Dấu ấn mới trong quan hệ ASEAN - Australia

Nguyễn Văn Thành Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
21:59, ngày 12-04-2018

TCCSĐT - Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia được tổ chức tại Sydney (Australia) trong hai ngày 17 và 18-3-2018 với chủ đề “Tăng cường An ninh và Thịnh vượng ở khu vực”. Đây là lần đầu tiên Hội nghị này được tổ chức theo đề xuất của Thủ tướng Australia nhằm tái khẳng định cam kết của Australia đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN trong giai đoạn mới.

Xung lực mới phát triển lâu dài, bền vững

Quan hệ ASEAN - Australia được thiết lập từ năm 1974, Australia là nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác đối thoại chính thức với ASEAN trên cả 3 lĩnh vực: chính trị, kinh tế và hợp tác chuyên ngành. Năm 2014, hai bên tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ, kể từ đó, hai bên nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược. Tháng 11-2017, Australia ban hành Sáng trắng Đối ngoại đầu tiên trong vòng 14 năm, trong đó nhấn mạnh, Đông Nam Á là khu vực nằm ở vị trí trung tâm trong cạnh tranh, ảnh hưởng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có tác động sâu sắc đến tương lai của Australia.

Trên thực tế, gần đây, Australia đã tham gia vào nhiều thể chế do ASEAN làm trung tâm nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh một cách sâu sắc hơn với khu vực châu Á. Can dự ngoại giao với ASEAN đã góp phần vào quá trình tái xác lập vị thế của Australia như là cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiện là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự phối hợp và ủng hộ tích cực của Australia đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, triển khai các kế hoạch kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp ASEAN ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn.

Hợp tác chính trị - an ninh: Australia tham gia khá tích cực vào các diễn đàn, cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Australia luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Năm 2017, Australia đề xuất EAS ra Tuyên bố cấp cao về chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố, được các nhà lãnh đạo EAS thông qua tại Hội nghị Cấp cao EAS tháng 11-2017. Australia đồng tổ chức với Thái Lan Hội thảo EAS về không phổ biến vũ khí tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng 10-2017. Trong ARF, Australia cùng Malaysia và Nga chủ trì xây dựng Kế hoạch Công tác ARF về An ninh mạng. Australia hiện đang là đồng chủ trì cùng với Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong Nhóm giữa kỳ ARF về An ninh Biển (ARF ISM-MS) giai đoạn 2018 - 2020. Trong ADMM+, giai đoạn 2017 - 2020, Australia cùng Indonesia đồng chủ trì Nhóm ADMM+ về gìn giữ hòa bình. Tháng 02-2018, Australia phối hợp với Thái Lan tổ chức Hội thảo ASEAN - Australia về an ninh mạng. Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, Australia và ASEAN đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, hai bên ký kết bản ghi nhớ về “Tăng cường hợp tác chống khủng bố quốc tế”, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Australia - ASEAN. Biên bản ghi nhớ “Tăng cường hợp tác chống khủng bố quốc tế” được xem là bước đột phá lịch sử góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên trong lĩnh vực bảo vệ an ninh khu vực. Thông qua các thỏa thuận khung được ký kết, Australia và ASEAN thống nhất tăng cường hợp tác chống khủng bố trên các lĩnh vực như tài chính và chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Hợp tác kinh tế: Australia là một đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của ASEAN. Năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN với Australia lên tới 93 tỷ USD(1). Australia đã ký ba hiệp định thương mại tự do với các quốc gia ASEAN (Singapore, Malaysia và Thái Lan). Ba quốc gia này chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch trao đổi thương mại Australia - ASEAN; chiếm 75% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Australia vào ASEAN (2). Australia cũng đang ngày càng phụ thuộc vào lực lượng lao động có tay nghề cao đến từ ASEAN. ASEAN có 637 triệu dân, dự kiến sẽ còn tăng lên mức 685 triệu dân vào năm 2022 (3). Năm 2017, có khoảng 1,4 triệu du khách ASEAN đến Australia để làm việc, kinh doanh hoặc du lịch (4).

Australia là một đối tác quan trọng trong Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA, FTA liên khu vực đầu tiên của ASEAN, ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 năm 2009, có hiệu lực năm 2010, các bên đã ký Nghị định thư đầu tiên sửa đổi vào tháng 8-2014). Hiện, các bên đang tiến hành rà soát tổng thể AANZFTA nhằm củng cố hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua thúc đẩy thực thi hiệu quả các cam kết của Hiệp định, tăng cường vận dụng ưu đãi; dự kiến trong năm 2018 sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn 2 của tiến trình rà soát. Đáng chú ý, trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt, ngày 08-3-2018, Australia đã cùng 10 nước thành viên khác ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có 4 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia. Australia cũng tham gia tích cực đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), thuộc nhóm các nước đặt mục tiêu cao với mong muốn RCEP có mức tự do hóa cao hơn các FTA+1 và là hiệp định đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi. Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, Australia và ASEAN tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đàm phán để hoàn tất RCEP theo đúng thời hạn đề ra.

ASEAN hoan nghênh Australia tiếp tục hỗ trợ nội dung phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững và minh bạch, thông qua việc triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025. Theo đó, Australia cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân tăng cường các quan hệ kinh doanh, bao gồm thông qua đẩy mạnh đối thoại giữa các phòng thương mại ASEAN - Australia, các cơ quan và các nhà hoạch định chính sách của các ngành chủ chốt. Hai bên tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh thông qua các biện pháp đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong khuôn khổ AANZFTA và làm sâu sắc hơn liên kết kinh tế ASEAN. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ (MSMEs) hưởng lợi từ sự chuyển đổi số và tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị khu vực.

Australia cam kết tiếp tục hợp tác triển khai đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Australia - ASEAN (giai đoạn 2015 - 2019). Thủ tướng Australia M. Turnbull tuyên bố dành 30 triệu AUD (23,4 triệu USD) đầu tư cho Sáng kiến “Thành phố thông minh”, theo đó, Australia sẽ giúp đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trong thiết kế các thành phố thông minh và phát triển bền vững ở các nước ASEAN (5).

Hợp tác văn hóa - xã hội: Australia dành hơn 100 triệu AUD trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm hỗ trợ tăng cường hợp tác giáo dục và liên kết nhân dân giữa Australia và các nước ASEAN, kể từ năm 2015. Australia quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và đã công bố chương trình ưu tiên mới “đầu tư cho phụ nữ” trị giá 46 triệu AUD cho ASEAN, nhằm trao quyền cho phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn trong các hoạt động kinh tế - xã hội tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương; thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp MSMEs, xây dựng khung chính sách, thiết lập các liên minh doanh nhân nữ… từ đó tạo môi trường thuận lợi để mở rộng cơ hội cho trẻ em gái. Chính phủ Australiacam kết tiếp tục hỗ trợ Kế hoạch công tác về Giáo dục của ASEAN giai đoạn 2016 - 2020. Các nhà lãnh đạo nhất trí hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực trên lĩnh vực này, nhất là trong khuôn khổ Kế hoạch Colombo mới và đẩy mạnh các chương trình học bổng của Chính phủ Australia dành cho sinh viên đến từ các nước ASEAN.Hiện có khoảng 100.000 sinh viên từ các nước ASEAN đang học tập tại Australia; từ năm 2014 đến năm 2018, có trên 13.500 sinh viên Australia đang được hỗ trợ nghiên cứu và thực tập tại các nước ASEAN thông qua Kế hoạch Colombo mới (6).

Giới phân tích cho rằng, Australia có thế mạnh về công nghệ, giáo dục và trình độ phát triển kinh tế. Australia là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, GPD bình quân đầu người đứng thứ 5 trên thế giới, chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ hai (7), do vậy, Australia không chỉ là đối tác ưa thích của riêng các nước ASEAN. Trong khi đó, ASEAN giữ ưu thế về quy mô thị trường, tốc độ phát triển và vai trò của tác nhân kết nối khu vực. Cùng với tốc độ tăng trưởng là sự phát triển ấn tượng của ASEAN trong lĩnh vực tiêu dùng, đô thị hóa và internet. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và sẽ đứng thứ 4 trên thế giới vào năm 2030; cùng với đó có khoảng 90 triệu người dân ASEANsẽ di cư đến các khu vực thành thị sinh sống (8). Như vậy, tính bổ sung cao về kinh tế và chiến lược của hai bên đã và đang tạo thành những động lực phát triển lâu dài và bền vững. Để tạo thêm hiệu ứng hợp tác với ASEAN, Australia cũng tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với từng nước thành viên, tiêu biểu như việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trước đó, Australia đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore, Indonesia). Trong tương lai, ASEAN sẽ là cửa ngõ chính để Australia tăng cường liên kết với phần còn lại của châu Á, nhất là các liên kết đa phương mà Australia là quốc gia đang có những cam kết mạnh mẽ.

Chia sẻ nhiều giá trị chung

Trước bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, Australia cũng đã hành động nhiều hơn để tranh thủ cơ hội, giảm thiểu rủi ro. Australia đã chủ động hơn trong việc xử lý tính khó đoán định về chính sách của Chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump hay đối với các đề xuất quy mô lớn như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Quan hệ Australia và ASEAN tiếp tục hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực chống khủng bố, cướp biển, buôn bán người và mở rộng sang các lĩnh vực khác như nâng cao năng lực giám sát biển… Australia đang tìm cách để hỗ trợ cải thiện hiệu quả, giúp ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines phối hợp tuần tra nhịp nhàng hơn tại vùng biển Sulu.

ASEAN đang nỗ lực đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như EAS, ARF, ADMM+… tạo thuận lợi cho việc dung hòa lợi ích của các nước trong khu vực, kể cả các nước lớn. Trong các cấu trúc này, cả ASEAN và Australia đều thể hiện vai trò trách nhiệm, tích cực trong việc thúc đẩy các mục tiêu chung của khu vực như an ninh, hòa bình, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; phản đối những hành vi có thể dẫn đến xung đột, đối đầu, các tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa cường quyền.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia đã thông qua Tuyên bố Sydney, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Hai bên cũng đã ký, công bố hàng chục bản ghi nhớ, sáng kiến, dự án trong các lĩnh vực chống khủng bố, hợp tác chống buôn người, thiết lập cơ chế đối thoại chính sách mạng, hợp tác hàng hải, hợp tác kinh tế, các tiêu chuẩn thương mại số, xây dựng các thành phố thông minh và bền vững, cơ sở hạ tầng,…Bên cạnh đó, Australia cũng cam kết sẽ duy trì các cuộc đối thoại thường niên cấp chính phủ, các cơ quan an ninh và các đơn vị thực thi pháp luật với ASEAN để cùng tìm ra các biện pháp thiết thực bảo vệ nền an ninh khu vực.

Phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia là một minh chứng cho thấy, thế giới không chỉ có nước lớn, nước nhỏ mà còn có các nước tầm trung, các tập hợp đa dạng khác, với vai trò năng lực được các bên tôn trọng. Ủng hộ chủ nghĩa khu vực mở, dung nạp, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, Australia và ASEAN đã và đang chứng tỏ, đây là những nguyên lý quan trọng để góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng./.

--------------------

(1), (2), (3) ASEAN is not South East Asia, www.lowyinstitute.org, ngày 18-3-2018

(4) Asean - Australia Special Summit matters to us all, www.manilatimes.net, ngày 18-3-2018

(5) Asean - Australia collaborate on smart, sustainable city development, http://www.thesundaily.my, ngày 18-3-2018

(6) PM to depart for special Asean - Australia Summit, http://www.vientianetimes.org.la, ngày 12-03-2018

(7) About Australia, http://www.espiconsultants.com

(8) ASEAN rising: four unique trends shaping a dynamic market, http://www.bluenotes.anz.com, ngày 15-3-2018