TCCSĐT - Tiếp nối các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, sáng 08-11-2017, tại Khách sạn Furama, thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 khai mạc với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế APEC và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quan sát viên của APEC. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, còn có Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC); Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, từ sau Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC tại Lima năm ngoái, APEC đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng cũng như những phức tạp. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế tuy phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn mức trung bình trước khủng hoảng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra kỳ vọng mới về tăng năng suất lao động, đi cùng với đó là lo ngại về tác động chuyển đổi. Xu thế hợp tác và liên kết quốc tế tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, bất bình đẳng, thảm họa thiên tai và an ninh mạng đang đặt ra những thách thức gay gắt hơn. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự nỗ lực và hợp tác hiệu quả của các quan chức APEC, các doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua 9 hội nghị và đối thoại của các bộ trưởng, và hơn 200 cuộc họp của các ủy ban, tiểu nhóm công tác được tổ chức trong năm nay, mang lại những kết quả cụ thể nhằm cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và bốn ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị tập trung vào ba mục tiêu: Rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm nay; Hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày tới; Quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.

Phát biểu tại Hội nghị về các vấn đề hợp tác và liên kết kinh tế và thương mại, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hơn hai thập niên qua APEC đã đạt được những thành tựu đáng kể, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng và liên kết của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 tại Hà Nội, tháng 5-2017, đến nay, APEC đã có những tiến triển đáng kể và cụ thể trong việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ trưởng cùng trao đổi để đề ra các biện pháp đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, truyền tải thông điệp về quyết tâm của APEC theo đuổi thương mại và đầu tư tự do và mở.

Trong ngày, Hội nghị tiến hành ba phiên họp toàn thể về ba chủ đề: Tình hình kinh tế thế giới và khu vực và vai trò lãnh đạo của APEC; Tạo động lực mới cho tăng trưởng và cho liên kết kinh tế khu vực.

Tại Hội nghị còn có bài phát biểu của Tổng Giám đốc WTO về tình hình thương mại thế giới và công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 và ba tổ chức quan sát viên của APEC là: ASEAN, PECC và PIF.

** Chiều 08-11-2017, tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, khách sạn Furama, thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) cũng được khai mạc. Đây là một trong những hoạt động doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 08 đến ngày 10-11-2017. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đến tham dự phiên khai mạc và có bài phát biểu quan trọng.

Tham dự các phiên họp của Hội nghị có lãnh đạo các nền kinh tế APEC và hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế cùng 800 doanh nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thay mặt các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế APEC trong suốt gần ba thập niên qua.

Theo Chủ tịch Nước, chúng ta đang sống trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo, song chúng ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt. Trong điều kiện chung đó, với nguồn lực và tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên con người, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước triển vọng tươi sáng. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050. Với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế thành viên, APEC có thể vươn cao hơn và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ XXI là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” như dự báo.

Đối với Việt Nam, nhiều năm qua, đặc biệt qua gần một năm triển khai Năm APEC 2017, đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch Nước mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách sau:

Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Thứ ba, tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Trong 3 ngày, từ ngày 08 đến 10-11-2017, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về toàn cầu hóa và tương lai của các nền kinh tế APEC. Ngày đầu, Hội nghị tập trung bàn về chủ đề việc làm và chất lượng nguồn nhân lực - tài nguyên quan trọng nhất trong nền kinh tế mới. Tiếp đó, bàn về những ngành công nghiệp đem đến cơ hội việc làm trong tương lai, về các sáng kiến tăng cường kết nối khu vực, về các chân trời mới của thương mại tự do, về kỷ nguyên số và công nghệ, về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

*** Cũng trong ngày 08-11-2017, trên địa bàn Đà Nẵng còn diễn ra Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học châu Á - Thái Bình Dương. Đây là hoạt động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học vành đai châu Á - Thái Bình Dương (APRU) và các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” thu hút sự tham gia của hơn 60 hiệu trưởng trường đại học hàng đầu của các nền kinh tế APEC, trong đó có 5 trường đại học hàng đầu của Việt Nam, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong 1 ngày, Diễn đàn tập trung thảo luận những chủ đề lớn, như: Bền vững, dữ liệu lớn (Big Data) và những thách thức châu Á - Thái Bình Dương; cơ hội việc làm trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo./.