Mozambique - Đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi
Việt Nam và Mozambique có quan hệ hữu nghị truyền thống. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-6-1975 , đúng ngày Mozambique tuyên bố độc lập. Từng ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập, ngày nay, nhân dân hai nước tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước. Thành phố Maputo của Mozambique có Đại lộ Hồ Chí Minh, được ông Samora Moisos Machel, vị Tổng thống đầu tiên của nước Mozambique độc lập, quyết định đặt tên vào năm 1977, để vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh và thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Mozambique là đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi, có quan hệ phát triển toàn diện với Việt Nam cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Phong trào giải phóng Mozambique (FRELIMO) tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học. Việt Nam đã giúp và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong xây dựng, quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ nguồn, cán bộ quản lý. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam của cán bộ Mozambique; dành 1 suất học bổng đào tạo tiến sỹ cho cán bộ có năng lực và đã có bằng thạc sỹ chuyên ngành. Trong thời gian tới, hai Đảng tiếp tục tăng cường công tác trao đổi đoàn các cấp; lý luận, kinh nghiệm quản lý và xây dựng đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại… giữa hai nước.
Bên cạnh đó, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, hợp tác trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương được duy trì như: tăng cường hợp tác giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh Zambesi, giữa Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Maputo của Mozambique.
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đang phát triển, đặc biệt là hoạt động buôn bán hạt điều, bột dừa, gỗ, bông... Ngoài ra, Mozambique còn nhập khẩu từ Việt Nam gạo và máy phát điện. Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mozambique những năm qua khá sôi động. Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mozambique tăng hơn 3 lần (từ 13,83 lên 45,35 triệu USD), trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 101 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 72,5 triệu USD và nhập hơn 28,5 triệu USD.
Mozambique đứng thứ 11 trong số 72 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư. Hiện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Hapro ( Việt Nam) đang đầu tư tại Mozambique trong lĩnh vực viễn thông và thương mại. Công ty Movitel (liên doanh giữa Viettel và SPI ), có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD, trong đó Viettel đóng góp 70%. Mạng thông tin di động Movitel của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tại Mozambique là một dự án rất hiệu quả trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương, giúp Mozambique tạo ra một cuộc cách mạng về thông tin. Mạng di động Movitel đi vào hoạt động từ tháng 5-2012 đến nay đã trở thành mạng viễn thông có nhiều thuê bao và phủ sóng đứng thứ hai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Mozambique.
Quá trình cải cách kinh tế của Mozambique đang mở ra cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản, tài nguyên khoáng sản, công nghiệp dân dụng, xây dựng, năng lượng và hạ tầng công cộng. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất mà hai bên quan tâm thúc đẩy một cách thực chất, hiệu quả. Hai nước đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác nông nghiệp năm 2008. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam) hỗ trợ Mozambique thực hiện Dự án “Hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013-2017”. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đem lại một số kết quả bước đầu trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển cây lương thực, cây thực phẩm, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Dự án đã nghiên cứu được 10 giống lúa năng suất có thể tăng được 4-5 lần, nhằm hỗ trợ cho Mozambique giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Mozambique có tài nguyên đất đai rộng, có lợi thế phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp như dừa, bông, đậu tương, mía đường... Đây là những sản phẩm Việt Nam đang có nhu cầu sử dụng nhiều. Trong khi đó, Việt Nam lại có nhiều giống lúa, ngô, khoai lang có thể chia sẻ với Mozambique để thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, hai bên còn có nhiều dự án hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Hai nước còn hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, liên doanh đầu tư, y tế, giáo dục, trao đổi sinh viên trong khuôn khổ học bổng chính phủ. Mỗi năm, Việt Nam cử 5 sinh viên sang Mozambique học tiếng Bồ Đào Nha và Mozambique cử 5 sinh viên sang Việt Nam đào tạo các chuyên ngành, đặc biệt là nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam có 5 chuyên gia giáo dục, 8 chuyên gia nông nghiệp và 8 chuyên gia y tế đang làm việc tại Mozambique.
Cộng đồng người Việt Nam tại Mozambique tăng nhanh trong những năm qua, phân bổ trên 11 tỉnh, thành phố của Mozambique, gồm cán bộ, công nhân viên Công ty Movitel, chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp và đông đảo bà con đã làm ăn, sinh sống khá lâu tại đây. Cộng đồng người Việt Nam tại Mozambique được xem là cầu nối quan trọng, góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Có thể nói, quan hệ chính trị tốt đẹp thường xuyên được vun đắp trong quá khứ và hiện tại nhưng quan hệ về kinh tế - thương mại còn chưa đáp ứng với tiềm năng và mong đợi của nhân dân hai nước. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực viễn thông, y tế, giáo dục, khai khoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, hạt điều, đỗ tương…
Để tạo cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa hai bên ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam và Mozambique đã ký kết hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực khuyến khích, bảo hộ đầu tư, thương mại, nông nghiệp, giáo dục, y tế, miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ… Các hiệp định này là cơ sở thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước./.
Đại sứ quán Việt Nam và Lào ở Anh giao lưu đoàn kết hữu nghị  (30/07/2017)
Tưng bừng các hoạt động trong Ngày Gia đình ASEAN tại Pháp  (30/07/2017)
Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học  (30/07/2017)
Tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người  (30/07/2017)
Mở thêm cơ hội hợp tác kinh tế với Indonesia, Australia, New Zealand  (30/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên