TCCSĐT - Chiều nay, 9-6-2009, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007. 83,98% đại biểu Quốc hội biểu quyết đồng ý tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007 với những nội dung chính sau:

1- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 431.057 tỉ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2006 sang năm 2007 là 81.336 tỉ đồng, số thu từ quỹ dự trữ tài chính là 90 tỉ đồng, số thu từ huy động vốn đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước là 8.272 tỉ đồng và số chênh lệch thu chi ngân sách địa phương năm 2006 là 13.448 tỉ đồng. 84,58% số đại biểu có mặt đã nhất trí tán thành; 0,61% không tán thành, và 0,61% không biểu quyết.

2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 469.606 tỉ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008 là 88.821 tỉ đồng. 84,58% số đại biểu có mặt đã nhất trí tán thành; 0,81% không tán thành, và 0,81% không biểu quyết.

3. Mức bội chi ngân sách nhà nước (không bao gồm 26.018 tỉ đồng chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương) là 64.567 tỉ đồng, bằng 5,64% GDP. 82,35% số đại biểu có mặt đã nhất trí tán thành; 1,83% không tán thành, và 1,01% không biểu quyết.

4. Toàn bộ Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007 được 83,98% số đại biểu có mặt đã nhất trí tán thành; 0,02% không tán thành, và 0,81% không biểu quyết.

Quốc hội giao Chính phủ tăng cường quản lý tài chính - ngân sách theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, có hiệu quả. Có biện pháp tích cực, đảm bảo phân giao dự toán ngân sách sát thực tế, đúng Nghị quyết Quốc hội; khắc phục tình trạng phân giao dự toán ngân sách và giải ngân chậm, phải chuyển nguồn lớn sang năm sau. Tăng cường kiểm tra và thu hồi vào ngân sách nhà nước những khoản chi sai quy định; đôn đốc, truy thu và nộp đầy đủ các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng dự phòng ngân sách, nhất là các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính trong quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước./.