TCCSĐT - Ngày 12-4-2018, tại Jakarta (Indonesia), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”, truyền hình trực tiếp đến một số nước trong khu vực, trong đó có đầu cầu Hà Nội.


Theo Báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển trong khu vực dự kiến vẫn ở mức cao: 6,3% năm 2018. Mức tăng trưởng cao này đạt được dựa trên nền tảng kinh tế thế giới tiếp tục có sự phục hồi và sức cầu nội địa mạnh. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ ở mức 6,5%; các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục ổn định ở mức 5,4%.

Về kinh tế Việt Nam, Báo cáo nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được tăng cường. Tỷ lệ lạm phát bình quân năm tính theo CPI là 3,5% trong năm 2017, thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ nhờ giá lương thực thực phẩm chững lại.

Báo cáo cho biết, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do sức cầu bên ngoài tăng cao và kết quả sản xuất ấn tượng của các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 21% trong năm 2017. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu cũng phục hồi mạnh trong năm 2017 nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của sản xuất, đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai - liên tục trong bảy năm qua.

Trong điều kiện không chịu quá nhiều áp lực lạm phát, chính sách tiền tệ và tín dụng được duy trì nhằm cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 18,2% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12-2017, ngang bằng với mức tăng của năm 2016. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng nhanh cũng có thể sẽ làm tăng các khoản vay có mức rủi ro cao và phân bổ tín dụng thiếu hài hòa sẽ dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản.

Tình hình ngân sách tiếp tục được củng cố, tuy chất lượng và độ bền vững khi điều chỉnh ngân sách cần được cải thiện. Bội chi ngân sách năm 2017 ước tính giảm đáng kể so với năm 2016 nhờ tăng thu và từng bước thắt chặt chi tiêu. Giảm bội chi ngân sách cũng giúp giảm tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm tuân thủ hạn mức nợ dưới 65% GDP theo luật định. Về chi ngân sách, củng cố ngân sách khiến cho chi đầu tư bị cắt giảm khá nhanh, từ 9,1% GDP trung bình trong giai đoạn 2011 - 2016 xuống còn khoảng 7,8% GDP năm 2017. Mặc dù đạt hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng cách tiếp cận này có thể không hoàn toàn được coi là bền vững về lâu dài vì Việt Nam vẫn rất cần có sự đầu tư đáng kể cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.

Triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô dự kiến tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn. Tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5%, và có thể đạt mức cao hơn trong ngắn hạn, nhất là khi quá trình phục hồi kinh tế trên toàn cầu vẫn diễn ra. Mặc dù lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải nhờ môi trường giá cả toàn cầu thuận lợi, nhưng mức lương tăng mạnh có thể khiến cho lạm phát tăng lên. Cán cân kinh tế đối ngoại dự kiến vẫn được củng cố nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu được duy trì mạnh mẽ. Về tình hình tài khóa, cắt giảm bội chi kết hợp với thoái vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong trung hạn.

Báo cáo cũng đề cập đến một số rủi ro và thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, như cải cách cơ cấu chậm lại có thể làm quá trình phục hồi hiện nay bị suy yếu, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn. Bên cạnh đó là rủi ro về tiến độ tình hình ngân sách sẽ làm suy giảm chi tiêu từ ngân sách cho giảm nghèo cũng như đầu tư vào tài sản vật chất và nguồn lực con người. Ngoài ra Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng bảo hộ thương mại có khả năng tăng lên và nhu cầu bên ngoài có khả năng yếu đi…/.