TCCS ĐT - Trong ngày làm việc hôm qua, 20-3, của phiên họp lần thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn 3 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chung quanh nhiều vấn đề đang được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
 
1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Về cơ bản các hộ nghèo được nhận tiền hỗ trợ đúng, đủ và kịp thời trước Tết, những sai phạm diễn ra chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện

Mở đầu phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20-3, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ Tết cho người nghèo, mặc dù thời gian triển khai gấp, sát Tết, trong khi số người được hưởng chính sách lớn nhưng công tác triển khai đã bảo đảm về cơ bản các hộ nghèo được nhận tiền hỗ trợ đúng, đủ và kịp thời trước Tết. Tính đến ngày 26-2-2009, cả nước có 2.334.900 hộ nghèo với 9.216.937 người nghèo được hỗ trợ tiền Tết với tổng kinh phí là 1.766 tỷ 135 triệu 400 ngàn đồng.

Tuy nhiên, đã có một số địa phương để xảy ra sai phạm. Qua kiểm tra có 10 tỉnh vi phạm, số tiền vi phạm không lớn, các vi phạm chủ yếu là chia bình quân; chi trả chậm, không kịp thời trước Tết; không đúng đối tượng; không đúng định mức. Những sai phạm này xảy ra chủ yếu ở cấp thôn, xã.

Các tỉnh có nhiều sai phạm là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Trà Vinh... Theo Bộ trưởng, cán bộ sai thì phải phạt, nhưng phải tùy mức độ, tính chất.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sai phạm là việc xác định chính xác số hộ nghèo. Nhưng việc để xảy ra tình trạng thống kê số hộ nghèo chưa chính xác, theo giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, không phải vì Bộ chưa có hướng dẫn chuẩn nghèo mà vì địa phương xét tùy tiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết đây cũng là bài học cần phải rút ra trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, cụ thể là công tác xác định nghèo và cận nghèo. Nếu công tác phân loại hộ nghèo làm tốt thì việc triển khai chính sách xuống cơ sở sẽ nhanh hơn nhiều.

- Mới chỉ có chính sách cho lao động làm việc trong doanh nghiệp vì chưa thống kê được số lượng lao động thất nghiệp ở các khu vực tự do

Theo số liệu gần đây của 40 tỉnh, thành phố, đến hết tháng 1-2009 đã có hơn 85 nghìn người mất việc, hơn 40 nghìn người bị cắt giảm việc làm và hơn 20 nghìn người tạm nghỉ chờ việc. Tính đến ngày 15-3, đã có 6.195 lao động ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mới chỉ có chính sách cho lao động làm việc trong doanh nghiệp vì số lao động bị mất việc làm trong khu vực nhà nước rất dễ nắm do có thống kê, có sổ bảo hiểm, còn số lượng lao động thất nghiệp ở các khu vực tự do, chỉ có thể thống kê được từ các làng nghề và từ hợp tác xã. Tại những khu vực khác, Bộ chưa thể thống kê được, như đối với số lao động tự do ở các khu công nghiệp. Theo Bộ trưởng, trong số 300 nghìn người mất việc năm nay, rất khó thống kê rạch ròi ai tìm được việc làm mới, ai quay về nông thôn. Ðưa ra một con số chính xác tỷ lệ lao động thất nghiệp trong từng khu vực kinh tế là rất khó.

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả bước đầu của gói kích cầu đói với tạo việc làm khá tốt và thực tế vẫn có nhiều nơi "khát" lao động. Hiện, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lao động và nhiều lao động bị mất việc làm đã tìm được việc làm mới. Gói kích cầu của Chính phủ nếu được sử dụng đúng thì hiệu quả sẽ tạo ra nhiều việc làm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tính tới việc điều chỉnh chỉ tiêu về lao động.

- Đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số sẽ được miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ...

Trả lời câu hỏi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có biện pháp gì để hỗ trợ những thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn muốn được đào tạo nghề, đủ điều kiện được đi lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời, hiện có hơn 400 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nguồn thu nhập khoảng 1,7-1,8 tỷ USD gửi về nước hằng năm. Bên cạnh đào tạo tay nghề, đối tượng xuất khẩu lao động được học tập định hướng, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tìm hiểu pháp luật, bồi dưỡng về văn hóa, phong tục tập quán nước sở tại. Vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề, học ngoại ngữ... để lao động các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số sẽ được miễn phí đào tạo.

- Không nên quá bi quan về chuyện lao động ở các làng nghề mất việc do thiếu đơn đặt hàng

Ðề cập vấn đề bảo đảm chế độ cho người lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó có việc xúc tiến các hợp đồng lao động với nước ngoài, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, lâu nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và chương trình phát triển, tạo việc làm. Vì thế, không nên quá bi quan về chuyện lao động ở các làng nghề mất việc do thiếu đơn đặt hàng. Người dân sẽ chuyển đổi sang nghề khác, hoặc quay về làm nghề nông.

Theo kết quả điều tra việc làm và thất nghiệp năm 2007,lao động trong độ tuổi thanh niên từ 15 đến 29 tuổi của cả nước gần 15,64 triệu người, trong đó lao động thanh niên ở nông thôn chiếm 78%.

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng. Theo đó, đối với các thanh niên nông thôn là chủ trang trại, chủ hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp sản xuất, hợp tác xã, chủ doanh nghiệp, chủ hộ gia đình... nếu có dự án khả thi có thể vay vốn với mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án, không quá 20 triệu đồng/một việc làm mới, lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng)từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm là hơn 3.155 tỉ đồng. Riêng nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm do Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quản lý là 49.838 triệu đồng. Với nguồn vốn bổ sung mới hằng năm khoảng 250 tỉ đồng và nguồn vốn thu hồi quay vòng cộng thêm nguồn từ Quỹ giải quyết việc làm địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã cho vay thực hiện hàng chục nghìn dự án, trở thành một trong những hướng quan trọng hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng.

- Tạm ngừng trợ cấp là để rà soát xác định đúng chế độ áp dụng đối với người có công.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói, việc tạm ngừng trợ cấp đối với hơn 11 nghìn người nhiễm đi-ô-xin đã gây bức xúc lớn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Tuy nhiên việc tạm ngừng trợ cấp là để rà soát, nếu đủ điều kiện áp dụng Pháp lệnh người có công thì tiếp tục được hưởng chế độ này. Còn đối với những trường hợp không đủ quy định như trong Pháp lệnh, Bộ đề xuất Thủ tướng theo nguyên tắc của Bộ Y tế để xác định, nếu bị một trong 17 bệnh hiểm nghèo thì là nạn nhân đi-ô-xin.

Việc thương binh được tái giám định thương tật, theo quy định pháp luật, nếu thương binh đã giám định thương tật vĩnh viễn không phải tái giám định, trênthực tế có những trường hợp vết thương tái phát cần được cho giám định lại. Việc tái giám định được thực hiện trên quan điểm làm đúng đạo lý.

Với vấn đề có được hưởng cả hai chế độ người có công và mất sức lao động cùng một lúc không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã trình Chính phủ theo hướng, vừa là thương binh vừa là bệnh binh, hay vừa là thương binh vừa mất sức lao động, nếu đủ điều kiện theo hướng dẫn thì đương nhiên được hưởng hai chế độ. Nếu như không đủ điều kiện thì giải quyết theo hướng, nếu là thương binh hưởng trợ cấp thương binh, còn nếu mất sức lao động hay là bệnh binh hưởng trợ cấp một lần.

2. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở địa phương, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản

Trả lời câu hỏi, hiện nay người dân, doanh nghiệp còn vướng quá nhiều thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, các thủ tục hành chính, nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong thủ tục đấu thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu nhiều nơi còn rắc rối, hình thức, nếu vấn đề này được giải quyết rốt ráo, thấu đáo, sẽ giúp "kích cầu" mạnh hơn, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói, đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập danh mục dự án cấp bách cần áp dụng chỉ định thầu. Theo đó, các tiêu chí để áp dụng chỉ định thầu, thủ tục trình duyệt và thẩm định đối với văn bản đề nghị chỉ định thầu đã được công khai và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi xem xét đề nghị áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu, dự án cụ thể.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án. Một trong những nội dung ưu tiên tạo môi trường đầu tư ngày càng hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp, Bộ đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đầu tư xây dựng cơ bản. Trong các nội dung dự thảo tới đây, Ban soạn thảo trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản của Luật Xây dựng, Luật Ðầu tư, Luật Ðấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy, chữa cháy.

- Chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả của gói kích cầu

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: các nhóm giải pháp cấp bách, nhất là những giải pháp tài chính, tiền tệ đã bắt đầu tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay do mới triển khai nên chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả của gói kích cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước báo cáo sáng 20-3-2009, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được gần 150 nghìn tỉ đồng. Điều đáng mừng là tình hình kinh tế trong quý I năm 2009 tương đối khả quan, tăng trưởng GDP 3,1%.

- Bảo đảm hiệu quả và giám sát, tránh tình trạng đảo nợ

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Nghị quyết của Chính phủ đã lưu ý đến vấn đề đảo nợ khi các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất, nên đã cố gắng bảo đảm hiệu quả và giám sát, tránh tình trạng đảo nợ.

- Chính phủ đặc biệt quan tâm đến những giải pháp hỗ trợ nông dân, nông thôn trong giai đoạn hiện nay

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nông dân, nông thôn. Chính phủ và các Bộ ngành đã có phương án chuẩn bị đủ giống, vật tư, phân bón để đáp ứng yêu cầu của vụ Đông Xuân; các tổng công ty lương thực liên tục tăng thu mua lúa gạo để hỗ trợ về giá cho nông dân; tạm ứng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, phát triển kết cấu hạ tầng nuôi trồng thủy sản và kết cấu hạ tầng làng nghề.

Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ cho các địa phương vay từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc kiên cố hóa kênh mương và xây dựng đường giao thông nông thôn khoảng 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%.

- Việc hỗ trợ 17 nghìn tỉ đồng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện xuất khẩu là đúng đắn

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải trình, phương án hỗ trợ 17 nghìn tỉ đồng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện xuất khẩu mà không dành cho các đối tượng khác, là hoàn toàn đúng đắn, không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong gói giải pháp kích cầu nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ khác nhau. Trong kích cầu đầu tư, Chính phủ đã cho phép hoãn, giãn, miễn thuế đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn; để đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành chức năng hỗ trợ các địa phương và người dân bị thiệt hại do lũ, hay hỗ trợ giảm nghèo cho 61 huyện nghèo trên cả nước…

Đối với các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện xuất khẩu, qua khảo sát, có nhiều doanh nghiệp không còn vốn lưu động để duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh, vì vậy, Chính phủ đã lựa chọn phương án hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, giúp sản xuất lưu thông phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh, tạo thêm việc làm cho người lao động.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Công tác phân cấp quản lý di tích xếp hạng còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, theo kết quả kiểm tra và báo cáo của các tỉnh, thành phố, có 228/3.018 di tích xếp hạng quốc gia bị vi phạm, chiếm 7,5%, và 69 di tích cấp tỉnh bị xâm phạm, chiếm gần 1,3%. Các thành phố lớn vẫn là những điểm nóng có nhiều di tích bị xâm phạm. Việc xâm phạm di tích ngoài một số vụ mới xảy ra thì chủ yếu là những vụ tồn đọng của hàng chục năm trước mà hiện nay chưa có khả năng xử lý trong một vài năm.

Hiện nay cả nước có khoảng 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó có 3.018 di tích quốc gia và 5.347 di tích cấp tỉnh.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do công tác phân cấp quản lý còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến lúng túng trong thực thi và đùn đẩy trách nhiệm xử lý. Hơn nữa, kinh phí giải tỏa nhà dân xâm phạm di tích cũng như việc đầu tư tu bổ di tích còn thấp. Nhiều địa phương hiện cũng chưa có kế hoạch tìm quỹ đất để di dời những nhà dân vi phạm.

- Kiểm tra chặt chẽ, kiên quyết xử lý vi phâm gây mất mỹ quan, giảm giá trị di tích

Về các giải pháp giải quyết tình trạng vi phạm này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xác định, trước hết cần phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa của các cấp, các ngành và cộng đồng; đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng và địa phương; sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Di sản văn hóa. Một giải pháp quan trọng, không thể thiếu là phát huy vai trò giám sát của nhân dân để tham gia ngăn chặn, giải quyết xử lý xâm phạm di tích.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu các sở, địa phương kiểm tra chặt chẽ hiện tượng hàng quán chèo kéo khách tràn lan trong khu vực đền chùa, là mất mỹ quan, giảm giá trị di tích. Đối tượng nào làm sai quy định sẽ bị dẹp bỏ.

- Chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở một số nơi còn yếu.
 
Về vai trò của Bộ trong việc phát động và quản lý Phong trào này trong những năm qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Theo thống kê 2 năm/lần, đến hết năm 2007, cả nước có 13.523.995/16.764.757 đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 80,67%; 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua bình xét ở cơ sở, không công nhận lại 114.271 gia đình văn hóa.

Có 41.530/86.761 Làng văn hóa, đạt tỷ lệ 47,87%, trong đó 7.482 Làng văn hóa tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp. 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không công nhận lại 1.807 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa sau ba năm không giữ vững được tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, còn một số bất cập, đó là chất lượng phong trào ở một số nơi còn yếu, việc công nhận các danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích và số lượng. Tác động của phong trào đối với xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và nếp sống văn hóa ở các cộng đồng dân cư chưa thật hiệu quả. Chất lượng các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở còn hạn chế; mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân còn thấp, còn chênh lệch khoảng cách quá xa giữa các vùng, miền./.