Quan hệ Nga - Mỹ: Căng thẳng leo thang bởi các lệnh trừng phạt
Dự luật trừng phạt mới nhằm vào kinh tế Nga
Dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga chỉ còn chờ Tổng thống Mỹ ký thông qua thành luật.
Với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt các trừng phạt mới chống Nga, nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, đóng tàu, năng lượng, công nghiệp đường sắt, tình báo cũng như hạn chế các vụ giao dịch với các ngân hàng Nga.
Dự luật này cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua và chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn thành luật hay phủ quyết.
Liên quan dự luật này, tối 28-7, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký thành luật một dự luật tăng cường trừng phạt Nga, qua đó chấm dứt đồn đoán về khả năng ông phủ quyết văn kiện nói trên.
Căng thẳng ngoại giao song phương phát sinh kể từ tháng 12-2016 khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama chỉ thị đóng cửa 2 khu ngoại giao đoàn của Moskva tại bang New York và Maryland, đồng thời trục suất 35 quan chức ngoại giao của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Lúc đó, ai cũng dự đoán một đòn trả đũa ngoại giao tương ứng từ phía Nga song Tổng thống V. Putin đã không thông qua các biện pháp trả đũa. Có lẽ ông V. Putin muốn ông D. Trump, người vừa thắng cử và sắp lên nắm quyền có thêm dư địa để hành động nếu ông D. Trump có thiện chí cải thiện quan hệ với Nga, như những gì ông từng tuyên bố trong quá trình tranh cử. Và câu chuyện này dường như đã được giải quyết theo như tuyên bố ngày 17-7 của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi ông cho biết bất đồng giữa Nga và Mỹ liên quan vấn đề tài sản ngoại giao, trong đó Washington tịch thu 2 khu nhà ngoại giao của Nga tại Mỹ, đã "gần như được giải quyết" sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Thông báo này được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau cuộc họp kéo dài 3 giờ với người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon (Thô-mát Xan-nân) diễn ra cùng ngày tại Washington.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới trong quan hệ Nga - Mỹ gần đây, đòn trả đũa từ phía Nga là vấn đề ngày một ngày hai.
Dự luật trừng phạt mới của Mỹ làm phức tạp thêm quan hệ song phương
Ngày 26-7, Điện Kremlin cho biết dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua là một hành động "rất không thân thiện" và là "tin buồn" đối với quan hệ giữa hai nước cũng như sự phát triển hơn nữa trong quan hệ này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Moskva sẽ tiến hành phân tích thấu đáo dự luật và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đợi đến khi dự luật có hiệu lực, mới quyết định về cách ứng phó. Ông Peskov khẳng định ở thời điểm này, dự luật trừng phạt mới của Mỹ là "tin buồn" đối với quan hệ Nga-Mỹ, cản trở sự phát triển hơn nữa của quan hệ này và là một đòn giáng vào luật lệ và thương mại quốc tế.
Các nghị sĩ Nga thì cho rằng dự luật sẽ làm phức tạp thêm quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở mức thấp nhất hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Leonid Slutsky khẳng định dự luật làm tiêu tan khả năng khôi phục quan hệ song phương và làm mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn trong tương lai. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Konstantin Kosachev cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút và Moskva nên chuẩn bị đối phó "mạnh tay" với dự luật này.
Nga đáp trả nhưng vẫn để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-7 đã phê chuẩn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra nhằm đáp lại việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga. Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moskva từ ngày 01-8-2017, đồng thời yêu cầu giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga giảm xuống còn 455 người. Nga đáp trả nhưng vẫn để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ.
Các biện pháp này thực chất sẽ khép lại khả năng Mỹ trao trả các trụ sở ngoại giao của Nga hiện đang bị Washington cầm giữ. Ngoài ra, Nga có thể chấm dứt hợp tác trong các định hướng then chốt với Mỹ, như trong giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên hay việc cung cấp urani làm giàu cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ.
Phản ứng trên của Nga được đưa ra vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Iran và Triều Tiên. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ dự luật mới mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua “một lần nữa xác nhận tính chất hiếu chiến của Mỹ trong công việc quốc tế, và rõ ràng Mỹ đã phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác”. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định “đang làm tất cả để bình thường hóa quan hệ song phương với Mỹ, phát triển liên hệ và hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quốc tế quan trọng nhất, bao gồm trước hết là đấu tranh chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí tiêu diệt hàng loạt, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp và tội phạm mạng ...”.
Nga tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ
Ngày 28-7, ngay sau khi các biện pháp đáp trả được Matxcova thông qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson về những căng thẳng mới nhất trong quan hệ ngoại giao hai nước. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh việc Moskva đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington là việc Nga không mong muốn đồng thời cho biết Nga sẵn sàng cùng Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, các biện pháp đáp trả ngoại giao của nước này là hệ quả của một loạt các động thái thù địch từ phía Washington, bao gồm các biện pháp trừng phạt "trái pháp luật" cũng như các cáo buộc sai sự thật chống lại Nga. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ dự luật mới mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua “một lần nữa xác nhận tính chất hiếu chiến của Mỹ trong công việc quốc tế, và rõ ràng Mỹ đã phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác”.
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga luôn hướng tới cải thiện quan hệ hai nước và hành xử đúng mực, song chính sách của Mỹ nằm trong tay một bộ phận chính khách mang tư tưởng chống Nga và đang đẩy Washington theo con đường đối đầu. Tuyên bố nêu rõ các biện pháp đáp trả của Moskva đưa ra ngày 28-7 là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhằm mục đích khiến Mỹ suy nghĩ về những tác hại của lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Nga cũng tái khẳng định Moskva sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Washington cũng như hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cân bằng lợi ích giữa hai bên.
