Người dân Pháp
xuống đường biểu tình ngày 19-3

Ngày 19-3 là lần thứ hai trong năm nay, người dân Pháp lại đình công và xuống đường biểu tình thể hiện sự lo âu trước tương lai bất ổn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng.

Người Pháp lại xuống đường

Ba triệu người theo số liệu của các tổ chức công đoàn, 1,2 triệu theo số liệu của cảnh sát Pháp, đó là số người đình công và xuống đường tham gia hơn 200 cuộc biểu tình tổ chức trên toàn nước Pháp trong ngày thứ năm 19-3. Với những con số trên, đây là cuộc biểu tình thu hút số lượng người tham dự lớn hơn cả cuộc biểu tình diễn ra ngày 29-1 vừa qua với 2,5 triệu người theo số liệu của các tổ chức công đoàn và 1,08 triệu theo con số của cảnh sát.

Ngày 17-3, trên tờ nhật báo kinh tế Tiếng vọng đăng kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng BVA tiến hành đánh giá về phản ứng của người dân Pháp trước cuộc đình công lớn này. Và kết quả đưa ra phản ánh một thực tếcó tới 74 % người dân Pháp ủng hộ cuộc đình công và biểu tình ngày 19-3. Trong khi đó, 62 % số người được hỏi đánh giá đường lối chính trị của chính quyền Thủ tướng François Fillon thực thi là“kém” so với 34% số người nhận xét là “tốt”.

Trong đoàn người biểu tình trên toàn nước Pháp ngày 19-3, người ta thấy có đủ mọi thành phần. Từ các viên chức nhà nước, giáo viên, công nhân, lái tàu, nhân viên hàng không, bác sĩ, y tá, người tàn tật, tới những người về hưu, người thất nghiệp. Tất cả đã xuống đường theo sau các băng-rôn biểu tình của tám tổ chức công đoàn lớn nhất của Pháp là CGT, CFDT, FO, CFE-CGC, CFTC, Solidaires, FSU, Unsa. Cả nước Pháp đồng loạt cảm nhận rõ ảnh hưởng của cuộc đình công và biểu tình tập thể lớn nhất kể từ khi Tổng thống N.Xác-cô-di lên cầm quyền năm 2007.

Các cuộc đình công và biểu tình tổ chức đồng loạt trên tất cả các thành phố và địa phương trên toàn nước Pháp. Từ thủ đô Paris đến các thành phố lớn như Mác-xây, Bóoc-đô, Lin, Tu-lu-dơ... và các thành phố nhỏ. Nhân viên và công nhân các ngành nghề đều thông báo có người đình công theo lời kêu gọi của các tổ chức công đoàn.

Hai sân bay lớn nhất của Pháp là sân bay O-li ở phía nam thủ đô Pa-ri phải hủy 30% số chuyến bay, trong khi đó sân bay Sác Đơ Gôn hủy 10%. Giao thông đường sắt, phương tiện giao thông quan trọng của Pháp bị ảnh hưởng nặng nề khi có tới bốn mươi phần trăm số chuyến tàu cao tốc bị hủy.

Tàu điện ngầm là phương tiện đi lại chính của hàng triệu người dân Pa-ri và khách du lịch cũng chịu tác động do nhiều nhân viên lái tàu đình công. Đặc biệt, tuyến tàu RER B huyết mạch nối hai sân bay Sác Đơ Gôn và O-li bị cắt giảm tới gần hai phần ba số chuyến gây ra cảnh tắc nghẽn trong giao thông của hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Pa-ri vào giờ cao điểm.

Đình công khiến nhiều ngành quan trọng như điện, nước, bưu điện, dự báo thời tiết, giáo dục bị ảnh hưởng lớn. Đài phát thanh Pháp cũng chịu ảnh hưởng do nhiều phóng viên và nhân viên kỹ thuật đình công. Nhiều chương trình phát thanh phải hủy và thay thế bằng các bản nhạc.

Những băng-rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ do những người biểu tình giăng lên đã nói lên tất cả. Mối lo ngại của người dân Pháp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu nay đã tác động trực tiếp tới từng gia đình, từng người. Đó là viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế, sức mua sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp kèm theo nghèo đói tăng mạnh, các vụ trộm, cướp gia tăng khiến người dân càng cảm thấy bất an.

“Sức nóng” của cuộc đình công và biểu tình ngày 29-1 dường như vẫn chưa đủ khiến chính phủ cảm thấy thật sự cấp thiết thực thi các biện pháp bình ổn xã hội dù Hội nghị thượng đỉnh về xã hội quy tụ các quan chức chính phủ, đại diện nghiệp đoàn giới chủ và các tổ chức công đoàn ở điện Ê-li-dê sau đó gần ba tuần vào ngày 18-2 vạch ra một số giải pháp. Chưa thỏa mãn với những lời hứa mang tính tình thế đó, các tổ chức công đoàn Pháp tiếp tục khuấy động dư luận xã hội bằng cuộc tuần hành quy mô lớn, và theo họ, cuộc biểu tình ngày 19-3 thành công trên nhiều phương diện.

Những phản ứng

Trên các phương tiện thông tin đại chúng của Pháp, những hình ảnh, đánh giá về cuộc tổng đình công và biểu tình ngày 19-3 chiếm hầu hết thời lượng và được đưa vào mục tin nóng nhất. Thậm chí trên trang điện tử của nhật báo Thế giới, các hoạt động đình công và biểu tình được cập nhật từng giờ, từng phút, điều chỉ xảy ra đối với các sự kiện đặc biệt như cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007.

Đánh giá về cuộc tổng đình công và biểu tình ngày 19-3, Tổng Thư ký GCT Bernard Thibault tổ chức công đoàn lớn nhất của Pháp, cho rằng: Cuộc tổng đình công ngày 19-3 là một sự kiện chính trị vì quy tụ được số người tham dự lớn hơn cả đợt ngày 29-1. Còn Tổng thư ký tổ chức công đoàn CFDT François Chérèque nhận định: Sự im lặng hoàn toàn của chính phủ và giới chủ không phải là câu trả lời bởi điều đó sẽ là mối nguy hiểm làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng xã hội. Điều quan trọng hơn bây giờ là phải có các biện pháp kích thích hoạt động tiêu dùng và đưa ra giải pháp thiết thực.

Cuộc biểu tình và đình công thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị Pháp. Phát biểu trên kênh truyền hình LCI, cựu Thủ tướng Alain Juppé kêu gọi không nên tiếp tục làm căng thẳng thêm không khí của ngày biểu tình bởi hiện đang tồn tại mối lo ngại thật sự trong dư luận. Ông đánh giá các bên cần phải ngồi lại với nhau trên bàn đàm phán sau sự kiện này và cho rằng sẽ không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng cách phớt lờ những mối lo lắng của người dân.

Nhân dịp này, đại diện các đảng cũng thể hiện quan điểm rõ rệt. Bí thư thứ nhất đảng Xã hội (PS) Mác-tin O-bi (Martine Aubry) kêu gọi chính phủ chấp nhận một kế hoạch phục hồi kinh tế thật sự. Bà Mác-tin O-bi phát biểu: Tôi chờ đợi tổng thống hiểu rõ phạm vi và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, mối quan tâm của người Pháp, những khó khăn của họ đối với vấn đề sức mua và việc làm.

Còn Chủ tịch đảng Phong trào dân chủ (MoDem) François Bayrou nhìn nhận ngày hành động trên thể hiện một phong trào sâu rộng. Đây là một phong trào thu hút nhiều tầng lớp xã hội Pháp, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, người làm công ăn lương cảm thấy bị ảnh hưởng bởi một số tuyên bố và lựa chọn của chính phủ.

Trước những tuyên bố của các tổ chức, đảng phái, ngay sau khi các cuộc biểu tình kết thúc bằng các cuộc xô xát giữa những nhóm thanh niên với cảnh sát trên quảng trường Nation ở thủ đô Paris, Thủ tướng François Fillon đã trả lời phỏng vấn trực tiếp trong bản tin lúc 20 giờ cùng ngày trên kênh truyền hình TF1.
 
Thủ tướng François Fillon khẳng định chính phủ Pháp không xem xét bất kỳ một kế hoạch phục hồi mới nào ngoại trừ các biện pháp được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh xã hội tổ chức ngày 18-2. Trong khi đó, ngày 19-3, người phát ngôn của chính phủ Luc Chatel nhấn mạnh những biện pháp trên sẽ được triển khai nhanh chóng kể từ tháng tư.

Với những diễn biến trên, có thể thấy rằng mối lo ngại của người dân Pháp trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp diễn. Và chính phủ của Thủ tướng François Fillon cũng sẽ còn nhiều việc phải làm để ổn định xã hội./.