2000 vụ bạo lực trẻ em ở Việt Nam mỗi năm
TCCSĐT - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.
Bảo đảm quyền lợi của trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế hiện nay, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có nhiều khó khăn, không được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế về quyền của trẻ em, ví dụ như quyền được vui chơi, giải trí và các điều kiện học hành.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các địa phương có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về một số giải pháp cần chuẩn hóa về đầu tư xây dựng trường học cho các vùng khó khăn với việc trường học phải đa chức năng: vừa làm chức năng vui chơi, giải trí miễn phí cho các em ở các vùng này. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng, miễn phí về sữa học đường; cung cấp đồ ấm cho trẻ em, bảo đảm đủ ấm vào mùa đông.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có hạn chế trong việc bảo vệ, chăm sóc đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đối với miền núi, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, mức độ thụ hưởng của các em còn hạn chế, trừ trường hợp các em vào trường dân tộc nội trú, các chế độ thụ hưởng được bảo đảm.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp Ủy ban Dân tộc miền núi để kiểm tra đôn đốc, giám sát việc này nhưng kết quả chưa được như mong muốn, đặc biệt Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 chưa được cụ thể hóa. Bộ sẽ cụ thể hóa các nội dung đại biểu nêu ngay vào đầu tháng 7 và mong đại biểu giám sát việc này.
Làm rõ hơn nội dung chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bấm nút tranh luận: Đối với vấn đề thứ nhất, nguồn sữa người dân tạo ra và các doanh nghiệp sản xuất sữa trên cả nước sẵn sàng ủng hộ nếu Đảng, Nhà nước có chủ trương. Thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo vấn đề này nhưng chưa đi vào thực tiễn, cần phải có chính sách cụ thể.
Tiếp tục tranh luận về nội dung thứ hai, đại biểu Quyết Tâm cho rằng có rất nhiều cơ sở xã hội từ thiện, nhân đạo cung cấp đồ ấm cho trẻ em nhưng còn nhỏ, lẻ. Ở vùng sâu, vùng xa, trong mùa đông trẻ em phải đi chân không hoặc đi dép mà không có tất, mặc đồ rất mong manh.
“Nếu có chủ trương, xã hội sẽ cùng chung sức, ngân sách nhà nước cùng xã hội phải đầu tư xây dựng trường học và chúng ta đưa ra chuẩn trường học bảo đảm trẻ em được thụ hưởng những phúc lợi xã hội tốt nhất. Tôi tin là chúng ta làm được và chúng ta không có lí do gì không làm điều này, vì trẻ em của chúng ta” - đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh.
Ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại đối với trẻ em
Nêu quan điểm tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ, việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin hiện nay, trên thế giới, bình quân có khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực/năm. trong đó khoảng 73 triệu là bé trai. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em lớn nhất. Tại Việt Nam, hàng năm, bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực. Đây là con số phản ánh, còn con số thực tế có thể tăng lên vì nhiều trường hợp không có thông tin.
Bộ trưởng khẳng định về khung pháp lý hoàn toàn đầy đủ, được quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật trẻ em; đặc biệt, sau tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành nhiều giải pháp, như: tuyên truyền, vận động; xây dựng đường dây nóng 111; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã trực tiếp đôn đốc, theo dõi những vấn đề này.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật; cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là tăng cường phối hợp hiệp đồng; đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi bố mẹ đi vắng
Về các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi bố mẹ đi làm vắng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm trước hết của mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu là cần đẩy mạnh, đề cao trách nhiệm của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các quyền của trẻ em. Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu - đây là một điều quan trọng. Thời gian qua, có nhiều vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em nhưng các cơ quan chức năng mới tập trung xử lý trách nhiệm của người trực tiếp gây ra.
Tại các cơ sở giáo dục ở các địa phương khi để xảy ra tình trạng bạo lực đối với trẻ em, trách nhiệm của người đứng đầu hầu như không có. Nội dung này đã được quy định rõ trong Luật. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú trọng nội dung này; tăng cường thanh, kiểm tra khi có vi phạm xảy ra...
* Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn về giải quyết bế tắc trong xét xử tội phạm xâm hại trẻ em
Để giải đáp những thắc mắc của các đại biểu, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã phải tham “chia lửa” hỗ trợ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng
Tham gia chất vấn vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng, ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại.
“Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị hai vụ xâm hại với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Có tới 6% vụ việc liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào là căn cơ, là quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?” Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi.