Mỹ phản đối các biện pháp đáp trả ngoại giao của Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28-7 đã lên tiếng phản đối các biện pháp được Nga đưa ra nhằm đáp lại việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga, trong đó có yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Washington bày tỏ "thất vọng" và phản đối các động thái của Nga. Theo bà Nauert, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov còn Đại sứ Mỹ tại Moskva John Tefft đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Tuy không tiết lộ nội dung các cuộc thảo luận song người phát ngôn này cho biết Ngoại trưởng Tillerson đã khẳng định căng thẳng leo thang sẽ không giúp khôi phục quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời cho biết thêm hai bên tiếp tục làm việc để loại bỏ một vài trở ngại nhằm cải thiện quan hệ song phương.
EU cân nhắc các biện pháp phòng ngừa liên quan tới trừng phạt Nga
Đức phản đối các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga.
Ngày 26-7, Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu, ông Vladimir Chizhov cho biết EU đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa và đáp trả nếu dự luật mở rộng lệnh trừng phạt Nga của Mỹ có hiệu lực.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 24, ông Chizhov cho hay EU đang thảo luận một số biện pháp như tuyên bố dự luật này của Mỹ không có hiệu lực trong EU và cấm các ngân hàng châu Âu cung cấp tài chính cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga lưu ý các biện pháp này không thể so sánh với những thiệt hại tiềm tàng mà các doanh nghiệp châu Âu phải gánh chịu trong trường hợp dự luật trên được ban hành thành luật. Ông Chizhov cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Âu đã được cảnh báo nếu các lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực, đồng thời cho rằng mối quan hệ song phương trong tương lai giữa EU và Moskva sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Brussels đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá các dự luật trừng phạt mới chống Nga được Hạ viện Mỹ thông qua nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU. Pháp và Đức đều đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới được đề xuất này, trong đó có việc trừng phạt các cá nhân và công ty châu Âu giao dịch với Nga và Iran. Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh các biện pháp được cả 2 viện Quốc hội Mỹ thông qua sẽ là bất hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế, kể cả khi Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn, hoặc Tổng thống Trump phủ quyết nhưng lưỡng viện Quốc hội thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ.
Một nhà bình luận chính trị của Đại học Louvain (Pháp), Giáo sư Jean Bricmont cảnh báo sự chỉ trích gia tăng của các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga sẽ làm bùng phát các mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Washington và EU. Tuy nhiên, theo ông Bricmont, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo nhận thức được mức độ thiệt hại mà các lệnh trừng phạt mới của Mỹ gây ra đối với các nước thành viên EU, song không công khai vì muốn tránh “va chạm” với các lợi ích và chính quyền mới tại Washington.
Bản chất kinh tế của các lệnh trừng phạt
Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries ngày 27-7 tuyên bố các biện pháp chống Nga do các nhà lập pháp Mỹ đề xuất có thể gây thiệt hại cho các công ty Đức và tạo thêm khó khăn cho quan hệ giữa Berlin với Washington. Bà Zypries nhấn mạnh Mỹ đã từ bỏ đường lối chung với châu Âu trong các biện pháp trừng phạt Nga và điều này có nguy cơ gây phương hại cho các công ty Đức.
“Đức sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga đồng thời nhằm vào các công ty châu Âu’ - Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh một dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga, Triều Tiên và Iran đã được Quốc hội Mỹ thông qua và đang chờ được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.
Trong tuyên bố ngày 28-7, Ngoại trưởng Gabriel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gây sức ép kinh tế với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, song nêu rõ "dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận việc Mỹ áp đặt trừng phạt theo đặc quyền ngoại giao đối với các công ty châu Âu."
Ông khẳng định chính sách trừng phạt là công cụ vừa không phù hợp, vừa không thỏa đáng để đạt được lợi ích xuất khẩu quốc gia và lĩnh vực năng lượng trong nước.
Trước đó, các quốc gia châu Âu đã chỉ trích Washington về ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt mới này, cho rằng chúng có thể gây phương hại tới các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt Nga qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu.
Các nước châu Âu cho rằng Mỹ có thể lợi dụng các biện pháp trừng phạt để đẩy nguồn cung khí đốt của Nga ra khỏi khu vực này và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu năng lượng của Mỹ.
Liên minh châu Âu cũng cảnh báo sẽ nhanh chóng đáp trả nếu Mỹ thúc đẩy trừng phạt mà không tính tới những quan ngại của khối.
Tìm cách làm dịu những quan ngại nói trên, ngày 29-7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cam kết sẽ "phối hợp chặt chẽ với những người bạn và đồng minh" sau khi các nghị sỹ Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt Nga khiến một số quốc gia châu Âu lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của họ. Ông Tillerson khẳng định: " Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với những người bạn và đồng minh của mình nhằm đảm bảo rằng thông điệp được gửi tới Nga, Iran và Triều Tiên được hiểu một cách rõ ràng."./.
Triển lãm nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN  (30/07/2017)
Trung Quốc duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm ngày thành lập quân đội  (30/07/2017)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,11% so với tháng trước  (30/07/2017)
Thủ tướng Campuchia ấn định thời gian tiến hành tổng tuyển cử  (30/07/2017)
Mozambique - Đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi  (30/07/2017)
Đại sứ quán Việt Nam và Lào ở Anh giao lưu đoàn kết hữu nghị  (30/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên