Thủ tướng họp trực tuyến và thị sát với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Ngày 29-3-2020, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến và thị sát qua hệ thống trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng) về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với đặc điểm dân cư đông, mật độ dân số lớn, nhu cầu tiếp xúc cao… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 lớn, các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, 15 ngày tới là “giờ vàng quan trọng”, là thời điểm quyết định thành công của việc ngăn chặn dịch bệnh.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các địa phương trong phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ, những đề xuất, kiến nghị, báo cáo cụ thể của các địa phương góp phần giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đưa ra các biện pháp sát với thực tiễn, với cơ sở trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, các địa phương tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19, đặc biệt các trường hợp bệnh nặng. Hiện nay, Việt Nam chưa có ca tử vong do COVID-19.
Trên tinh thần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg, công tác cách ly, giãn khoảng cách, không tụ tập, ngừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh vùng các ổ dịch kịp thời… tại các địa phương được triển khai hiệu quả; duy trì các dịch vụ cơ bản, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân; thay đổi cơ bản phương thức làm việc bằng cách sử dụng các ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, các thành phố tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống tinh thần của các cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, như công an, quân đội…
Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương lực lượng truyền thông đã tập trung xử lý khủng hoảng thông tin, đặc biệt thông tin mạng xã hội; giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, phát huy tinh thần nhân ái của dân tộc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Qua đó, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo điều hành, không được chủ quan, theo đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc”, tận dụng "giờ vàng, ngày vàng".
Nhắc lại chiến thắng 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Giờ đây, chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân. Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của cả hệ thống chính trị”.
Nêu rõ tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới”, Thủ tướng đề nghị, căn cứ diễn biến dịch bệnh cần xác định giải pháp cụ thể, phù hợp riêng từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư; ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra tại những nơi rủi ro cao như cao ốc, văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao…
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị, tổ dân phố; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; tất cả mọi người từ đô thị đến nông thôn phải được giám sát, khai báo y tế; yêu cầu bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người lây nhiễm để ngăn chặn; ngay lập tức khoanh vùng, dập dịch với phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng nơi. Theo đó, cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện; ứng dụng công nghệ thông tin để nắm rõ người ra vào, tiếp xúc khu vực này; đưa ra các giải pháp xử lý cụ thể nhằm dập các ổ dịch hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh)… Đồng thời, lực lượng chuyên môn phải có phương án riêng theo tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt diện rộng F1, F2, F3 bằng các ứng dụng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu tối đa ổ dịch lây nhiễm cộng đồng.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến tình hình dịch. “Sẵn sàng mọi điều kiện mở rộng, ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như sẵn sàng lương thực, thực phẩm, bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính, lực lượng dự phòng; tình trạng khẩn cấp hay cao hơn thực hiện giới nghiêm theo chế độ thời chiến”, Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tăng cường huy động các bệnh viện khác điều trị bệnh COVID-19 ở một số địa phương. Trong trường hợp các ca tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương này cần chuẩn bị lương thực, thực phẩm; rà soát, bổ sung năng lực y tế thành phố về nhân lực, trang thiết bị…
Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng các chuyến bay đến Việt Nam; hạn chế tối đa các chuyến bay đến và đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay các tỉnh trong 2 tuần, trừ một số chuyến đặc biệt. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kiểm soát y tế chặt chẽ, hạn chế người, hạn chế số chuyến đi trên tàu hoả, ô tô…
Ngoài cơ sở vật chất, Thủ tướng đề nghị, ngành y tế, quân đội, công an, biên phòng và các địa phương quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch; dành đồ bảo hộ, khẩu trang… cho các lực lượng; không để tình trạng lây nhiễm nội bộ; kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình; huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu khi cần thiết.
Tại các thành phố lớn tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất với nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, Thủ tướng đề nghị cần có các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, tháo gỡ khó khăn sản xuất cho các doanh nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn tiếp tục giảm các dịch vụ kinh doanh; đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ để có chế độ làm việc phù hợp, hạn chế đến cơ quan trong 15 ngày này.
Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Thủ tướng đề nghị các thành phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân để người dân hiểu và dự báo được tình huống xấu nhất, để chuẩn bị phương án tốt nhất, hạn chế hậu quả thấp nhất; tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân; qua đó từng người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ tuyệt đối sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong đợt cao điểm chống dịch.
Đồng thời, các thành phố cần có chế độ linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch, biện pháp triển khai phù hợp với tình hình thực tế, không “máy móc”; nhanh chóng truyền đạt kinh nghiệm, bài học trong phát hiện, cách ly và xử lý các ca nhiễm, nghi nhiễm giữa các cấp chính quyền; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, nghiêm túc, xả thân chống dịch; thăm hỏi, động viên các bộ phận, cá nhân trong phòng, chống dịch.
“Trong chiến tranh "hiểu ta hiểu địch, trăm trận trăm thắng", trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tấn công giặc. Lần này dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn và đến từ nhiều hướng, chính vì vậy, cùng lúc chúng ta triển khai trên nhiều mặt trận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bí thư thành ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia một lần nữa đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình và có các phương án tác chiến sát sao, quyết liệt, tận dụng “giờ vàng, ngày vàng” của 15 ngày tới đây.
“Nhiệm vụ quan trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, hiệp đồng tác chiến nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn, thành phố. Chúng ta có niềm tin rằng, chiến thắng đại dịch ở các thành phố lớn ở Việt Nam thành công và thành công ở thành phố lớn chính là thành công trên cả nước”, Thủ tướng nêu rõ./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19  (27/03/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển  (24/03/2020)
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc "chống dịch như chống giặc"  (20/03/2020)
Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19  (18/03/2020)
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn căng mình trong tâm bão COVID-19  (18/03/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển