Trong 2 năm 2007 và 2008, lạm phát ở nước ta có tốc độ tăng chung cao hơn và nhiều kịch tính hơn so với hơn mười năm qua. Lạm phát đạt trên 12,5% trong năm 2007; còn năm 2008, dự báo, mức CPI có thể sẽ gấp đôi mức năm 2007. Nói cách khác, các doanh nghiệp ở Việt Nam còn phải tiếp tục đối diện với tình trạng lạm phát cao tới 2 con số có thể kéo dài hết năm 2008 và sang cả năm 2009.

Về giá cả, sẽ tiếp tục có sự giảm giá các hàng trong diện cắt giảm thuế trong khuôn khổ WTO, giá những mặt hàng gắn với thị trường và cạnh tranh đầy đủ; sẽ có sự tăng giá ở những mặt hàng thuộc diện được “giải phóng” khỏi sự kiểm soát giá cả từ phía Nhà nước, hoặc có xu hướng tăng giá một chiều như điện, xăng - dầu, sắt thép v.v… Đồng thời, những mặt hàng có nguy cơ tăng giá tiêu cực còn bao gồm lương thực, thực phẩm và các dịch vụ dân sinh, nhất là các dịch vụ đô thị.

Trong bối cảnh đó, việc dự phòng tăng lãi suất và tăng giá (tức tính toán trước các xu hướng và mức gia tăng lãi suất và giá) có vai trò quan trọng trong đời sống doanh nghiệp nói chung, đặc biệt trong quản trị tài chính của doanh nghiệp nói riêng, xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, xu hướng lạm phát cao, kéo dài sẽ tất yếu kéo theo xu hướng tiếp tục gia tăng giá các hàng hoá và dịch vụ, trong đó có lãi suất với tư cách là giá cả của tiền. Hơn nữa, theo nguyên tắc bảo đảm lãi suất thực dương để kiềm chế lạm phát, thì lãi suất sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới cho đến khi lãi suất huy động và lãi tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đạt xấp xỉ hoặc vượt mức lạm phát thực tế.

Thứ hai, trong bối cảnh mở rộng biên độ trần và sàn lãi suất, cũng như linh hoạt hoá trong quản lý tiền tệ để thích ứng với các động thái mới và đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, sẽ xuất hiện tình trạng đa dạng hoá các mức giá và lãi suất khác nhau trên thị trường, đòi hỏi và cho phép doanh nghiệp liên tục tìm kiếm các cơ hội thị trường mới, tránh lệ thuộc cứng nhắc vào một đối tác, một mức giá.

Thứ ba, việc chủ động dự phòng tăng giá và lãi suất còn cho phép doanh nghiệp, một mặt, chủ động hơn với việc xây dựng và triển khai các kế hoạch tài chính - kinh doanh, các phương án xử lý về giá và lãi suất của mình trong nội bộ hoặc với các đối tác, nhất là chủ động về nguồn vốn và chi phí sản xuất, tạo sự ổn định trong triển khai các kế hoạnh kinh doanh, bảo đảm lợi nhuận; mặt khác, có thể tính toán để chủ động giảm giá, tạo sức và lợi thế cạnh tranh mới so với các đối thủ khác, để thu hút các khách hàng và đối tác tiềm năng mới, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Trên tinh thần đó, để chủ động dự phòng việc tăng giá và lãi suất một cách tích cực khi lạm phát còn có thể tăng cao và có khả năng tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp cầntriển khai các biện pháp ‘‘cả gói’’ thích ứng, tuỳ điều kiện và năng lực thực tế, cũng như tuỳ thuộc mục tiêu và kế hoạch của mỗi doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên tập trung vào các khía cạnh nội dung sau:

Một là, có sự chuẩn bị trước cơ sở vật chất và nhân lực nhằm chủ động nắm bắt thông tin cập nhật và dự báo chính xác các động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá và lãi suất trên thị trường để chủ động trong khi xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạnh kinh doanh, tài chính, hoặc thương lượng với các đối tác về giá cung ứng, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ trong các hợp đồng kinh tế song phương và đa phương của mình, cả hiện tại và trước mắt, tránh bị động hoặc chịu thua thiệt quá mức trong kinh doanh. Trong thời gian trước mắt, việc dự trù tăng giá và lãi suất với mức trên dưới 20%/năm là có thể chấp nhận được cho cả 2 bên: doanh nghiệp và khách hàng - đối tác của doanh nghiệp.

Hai là, chủ động đa dạng hoá giá cả, lãi suất và các đối tác, tìm kiếm các nguồn vốn mới giá rẻ, theo hướng giữ chữ tín trên thương trường, ưu tiên những đối tác chiến lược, có triển vọng lâu dài và có mức giá hấp dẫn hợp lý cho các bên có liên quan.

Ba là, chủ động tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, từ đó giúp chủ động giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trong cung ứng các hàng hoá và dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, giành và giữ được các đối tác, các thị trường mới, có tiềm năng.

Bốn là, trong quá trình trên, cần tránh những sai lầm phải trả giá đắt do sự thụ động, tự ti, buông xuôi ‘‘được chăng hay chớ’’; do không đủ tỉnh táo, cảnh giác trước các tin đồn như là những cạm bẫy của các hoạt động đầu cơ, tội phạm; do tâm lý nhẹ dạ, sự a dua kiểu đám đông; hoặc do quá tự tin cảm tính, định kiến và bảo thủ của chính mình./.