TCCSĐT - Chiều 30-8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8-2017 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tham dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2017 diễn ra hôm nay, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2017; và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như ngân sách nhà nước năm 2018. Chính phủ thống nhất đánh giá trong tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội có diễn biến tích cực hơn. Nhìn cả năm thấy rõ chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng ước đạt trên 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội giao, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (39%) và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

 
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo.
Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8-2017 ước đạt 1,23 triệu lượt khách, tăng 18,5% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 8,47 triệu lượt khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Mục tiêu đặt ra là đón 13 triệu lượt khách năm 2017.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng tăng 6,7%, tiếp tục xu hướng tăng so với mức tăng trưởng của 7 tháng (6,5%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (7,2%). Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, xuất khẩu nông sản tăng. Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phấp đấu đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 35 tỷ USD năm 2017.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8 cũng có xu hướng tốt nhất kể từ đầu năm 2017. Tính chung cả 8 tháng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 104.511 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm đạt 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký mới là 822 nghìn tỷ.

Lĩnh vực xã hội có điểm bật là đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 đã đoạt 58 Huy chương Vàng, đang đứng thứ 3 toàn đoàn. Đặc biệt, chúng ta đạt thành tích cao tại các môn như điền kinh, bơi lội, bóng bàn… Đội bóng đá nữ lần thứ 5 giành Huy chương Vàng tại SEA Games.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục như công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước, giải ngân vốn đầu tư công tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, chi phí của doanh nghiệp còn lớn, theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn.

 
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình bày những điểm mới trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số thay đổi chính sách thuế.
Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%. Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%. Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra từng bộ ngành về từng thủ tục kiểm tra và các bộ sẽ phải giải trình về từng thủ tục, nếu thủ tục nào không cần thiết hoặc kiểm tra nhiều mà phát hiện quá ít vi phạm thì phải bãi bỏ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về đánh giá sơ bộ tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2017 và dự kiến kế hoạch 2018, trên cơ sở đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay đều đạt và vượt mục tiêu đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như đã đề ra và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở ước thực hiện năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2018, Chính phủ đã dự kiến mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình bày những điểm mới trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số thay đổi chính sách thuế. Theo Thứ trưởng, dự án luật này sẽ điều chỉnh, sửa đổi một số điều của 5 luật liên quan đến chính sách thuế (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...). Theo bà, vừa qua Bộ Tài chính đã xin ý kiến rộng rãi về dự án Luật này.

Trước ý kiến cho rằng, thuế VAT sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT không nhiều. Chưa kể, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội với những người dân trong diện này. Về tác động của tăng thuế VAT tới lạm phát, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá là có tác động “hạn chế”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, dự án luật có nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. Trước thông tin cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng “không chỉ điều chỉnh tăng thuế, còn phải xét ở khía cạnh chi tiêu ngân sách, làm sao cho tiết kiệm hiệu quả...”, Thứ trưởng Tài chính khẳng định, Chính phủ đã, đang thực hiện nhiều giải pháp để cơ cấu lại thu, chi ngân sách.

Phần cuối họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo về những vấn đề nóng, dư luận đang đặc biệt quan tâm như vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma và trách nhiệm của Bộ Y tế; việc chậm trễ thông báo kết luận thanh tra tài sản và khu biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, về chi tiết hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%,…/.