Ngày 12-8, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 đã diễn ra với chủ đề “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững.” Được tổ chức hai năm một lần trước thềm Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 có sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan ngoại vụ của 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc cùng Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại địa phương

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh các đại biểu cần tập trung đi sâu phân tích các vấn đề còn tồn tại, bất cập, tìm ra những “rào cản,” “nút thắt” cản trở công tác đối ngoại địa phương thời gian qua. Từ đó các đại biểu đưa ra biện pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại địa phương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với địa phương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta cũng như các lợi ích, cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, cuộc Cách mạng công nghiệp 4,0, vừa phải “hành động địa phương,” hiểu rõ “quê ta” có gì mà đối tác cần, ta cần gì để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển bền vững của địa phương… Hội nhập quốc tế phải đi liền với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ Ngoại giao và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng đồng hành cùng địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương. Trong đó có giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại trong bối cảnh đất nước tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tiếp đó là hỗ trợ địa phương triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa, thông qua tuyên truyền đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu địa phương; phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt thu hút nguồn lực trí thức, chuyên gia người địa phương ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước nói chung và địa phương nói riêng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh địa phương cần đặt hàng cụ thể cho Bộ Ngoại giao, trực tiếp cho các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đề nghị các Đại sứ tư vấn về ngành, nghề, thị trường cho “đúng đối tác, đúng ngành,” giúp các địa phương rút ngắn thời gian, nắm thông tin chất lượng, đáng tin cậy. Ngoài việc khai thác lợi thế khác biệt và tiềm năng, các địa phương cần xem xét lại, khắc phục tình trạng mỗi địa phương “tự độc lập tác chiến” để tiến tới cùng “chung tay", cùng liên kết, phân công, hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài…

Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ tăng cường phối hợp để hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch, kết nối về kinh tế, xây dựng thương hiệu, thu hút nguồn lực phát triển địa phương, làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lưu ý các cơ quan ngoại vụ địa phương cần nâng tầm tham gia, đóng góp về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách, phát huy tốt hơn nữa “vai trò đầu mối” “trái tim hội nhập” tại địa phương trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực. Con người là vấn đề có ý nghĩa then chốt “giải pháp của giải pháp” đối với tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương.

Địa phương tập trung nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2016-2018 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho biết trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã ký 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016. Nhìn chung, các thỏa thuận quốc tế đã ký kết đang đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của các địa phương nói riêng, của Việt Nam nói chung, phù hợp với chủ trương lớn về phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Về kinh tế đối ngoại, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2016 và năm 2017 tăng trưởng mạnh, đạt 775 tỷ USD, tăng 23,8% so với giai đoạn 2014-2016 (đạt 626 tỷ USD). Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong hai năm qua tăng 34,92%, đạt 60,28 tỷ USD so với 44,67 tỷ USD giai đoạn trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn là các địa phương tiêu biểu, thu hút được nhiều các nhà đầu tư nước ngoài. Trong hai năm, vận động và quản lý viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đạt khoảng 300 triệu USD, tương đương so với giai đoạn trước, đóng góp đáng kể vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương.

Cũng theo Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long: Kể từ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 18 đến nay, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thiện hồ sơ và được UNESCO công nhận 7 danh hiệu, nâng tổng số do sản của các địa phương Việt Nam được UNESCO công nhận là 38 danh hiệu. Việc kết nối kiều bào trực tiếp với các địa phương được triển khai thực chất khắp cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc vừa huy động nguồn lực kiều bào. Bên cạnh đó, người Việt Nam ở nước ngoài cũng tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như quyên góp hỗ trợ người nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, các hoạt động quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài, cầu nối thu hút đầu tư vào địa phương, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Nhìn chung các địa phương đã chú trọng triển khai công tác thông tin đối ngoại dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhiều cơ quan ngoại vụ địa phương chủ động xuất bản bản tin đối ngoại hoặc phối hợp với Bộ Ngoại giao xuất bản các chuyên trang về địa phương…

Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý biên giới. Tình hình biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Về công tác hỗ trợ địa phương, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị nội dung, tham gia phục vụ 47 hoạt động của Lãnh đạo cấp cao liên quan đến công tác đối ngoại địa phương tập trung vào xúc tiến thương mại. Bộ Ngoại giao tổ chức 166 đoàn Lãnh đạo Bộ đi thăm làm việc tại các địa phương trong cả nước; chủ động và tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức 51 hội nghị, yọa đàm chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ,” “Giới thiệu địa phương”...

Để phát huy những kết quả tích cực, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Bùi Lê Thái cho rằng cần tăng cường công tác quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc về việc tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của địa phương.

Các lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, quản lý điều hành thống nhất của các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đối với các hoạt động đối ngoại, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng hơn, qua đó phát huy được tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành tại địa phương. Các địa phương tập trung nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của Đảng, Nhà nước và địa phương liên quan đến công tác đối ngoại.

Nhằm tăng cường phối hợp hiệu quả giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và nhân dân ở các địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nói chung, các hoạt động đối ngoại nhân dân nói riêng theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.”

Trong các phiên thảo luận, đại biểu nêu ý kiến tập trung vào các nội dung: Công tác đối ngoại phục vụ phát triển của địa phương; công tác chuyên môn và kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ngoại vụ địa phương; công tác khen thưởng đối với địa phương./.