Đã có thời gian dài theo đuổi vụ việc một cháu bé ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) bị xâm hại và có nhiều văn bản kiến nghị sự việc trên, khi tham gia chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn nói: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách bảo vệ trẻ em chứ không riêng gì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thế nhưng dường như khi gặp các gia đình trẻ em bị xâm hại tôi thấy họ rất đơn độc. Tôi đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng với các cơ quan khác vào cuộc.”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng câu nói “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” khi nhắc lại vụ bé gái bị xâm hại ở Cà Mau, lúc cháu nói thì không nghe nhưng khi cháu tự tử thì mới khởi tố vụ án. Đây là sai lầm và không nên để những câu chuyện như vậy tiếp tục xảy ra.
Trong buổi chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã tranh luận vấn đề bạo lực trẻ em gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, thậm chí còn có cả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Số liệu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra là 2.000 vụ bạo hành nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn bởi những sự việc này khiến dư luật rất bất bình. Với tư cách là Bộ trưởng, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này?” Đại biểu Lê Thị Nga nói.
Đặc biệt đại biểu Lê Thị Nga cũng đề nghị chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toá án nhân tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.
Cùng “chia lửa” trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hệ thống pháp luật đảm bảo quyền lợi cho trẻ em cơ bản đồng bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, xử chưa nghiêm minh. Đặc biệt, có vụ có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cấp, các ngành đánh giá thực chất lại hoạt động của mình.
“Còn đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, đơn vị đều có ý kiến trực tiếp. Nhiều vụ tôi trực tiếp có ý kiến như vụ xét xử ông Nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi đã trao đổi trực tiếp với Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này. Hay vụ án Minh (Minh béo), về nước khi bị xử vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bộ đã có ý kiến với cơ quan chức năng và được chấp nhận”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
“Chia lửa” trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đồng tình xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc và cho rằng quan tâm vấn đề này phải đảm bảo tính đồng bộ của cả hệ thống chính trị để hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật.
“Yêu cầu của cuộc đấu tranh này không chỉ dừng lai ở quyết tâm mà phải bằng pháp luật, sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Công tác tuyên truyền giáo dục để cảnh báo, giáo dục đồng bộ kỹ năng cho trẻ em đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội lên án. Đặc biệt là khi phát hiện xử lý nghiêm minh để răn đe”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Theo ông Lê Minh Trí, để bảo vệ trẻ em phải thực hiện đồng bộ phòng ngừa và khi phát hiện phải xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các hành vi xâm hại, nếu chỉ tập trung xâm hại tình dục thì nhiều hành vi xâm hại khác cũng bức xúc.
Ông Lê Minh Trí nêu rõ, Luật Trẻ em 2016, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự... đều đã có những chương quy định điều khoản bảo vệ quyền của trẻ em. Những điều luật ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấy tranh phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật hoàn thiện rồi còn đòi hỏi tính thực thi của pháp luật.
“17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan là hết sức quan trọng. Nếu có sự phân công của Uỷ ban thường vụ của Quốc hội thì đây là cách để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan”, ông Lê Minh Trí đề xuất.
Tham gia trả lời chất cấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, việc điều tra gặp nhiều khó khăn, có trường ợp hành vi thực hiện trong thời gian dài mới phát hiện, hầu hết các vụ xâm hại tình dục không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân khai báo không chính xác, việc tố cáo trình báo tội phạm chậm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, giám nghiệm hiện trường.
Với trách nhiệm giải trình về việc phải trả lại hồ sơ một số vụ án xâm hại trẻ em, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong 5 năm từ 2013-2017, toà án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em bao gồm 5 tội danh khác nhau quy định trong Bộ Luật Hình sự. Trong đó, xâm hại tình dục trả em đã trả hồ hơ 549 vụ, chiếm 6%, hơn 7.600 vụ xét đúng người đúng tội.
“Số vụ trả hồ sơ số lượng không nhiều, chỉ 6% nhưng gây bức xúc trong xã hội. Đây là những vụ việc không khó khăng trong xét xử nhưng khó khăn trong điều tra, vì đây phần lớn là những vụ truy xét không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện xa, gia đình nạn nhân ngại khai báo, thậm chí che dấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những tội giám định bắt bắt buộc nhưng gia đình từ chối do tâm lý xã hội gây khó khăn trong điều tra”, người đứng đầu ngành toà án nói.
Để gỡ khó trong xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các thông tư, tập huấn cán bộ để thực thi hiệu quả các pháp luật về bảo vệ trẻ em./.
Thêm hàng nghìn chữ ký yêu thương gửi đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam  (05/06/2018)
Hội thảo Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á năm 2018  (05/06/2018)
Năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp  (05/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên