Bức tranh kinh tế, thương mại toàn cầu có “sáng” hơn trong năm 2019?
Năm 2018: Căng thẳng thương mại leo thang
Mọi sự chú ý đổ dồn vào Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018, hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới. Sau một thời gian đe dọa, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tháng 3-2018, ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Từ tháng 5 và 6-2018, Mỹ đưa thêm hàng “sản xuất tại Trung Quốc” bán sang thị trường Mỹ vào tầm ngắm: tăng thuế nhập khẩu 10%, rồi 25% đối với 50 tỷ USD, rồi 100 tỷ USD và thậm chí là 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc cũng lập tức áp dụng các biện pháp trả đũa, “ăn miếng, trả miếng”. Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng nghìn mặt hàng của bên kia sẽ bị áp thuế trừng phạt.
Trong cuộc chiến thuế quan này, ngoài thiệt hại đối với hai nền kinh tế lớn nhất, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vòng xoáy căng thẳng thương mại toàn cầu. Bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính sách chủ chốt ở các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Xu hướng tự do hóa thương mại đã bắt đầu chậm lại, xuất hiện những trở lực đáng kể.
Châu Á, châu Âu và thế giới nói chung đều "mệt mỏi" vì những động thái của Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả hai "gã khổng lồ" kinh tế này cũng bị áp lực vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ ai này. Đó cũng là lý do khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc, sau những cân nhắc và nhượng bộ lẫn nhau, đi đến quyết định tạm "đình chiến" về thương mại trong vòng 90 ngày. Dù vậy, viễn cảnh chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn rất xa vời, bởi thương mại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong quan hệ đầy mâu thuẫn Mỹ - Trung.
Những dự báo “đen tối” được đưa ra. Hội đồng Phân tích Kinh tế - một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Phủ tổng thống Pháp - đưa ra kịch bản đen tối nhất là Mỹ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách quyết liệt. Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn diện và sâu rộng, cả ba trụ cột kinh tế của thế giới là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề, mỗi bên mất khoảng 3-4% GDP/năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm.
Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria nêu bật một số thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gây ra. Căng thẳng thương mại đã kéo đà tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2018 và ông Gurria cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế bổ sung lên mức 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đã đe dọa, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống gần 3% vào năm 2020.
Còn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong báo cáo mới nhất về vấn đề rào cản thương mại đã cảnh báo tình trạng căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến tác động tiêu cực trực tiếp lên hoạt động thương mại và xa hơn nữa. Theo WTO, những rủi ro kinh tế và tài chính ngày càng tăng có thể làm suy yếu nền tảng thương mại và hoạt động sản xuất. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể đối mặt với tình trạng thoái vốn cũng như suy thoái tài chính lây lan khi các nước phát triển tăng lãi suất.
Số liệu mới cho thấy chính sách thương mại của ông Trump và động thái trả đũa của Trung Quốc đang gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ và khiến các nhà đầu tư lo ngại. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế quý III-2018 của nước này giảm nhẹ so với báo cáo trước, ở mức 3,4%, khi xuất khẩu giảm sút và chi tiêu tiêu dùng cùng với đầu tư doanh nghiệp đang kìm hãm đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2018, trong khi lạm phát lại giảm. Với hàng trăm tỷ USD hàng hóa chịu thuế trả đũa, xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm.
Còn với Trung Quốc, các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng chậm lại, khi mà nhiều năm nỗ lực giải quyết các nguy cơ về nợ đang bắt đầu gây sức ép lên đà tăng trưởng và cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng đang đe dọa hoạt động xuất khẩu. Kinh tế Trung Quốc trong quý II/2018 tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, giảm nhẹ so với quý trước đó, dưới tác động của chính sách hạn chế những rủi ro nợ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ có nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Trong quý III-2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng thấp hơn dự báo và chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng này sẽ đi xuống trong quý IV-2018.
Một điều ngạc nhiện là hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc ứng phó tốt trong năm 2018, do các doanh nghiệp tăng cường mua bán hàng để tránh lệnh áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng đã chững lại trong những tháng cuối năm 2018, làm gia tăng đáng kể nguy cơ xuất khẩu sẽ giảm mạnh nếu lệnh áp thuế của Mỹ có hiệu lực vào tháng 01-2019.
Đối với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong quý III-2018 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn bốn năm (giảm 2,5%) do đầu tư vào tư liệu sản xuất đi xuống, qua đó gia tăng những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Sự suy giảm này diễn ra sau khi kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,8% (số liệu đã điều chỉnh) trong quý II trước đó, đồng thời ghi dấu mức sụt giảm mạnh nhất kể từ quý II-2014 khi nền kinh tế của “đất nước Mặt Trời mọc” bị ảnh hưởng bởi một đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng Tư năm đó.
Kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ hồi phục trong quý IV-2018, nhưng những diễn biến trong căng thẳng thương mại do Mỹ khởi xướng vẫn là một yếu tố rủi ro đối với kinh tế Nhật Bản, trong khi tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu đang “hạ nhiệt” và lợi nhuận các công ty tại nước này vẫn tăng khá chậm.
Tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng chậm lại còn 2% trong tháng 11-2018, làm gia tăng quan ngại về tình hình hoạt động kinh tế của khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone trong tháng 10-2018 vẫn ổn định ở mức 8,1% trong tháng thứ tư liên tiếp, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2008, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 (7,5%).
Năm 2019: Bức tranh liệu có “sáng” hơn?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao 3,7% trong năm 2019, nhưng hai nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt. IMF cảnh báo sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, bởi thương mại là động lực chính của tăng trưởng.
OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, trong đó nguyên nhân được viện dẫn là do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OECD cho hay nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9/2018. OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 ở mức 3,7%, song dự kiến trong năm 2020 sẽ giảm nhẹ xuống 3,5%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á đã giữ nguyên ước tính tăng trưởng kinh tế của châu Á ở mức 6% năm 2018 và 5,8% năm 2019 (như dự báo đưa ra hồi tháng 9-2018). Bên cạnh đó, ADB cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,6% năm 2018 và 6,3% năm 2019 và Ấn Độ ở mức tương ứng 7,3% và 7,6% trong hai năm nêu trên.
Những dự báo tương đối lạc quan nêu trên dựa trên một số căn cứ như sau:
Tín hiệu tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được đồng thuận trong việc tạm ngừng chiến tranh thương mại và hai bên sẽ tiến hành đàm phán trong vòng 90 ngày. Theo thỏa thuận, Mỹ cam kết không nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ tháng 01-2019, nhưng các mức thuế đang tồn tại cũng như những biện pháp phi thuế quan của hai bên vẫn có hiệu lực. Mục tiêu của thỏa thuận là tạo cơ hội cho việc đàm phán giữa hai nước về các lĩnh vực như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp bí mật thông qua mạng ảo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và nông nghiệp.
Đây là tín hiệu tích cực, thúc đẩy các cơ hội đàm phán giữa hai nước về thương mại và đầu tư trong năm 2019. Lý do chính dẫn tới quyết định hòa hoãn của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bởi hai bên đều mong muốn tạm thời gạt bất đồng sang một bên, tránh đề cập tới những khúc mắc mang tính cơ cấu để tìm kiếm lợi ích chung.
Ngân hàng UBS lớn nhất của Thụy Sỹ và tập đoàn ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đều cho rằng, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạm thời hòa hoãn, tỷ giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD trong ngắn hạn sẽ duy trì ổn định trong năm 2019. Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, bất kể Washington và Bắc Kinh có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề khác hay không, kết quả rõ ràng của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung là chừng nào còn tiếp tục đối thoại, tỷ giá quy đổi của đồng NDT sẽ duy trì ở mức 7 NDT đổi 1 USD. Trong khi đó, Bộ phận nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của UBS chỉ rõ tỷ giá quy đổi giữa đồng USD và NDT có thể sẽ duy trì ổn định trong một thời gian dài hơn và đồng NDT có thể là một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Các chuyên gia tài chính nhận định, cùng với việc các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đều mong muốn đạt được thỏa thuận và Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các chính sách mục tiêu có liên quan sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước, các cuộc đàm phán Mỹ-Trung tiếp theo rất có thể sẽ đạt được tiến triển nhất định.
CPTPP hướng tới mở rộng mạng lưới
Ngày 30-12-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, những quy tắc đầu tư, thương mại, sở hữu trí tuệ, cùng với việc bãi bỏ thuế quan đã được triển khai. Hàng hoá, dòng tiền lưu chuyển thuận lợi tại khu vực phát triển ấn tượng châu Á - Thái Bình Dương mang một ý nghĩa rất lớn đối với thương mại toàn cầu.
CPTPP - hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Mở rộng thêm quốc gia thành viên là hướng đi không thể thiếu trong lộ trình mở rộng quy định về tiêu chuẩn của CPTPP ra toàn thế giới. 11 quốc gia thành viên CPTPP sẽ bắt đầu bàn bạc về quy chế đối với thành viên mới trong tháng 01-2019 trong bối cảnh CPTPP đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc...
Nhật Bản đã dẫn dắt TPP khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Tokyo sẽ phải tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt khi các quốc gia mới đàm phán gia nhập CPTPP. Tập trung sức mạnh xây dựng các khu vực kinh tế, củng cố hơn nữa hệ thống thương mại tự do đã trở thành vấn đề quan trọng của Nhật Bản. Tokyo cần nhanh chóng thúc đẩy các bên đạt được thoả thuận trong đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ.
Mỹ và EU tháo gỡ bất đồng thương mại
Tháng 6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế nhập khẩu nhôm và thép đến từ Liên minh châu Âu, Canada và Mexico. EU đã đáp trả bằng cách đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới và áp dụng các biện pháp trả đũa thông qua quyết định áp thuế lên hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào EU với trị giá lên tới 2,8 tỷ euro. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đã đe dọa trả đũa lên các sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Mỹ từ châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sau đó đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump về việc giảm bớt căng thẳng, song không xóa bỏ được thuế quan đánh vào mặt hàng thép và nhôm cũng như các mối đe dọa đối với sản phẩm của nền công nghiệp ô tô châu Âu. Brussels cũng cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ bằng cách đề xuất cải cách WTO trong bối cảnh trước đó, ngày 30-8-2018, Tổng thống đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi WTO nếu cơ quan này không cải cách. Đề xuất này sẽ được các bên đưa ra đàm phán trong năm nay, làm dấy lên hy vọng về khả năng tháo gỡ bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU./.
Hoạt động của các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng  (13/01/2019)
Bàn giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn  (13/01/2019)
Bàn giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn  (13/01/2019)
Các đồng chí lãnh đạo thăm hỏi và chúc Tết bà con trên cả nước  (13/01/2019)
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ  (12/01/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay