Phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho phát triển hài hòa, bền vững trên địa bàn Hà Nội

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
11:41, ngày 29-12-2018
TCCSĐT - Việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn Thủ đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của bản thân cư dân thành phố Hà Nội mà còn phục vụ cho cư dân cả nước, cư các các vùng miền, nhất là với các dịch vụ chất lượng cao mà các địa phương khác chưa thể đáp ứng như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, thể thao trình độ cao... Phát triển dịch vụ công vì thế còn mang ý nghĩa xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân, vì con người và do con người.

Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính của đất nước, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế... nên có quy mô dịch vụ công lớn, có mật độ dày đặc các tổ chức cung ứng dịch vụ công trên các lĩnh vực hành chính công, sự nghiệp công và dịch vụ công ích. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn Thủ đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của bản thân cư dân thành phố Hà Nội mà còn phục vụ cho cư dân cả nước, cư các các vùng miền, nhất là với các dịch vụ chất lượng cao mà các địa phương khác chưa thể đáp ứng như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, thể thao trình độ cao... Phát triển dịch vụ công vì thế còn mang ý nghĩa xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân, vì con người và do con người.

Bằng cả nỗ lực của Trung ương và địa phương Hà Nội, thời gian qua dịch vụ công trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến quan trọng cả về quy mô, phương thức tổ chức cung ứng, đa dạng hóa chủ thể tham gia đến mô hình tài chính (phí, lệ phí, giá...), phục vụ hướng đến hài lòng của người dân. Thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 8956/QĐ-UBND ngày 28-12-2017 về việc phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2018 của thành phố Hà Nội. Triển khai thực hiện quyết định này, trong năm 2018 Hà Nội đã có nhiều chuyển biến quan trọng trong công tác cải cách dịch vụ công trên các loại hình: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.

Đối với dịch vụ hành chính công

Dịch vụ hành chính công đã có nhiều cải tiến quan trọng từ hoạt động cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận, chứng thực (công chứng, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe, đăng ký ô tô, xe máy, tàu thuyền...) đến cấp giấy đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp và chứng chỉ hành nghề, hoạt động thu phí và lệ phí công khai, minh bạch, giản tiện.

Thứ nhất, thành phố đã đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử cho hoạt động cấp giấy phép, chứng thực, vừa bảo đảm tiện lợi, nhanh gọn, vừa công khai minh bạch trách nhiệm của công chức hành chính trước người dân và doanh nghiệp. Đến giữa năm 2018, Hà Nội có 689 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, và là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính và áp dụng chính quyền điện tử đã có tác dụng giúp giảm thời gian đăng ký, chờ đợi giấy phép, chứng thực của doanh nghiệp, giảm 30% thời gian đăng ký doanh nghiệp, 100% hồ sơ được thực hiện qua mạng... Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm cho khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới, nhờ đó mà năm 2018 thành phố Hà Nội có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Thứ ba, cùng với yếu tố áp dụng công nghệ thì Hà Nội xác định con người vẫn là yếu tố quyết định, nên đã tập trung nâng cao trách nhiệm cá nhân ứng với từng vị trí việc làm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính, giảm 695 người qua 12 đợt tinh giản biên chế, khắc phục những chỗ trùng dẫm chức năng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đề án vị trí việc làm được triển khai tích cực để làm rõ trách nhiệm của mỗi người trước công vụ, trước người dân, nếu vi phạm có căn cứ xử lý, nếu hoàn thành có căn cứ đánh giá, nếu có thành tích cao được khen thưởng, tôn vinh.

Thứ tư, cải thiện môi trường cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chờ đợi giải quyết các thủ tục hành chính với không gian thoáng rộng hơn, có khả năng giám sát của xã hội đối với cán bộ, công chức; niêm yết các thủ tục, trình tự giải quyết thủ tục, các nội dung cần thiết để người dân biết, thuận tiện thực hiện và giám sát.

Thứ năm, thực hiện cải tiến nhiều nội dung về phí và lệ phí bảo đảm hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, thúc đẩy xã hội hóa. Từ nhiều năm nay, Thành phố đã nghiên cứu ủy quyền cho tư nhân thực hiện các khâu không cần thiết phải độc quyền nhà nước nhằm tăng tính cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ hành chính công, nhất là các hoạt động công chứng. Từ ngày 01-8-2018, Hà Nội đã hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, khi thành lập, doanh nghiệp chỉ cần kê khai hồ sơ qua mạng, sau khi được giải quyết, toàn bộ kết quả sẽ được chuyển phát nhanh về đến địa chỉ người gửi.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công

Các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công ở Hà Nội không chỉ chiếm quy mô lớn, tần số dày đặc mà trong những năm qua đã có nhiều chuyển đổi quan trọng cơ chế, mô hình tổ chức và hoạt động. Phát huy trách nhiệm của chính quyền đi đôi với xã hội hóa, vận dụng các nguyên tắc của thị trường vào tổ chức cung ứng dịch vụ nhưng không làm mất đi bản chất của dịch vụ sự nghiệp công. Các lĩnh vực được tiến hành đổi mới mạnh mẽ là dịch vụ y tế, giáo dục, nghệ thuật - biểu diễn... Đổi mới dịch vụ sự nghiệp công được tiến hành bao gồm nhiều nội dung: đổi mới cơ chế quản lý phí và lệ phí theo tinh thần phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế, chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị cung ứng dịch vụ, qua đó còn giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ các đơn vị sự nghiệp công lập, thành phố đã khẩn trương tổng hợp, rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập cần chuyển sang cơ chế tự chủ trong giai đoạn 2018-2020; lập đề án phí và lệ phí, nâng mức tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến tháng 10-2018, thành phố đã chuyển được 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, giảm 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; hoàn thành việc phê duyệt danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018 - 2020 là 196/257 đơn vị. Cả giai đoạn 2018 - 2020 dự kiến sẽ giảm 11.221 biên chế, phấn đấu đưa 61 đơn vị tự chủ đảm bảo mục tiêu của Trung ương đã đề ra. Điều quan trọng là quá trình chuyển đổi mô hình đã nâng cao tính tích cực và trách nhiệm của bản thân các chủ thể cung ứng dịch vụ, tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy, giảm bớt được sức ép chi thường xuyên từ phía thành phố, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngành y tế trong năm 2017 đã giao quyền tự chủ cho 5 bệnh viện (Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viên Đa khoa Xanh-pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội). Trên cơ sở kết quả tích cực ban đầu được sơ kết, năm 2018 đã giao quyền tự chủ tài chính cho 60 đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế của thành phố. Các đơn vị được giao quyền tự chủ đã chủ động nguồn thu và định mức chi theo quy định hiện hành; huy động nguồn lực chủ động đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ, chi trả cho người lao động, các nhà quản lý; mở rộng dư địa cho hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế với nhiều mô hình rất đa dạng. Điều quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế sau chuyển đổi mô hình đã nâng cao rõ rệt, cả về thiết bị công nghệ được đầu tư, tinh thần phục vụ người bệnh, môi trường bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh.

Ngành giáo dục với nhiều loại hình trường đa dạng từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường dạy nghề, cao đẳng - đại học,... được thành phố rà soát, xác định, ưu tiên chuyển các trường chất lượng cao sang thực hiện cơ chế tự chủ; khuyến khích một số trường mầm non, trung học phổ thông có khả năng xã hội hóa cao, cung ứng được dịch vụ tốt, đáp ứng khả năng chi trả phí của phụ huynh học sinh.. . chuyển sang tự chủ. Tính đến giữa năm 2018, ngành giáo dục thành phố đã giảm 48 đơn vị, sáp nhập 31 đơn vị trường lớp (trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên). Những hướng đi mới này sẽ tạo điều kiện cho huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng của ngành giáo dục.

Đối với dịch vụ công ích

Ngày 17-7-2017, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định tiêu chí, danh mục các đơn vị dịch vụ công ích chuyển sang hình thức công ty cổ phần nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần. Bao gồm: Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; Thoát nước và xử lý nước thải; Vệ sinh môi trường; Chiếu sáng; Sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; Dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn về quản lý và kinh doanh...); Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý, bảo trì bến tàu, bến xe; Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới và phương tiện thủy; Kiểm định xây dựng; Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe; Kinh doanh mặt bằng hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư; Các dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin, quảng bá du lịch; Quản lý bất động sản; quản lý chợ, trung tâm thương mại; Kinh doanh nhà khách, nhà nghỉ và dịch vụ lưu trú ngắn ngày và phục vụ hội họp; Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình cơ cấu lại các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trên địa bàn đô thị và nông thôn ngoại thành. Các sở, ngành có nhiều đơn vị dịch vụ công ích là Sở giao thông, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tích cực rà soát quy trình công nghệ, định mức và đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích đã có, tính toán để ban hành định mức và đơn giá mới phù hợp với cơ chế thị trường. Định mức mới của sản phẩm, giá dịch vụ công ích được ban hành giúp tiết kiệm ngân sách, các doanh nghiệp công ích tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy, nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ cho nâng cao chất lượng dịch vụ.

Điều đặc biệt là Thành phố chuyển hẳn sang cơ chế đấu thầu đối với nhiều dịch vụ công ích sử dụng ngân sách đã giúp cho tiết kiệm hàng nghìn tỷ ngân sách nhà nước mỗi năm như các lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ đô thị, xử lý rác thải... Chuyển từ cơ chế “đặt hàng” sang cơ chế đấu thầu thực chất là vận dụng cơ chế thị trường trong cung ứng dịch vụ công ích, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ với tính hợp lý giá cả và tiêu chí chất lượng. Chỉ tính năm 2016, việc dừng hoạt động cắt cỏ, tỉa và trồng cây cảnh tại 24 km trên đại lộ Thăng Long, thành phố đã đối thoại để giảm kinh phí duy tu, duy trì, cắt tỉa hoa, thảm cỏ giảm từ 886 tỷ đồng xuống còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ đồng. Sau đó, thành phố cho đấu thầu mà người trúng thầu với giá 95,3 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói. Rồi hàng loạt gói thầu về duy trì thảm cỏ, cây xanh tại nhiều tuyến phố, khu đô thị cũng được đấu thầu rộng rãi. Phát huy kết quả ban đầu, thành phố đã chuyển mạnh sang cơ chế đấu thầu các dịch vụ trồng cây xanh trên các tuyến phố, vệ sinh môi trường, cung cấp sữa học đường (tiết kiệm 350 tỷ đồng). Sau khi thành phố ban hành quy định, các quận, huyện cũng chuyển mạnh sang hình thức đấu thầu cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích.

Có thể thấy, việc chuyển từ cơ chế đặt hàng nặng cơ chế “xin cho”, tạo nhiều lỗ hổng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, sang cơ chế đấu thầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trước hết, đấu thầu đã giúp tiết kiệm được ngân sách nhà nước chi cho các dịch vụ công ích, khắc phục tình trạng lãng phí không đáng có; nguồn ngân sách tiết kiệm được dùng để đầu tư cho phát triển, tạo động lực phát triển mới cho thành phố. Thứ hai, đấu thầu đã tạo cơ hội cho các chủ thể ngoài khu vực công tiếp cận các gói dịch vụ sử dụng ngân sách, xác lập quan hệ bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Thứ ba, sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ công ích đã tăng tính cạnh tranh, khắc phục độc quyền nhà nước, nhờ đó mà chất lượng dịch vụ công ích được cải thiện rõ rệt. Thứ tư, do phải chấp nhận cạnh tranh nên các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích luôn tìm cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nhằm tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động của con người, nhất là đối với những khâu nặng nhọc, độc hại, thúc đẩy tiến bộ trong sản xuất. Thứ năm, do sức ép cạnh tranh, các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới mô hình quản trị như doanh nghiệp, nhờ đó tạo nên động lực mới cho phát triển.

Trên cơ sở những kết quả ban đầu của quá trình đổi mới hoạt động cung ứng, phát triển dịch vụ công trên địa bàn thành phố, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là phải có giải pháp tối ưu để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một là, hoàn thiện các thể chế phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong quản lý và phát triển dịch vụ công. Đó là các loại thể chế về giá, phí, lệ phí mà thành phố có quyền tự chủ nhất định trong việc xác định tiêu chí, định giá, nhờ đó bảo đảm cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công có đủ thu bù chi, thực hiện tự chủ. Đó là các quy định cho thành phố được quyền giữ lại những khoản ngân sách chi thường xuyên tiết kiệm được, nhờ chuyển từ hình thức cấp phát hoặc đặt hàng dịch vụ công trước đây sang đấu thầu, để dành cho đầu tư phát triển. Đó là hoàn thiện các quy định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ công trong quá trình xã hội hóa.

Hai là, áp dụng mạnh mẽ hình thức đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ công, đặc biệt đối với những lĩnh vực mà dư địa còn rộng rãi nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ của tư nhân trong phát triển dịch vụ công. Các lĩnh vực dịch vụ công có khả năng xã hội hóa cao cần phải được rà soát, đánh giá chính xác và mở cửa cho tư nhân đầu tư dưới hình thức đối tác công tư. Hoàn thiện các chế độ đàm phán, hợp đồng, xác định rõ ràng trách nhiệm chính quyền và tư nhân đối với từng loại hợp đồng trên từng lĩnh vực dịch vụ công cụ thể. Các lĩnh vực có dư địa rộng cho mở rộng đối tác công tư chính là vệ sinh môi trường đô thị, cấp thoát nước đô thị, công viên - cây xanh, y tế chất lượng cao, giáo dục chất lượng cao, xử lý rác thải đô thị... Chú ý thêm các hình thức đối tác công tư như “đầu tư tư, sử dụng công”, “đầu tư công, sử dụng tư”, “chi phí công, cung ứng tư, kiểm soát công”.

Ba là, vận dụng tốt hơn các nguyên tắc của thị trường vào phát triển dịch vụ công trên địa bàn đô thị Hà Nội như áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp cho quản trị các đơn vị cung ứng dịch vụ công, thúc đẩy cạnh tranh, trả lương dựa trên đánh giá kết quả sản phẩm... Các mô hình quản trị áp dụng các bộ quy chuẩn ISO cần áp dụng rộng rãi cho các cơ quan công quyền nhằm loại bỏ quan liêu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho dân tiếp cận dịch vụ hành chính công. Thúc đẩy cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công qua đấu thầu, mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia... cần được tổng kết và mở rộng. Trả lương ở khu vực công cần phải học tập doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá chính xác hiệu quả công việc gắn với sản phẩm cụ thể. Các mô hình đánh giá sản phẩm và năng lực của nhân viên theo phương pháp 180 độ cần được áp dụng trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công.

Bốn là, áp dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong quá trình cung ứng dịch vụ công. Đó là áp dụng chính quyền điện tử cấp độ cao nhằm góp phần vào công khai, minh bạch, giải trình của chính quyền trước nhân dân, tăng độ tương tác giữa chính quyền và nhân dân. Đó là áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong các hoạt động dịch vụ công nặng nhọc, độc hại như vệ sinh môi trường đô thị, giao thông, cắt cành cây, quan trắc môi trường... để bảo đảm năng suất và bảo vệ sức khỏe cho người lao động... Một số lĩnh vực dịch vụ công khi áp dụng khoa học - công nghệ sẽ chuyển thành lĩnh vực kinh doanh như xử lý rác thải gắn với tận dụng khí ga để phát điện, xử lý nước thải gắn với tận dụng nguồn nước trở lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng đô thị thông minh luôn cần tới áp dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kết nối internet vạn vật... biến mỗi đô thị thành một mô hình kinh tế sáng tạo, nhờ đó cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, tìm động lực cho tăng trưởng từ đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh. Áp dụng khoa học - công nghệ luôn cần nguồn lực lớn, dư địa cho tư nhân tham gia và phát triển mô hình đối tác công tư, nếu doanh nghiệp nhận thấy có thể mang lại lợi nhuận trong dài hạn.

Năm là, phát huy vai trò của các chủ thể trong quá trình xã hội hóa các dịch vụ công. Xã hội hóa dịch vụ công không làm suy giảm vai trò của chính quyền mà còn đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm ở các khâu sửa đổi và ban hành thể chế mới điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, kiểm tra, giám sát và kiểm định chất lượng dịch vụ, đào tạo và giáo dục nhân viên trong cung ứng dịch vụ công... Ngoài ra còn phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong giám sát chất lượng dịch vụ công thông qua các đánh giá và thẩm định của xã hội. Không thể không kể đến vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền doanh nghiệp và người dân nâng cao hơn nhận thức trước nhu cầu đổi mới cơ chế quản lý mô hình cung ứng dịch vụ công, cổ vũ cho những nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tạo khả năng ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi trong xã hội, phê phán những bảo thủ, trì trệ, tiêu cực, cản trở đổi mới sáng tạo trong phát triển dịch vụ công trên địa bàn thành phố Hà Nội./.