bộ, các cơ quan ngang bộ và 2 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phiên họp lần này diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu với hàng vạn người bị mắc. Dịch đang bùng phát mạnh, nhất là ở Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng chống dịch COVID-19.
Tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chủ động kiểm soát tình hình. Cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chống dịch quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kinh tế Việt Nam đứng vững trước khó khăn, không gục ngã mà còn tăng trưởng ở mức cao so với khu vực. Chính phủ cũng nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người nghèo, những người thất nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục bàn thảo và ban hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh, trật tự và nhất là các vấn đề an sinh xã hội.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương đội ngũ các bác sĩ, nhân viên y tế đã lao động quên mình cùng đồng chí, đồng bào, các cấp, các ngành để ngăn chặn và chữa trị thành công những ca mắc COVID-19. Trong hoạn nạn, khó khăn, nhiều tấm gương quý đã xuất hiện trong toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì cùng Chính phủ huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Lực lượng quân đội, công an và nhiều lực lượng, địa phương đã kiên trì, quyết liệt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, thống nhất và công bố ngay gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân trong lúc khó khăn. Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, hạn mặn ở Tây Nam Bộ gay gắt chưa từng có, dịch tả lợn châu Phi mới được khắc phục, giá dầu giảm sâu, dịch COVID-19... gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do nước ta hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, nên bị đứt gãy nguồn cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh đó, chúng ta phấn đấu để đứng vững và đứng đầu khu vực ASEAN về tăng trưởng. Tuy vậy, sự sụt giảm sản xuất trong cả nước đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cả nền kinh tế. Do đó GDP của Quý I năm 2020 chỉ đạt 3,82%.
Mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hãng tin kinh tế Bloomberg đều dự báo kinh tế suy thoái trong 2020, có nhận định tăng trưởng bằng không trên toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn đó, cùng với tác động từ thiên tai, dịch bệnh trong nước, Thủ tướng yêu cầu cần có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nước, tìm kiếm thị trường mới cần được quan tâm, chú trọng.
Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, khó khăn trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, vấn đề an ninh, trật tự, tội phạm diễn biến phức tạp… Việt Nam tuy đã công bố gói tài chính để hỗ trợ sản xuất, đời sống; các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, nông nghiệp... chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhưng khó khăn trước mắt còn rất nhiều, cần đoàn kết, quyết tâm hơn nữa. Cần đổi mới cách làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến, tận dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái nặng nề, sự tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I năm 2020 đạt 3,82% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua, do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%). Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…
Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3-2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục theo chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2020 giảm 0,72% so với tháng trước nhưng lại tăng 0,34% so với tháng 12-2019; CPI bình quân quý 1 năm 2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1 năm 2019. Điểm sáng của lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã chỉ đạo kiên quyết từ trước, trong và sau Tết với nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt. Do đó, nhiệm vụ này bước đầu đạt được những thành công quan trọng, được các cấp, các ngành và nhân dân ủng hộ, quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để dịch không lây lan, bùng nổ. Trong quý II năm 2020, nhiệm vụ hàng đầu là công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Trong tháng 3 và Quý I-2020, một số địa phương có thành tích tốt; tuy nhiên có địa phương đạt tăng trưởng quá thấp. Vấn đề này cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới, tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy. Để đạt mức tăng trưởng cần thiết bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cần kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công; có mức hỗ trợ phù hợp cho người lao động, người nghèo, nhất là người yếu thế, mất việc; chuẩn bị tinh thần “biến nguy nan thành cơ hội” để tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.
Về những nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để biến động bất lợi; xác định các kịch bản điều hành. Đặc biệt cần kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá dịch vụ thiết yếu, đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ thiết yếu; giảm chi phí hành chính... Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương có phương án giảm giá điện và đề nghị tiếp tục giảm giá các mặt hàng thiết yếu khác; không được tăng giá trong thời điểm này.
Về tài chính ngân sách, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài… và bảo đảm đủ kinh phí phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ mọi cấp, mọi ngành giải ngân vốn đầu tư công; xử lý hành chính hoặc chuyển vốn đối với những dự án không giải ngân đúng hạn.
Về vấn đề lương thực, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần bảo đảm diện tích, sản lượng, cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng các kịch bản cho sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu lương thực phải bảo đảm có kiểm soát chặt chẽ, sao cho tình hình trong nước không bao giờ thiếu lương thực nhưng cũng giải quyết vấn đề giá cho người dân. Bộ Công Thương thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho các dự án có quy mô lớn, đẩy mạnh giảm chi phí hoạt động để giảm giá thành sản phẩm; mở rộng thị trường trong nước. Không vì kiềm chế lây nhiễm bệnh trong thời gian này mà tiến hành “ngăn sông cấm chợ”, phải bảo đảm hàng hóa lưu thông và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Về thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích hiện mặc dù vẫn còn tồn dư nhiều nhưng phân khúc thị trường nhà ở xã hội lại vẫn chưa đủ cung cấp cho người có nhu cầu, nên cần đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm đúng tiến độ, bằng các hình thức phù hợp.
Đối với vấn đề an sinh xã hội, chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không bảo đảm mức sống tối thiểu do COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa trung ương và địa phương.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này. Có phương án giảm thiểu chương trình học của năm nay; nghiên cứu phương án thi tốt nghiệp phổ thông và đại học phù hợp. Đây là "thời cơ vàng" để bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề thông qua đào tạo trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn, nhất là trong ngành y tế. Cần chuẩn bị tốt cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 vào tháng 6-2020; sớm hoàn tất thủ tục trình Quốc hội thông qua EVFTA; tăng cường hơn nữa công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp tăng cường giảm giá các mặt hàng dịch vụ như giá điện, nước, internet, cước viễn thông song hành cùng các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ người dân. Bộ Tài chính rà soát phương án gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chính phủ đưa ra các phương án, kịch bản và khả năng ứng phó đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19  (01/04/2020)
Thủ tướng họp trực tuyến và thị sát với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (30/03/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19  (27/03/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển  (24/03/2020)
Cả nước chia sẻ, chung tay đóng góp phòng, chống đại dịch COVID-19  (18/03/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam