Huy động cả hệ thống chính trị phòng, chống bão số 4
TCCSĐT - Sáng 25-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến với 6 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Cảnh báo cơn bão số 4
Theo Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, bão số 4 hiện đang tăng tốc và tiến gần vào đất liền nước ta, dự báo trong 24h tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 km/h -20 km/h. Trưa 25-7, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8 - 9; khu vực các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió giật cấp 6 - 7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão cấp 3.
Hồi 9 giờ ngày 25-7 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 180km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60km - 75km/giờ), giật cấp 9 - 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Chiều tối nay (25-7), bão đi vào Hà Tĩnh - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 26-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp cấp 6 (40km - 50km/giờ), giật cấp 7 - 8.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16 độ Bắc đến 19 độ Bắc phía Tây kinh tuyến 110 độ Đông. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh.
Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 - 10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3m - 5m. Vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9 - 10; sóng biển cao từ 2m - 4m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; sóng biển cao từ 2m - 3m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2m - 3m.
Từ ngày 25 đến 27-7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 150mm - 250mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 50mm - 150mm cả đợt).
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2-3m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6 - 8. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Chỉ đạo phòng, chống bão
Bão số 4 dự kiến đổ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ với trọng tâm từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị - khu vực vừa bị thiệt hại nặng nề do bão số 2 và đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng, do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong buổi họp trực tuyến với các tỉnh, đề nghị huy động mọi lực lượng tập trung ứng phó với bão số 4, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phóng tránh bão và tiếp tục thực hiện Công điện số 29, ngày 23-7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi, cập nhật, ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Các bộ, ngành chức năng chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó với bão (đặc biệt ngành điện, giao thông vận tải, Biên phòng, lực lượng an ninh...).
Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu: Triển khai mọi phương án với mục tiêu bảo đảm về người và tài sản của nhân dân, quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối (đặc biệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - vùng tâm bão dự báo đi qua). Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để bảo đảm an toàn, tránh việc có nhiều tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu khi bão đổ bộ như tại Quảng Bình trong bão số 2 vừa qua; kiểm soát chặt chẽ các tàu vận tải, tàu vãng lai, tổ chức neo đậu, tránh thiệt hại do tư tưởng chủ quan tàu lớn có thể chống chịu được bão như tại Nghệ An vừa qua.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu; dự phòng phương án khôi phục sản xuất, đặc biệt là tại những địa phương đã bị thiệt hại do bão số 2. Sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập sâu do lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu. Các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, rà soát an toàn hệ thống điện bảo đảm cung cấp thường xuyên, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt; có phương án sẵn sàng khôi phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo số 261, ngày 25-7 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 25-7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 72.070 phương tiện/287.407 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa: 520 tàu/3.439 lao động (Đà Nẵng15 tàu/186 lao động; Quảng Nam 130 tàu/2.025 lao động; Quảng Ngãi 132 tàu/910 lao động; Bình Định 240 tàu/1.440 lao động; Khánh Hòa 2 tàu/17 lao động; Quảng Bình 4 tàu/24 lao động).
Hoạt động, neo đậu ở khu vực từ 16,0-20,0 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 111,5: 30.209 tàu/108.339 lao động; hoạt động các vùng biển khác và neo đậu tại bến là 41.341 tàu/175.629 lao động; 1.863 lều, chòi nuôi trồng thủy sản/2.584 người (Hải Phòng 751 lồng bè, lều chòi/1.205 lao động; Ninh Bình 196 chòi/154 lao động; Nam Định 916 lều chòi/1.125 lao động).
Trong khu vực hiện có 17 khu neo đậu đạt tiêu chuẩn với tổng sức chứa là 7.604 tàu, thuyền (Thanh Hóa 3 khu/1.764 tàu; Nghệ An 6 khu/3.200 tàu; Hà Tĩnh 2 khu/ 600 tàu; Quảng Bình 3 khu/990 tàu; Quảng Trị 2 khu/550 tàu; Thừa Thiên Huế 1 khu/500 tàu).
Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt 60% - 70% dung tích thiết kế. Hiện có 9 hồ đã đầy và gần đầy nước: Duồng Cốc, Cống Khê (Thanh Hóa); Sông Sào (Nghệ An); Kim Sơn, Đá Hàn (Hà Tĩnh); An Mã, Vực Tròn (Quảng Bình); Bảo Đài (Quảng Trị); Hồ Truồi, Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế).
Đáng chú ý có 83 hồ chứa xung yếu (Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ, Quảng Bình 11 hồ, Quảng Trị 13 hồ, Thừa Thiên Huế 4 hồ). Hiện tại có 1 hồ chứa thủy lợi có cửa van đang xả nước là hồ Đá Hàn (tỉnh Hà Tĩnh) xả với lưu lượng 10m3/s (hồ đang trong quá trình bàn giao cho tỉnh).
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương, khu vực Bắc Trung Bộ có 2 hồ chứa vận hành theo quy trình liên hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Khe Bố 170/657 m3/s! Hủa Na 210/320 m3/s. Hồ Chi Khê vận hành theo quy trình liên hồ xả nước qua tràn do chưa chạy máy phát điện, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ 677/690 m3/s. 4 hồ chứa vận hành theo quy trình đơn hồ xả qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: Bá Thước 1: 330/890 m3/s, Bá Thước 2: 230/900 m3/s, Trung Sơn: 290/637 m3/s, Nậm Pông: 19/41 m3/s.
Các tỉnh, địa phương tích cực phòng, chống bão
* Tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống bão; sử dụng các phương tiện thông tin phối hợp với các địa phương, gia đình giữ vững liên lạc với tất cả các tàu cá đang hoạt động trên biển, hướng dẫn tàu cá vào nơi neo đậu an toàn.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 3.652 tàu thuyền hoạt động trên biển với 14.939 lao động; hầu hết đều nắm rõ hướng di chuyển của bão số 4 và vào nơi trú ẩn. Đến 6 giờ ngày 25-7, đã có 3.555 tàu cá với 14.139 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn. Hiện Quảng Bình còn 97 tàu với 800 lao động đang hoạt động trên biển Đà Nẵng. Các Đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.
Tỉnh Quảng Bình tổ chức các đoàn kiểm tra về các xã ven biển thuộc huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão; hướng dẫn người dân neo, chằng chống nhà và lên phương án di dời dân ở các vùng xung yếu. Các địa phương vùng miền núi chủ động phương án di dời người dân ra khỏi các vùng có nguy cơ bị sạt lở hoặc lũ quét.
* Đến sáng 25-7, tất cả tàu, thuyền của ngư dân tỉnh Hà Tĩnh đã vào nơi trú ẩn an toàn để tránh bão số 4.
Thông tin từ Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển tỉnh Hà Tĩnh, tất cả 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động hoạt động đánh bắt hải sản trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó có 5.947 tàu, thuyền với trên 16.700 lao động đánh bắt hải sản vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình đã vào nơi trú ẩn là âu thuyền, lạch sông, đa số thuyền nhỏ được người dân ven biển đưa lên bờ giằng néo an toàn. Khoảng 150 tàu, thuyền với trên 900 lao động thường đánh bắt ở vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh và vùng biển phía nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Thuận cũng đã về nơi trú ẩn vào chiều tối 24-7.
Huyện Lộc Hà có 7 tàu cá với 38 thuyền viên thuộc các xã Thạch Kim và Thạch Bằng sau khi nhận thông tin có bão số 4 các tàu, thuyền này đã vào đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) tránh, trú bão. Tại âu thuyền tránh bão xã Thạch Kim có trên 200 chiếc tàu, thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vào neo đậu và được các ngư dân che chắn, bảo vệ nhằm tránh thiệt hại do bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
* Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, tỉnh Nghệ An đã quyết định cấm biển từ 17 giờ ngày 24-7 và đang tiến hành kêu gọi, thông tin để các tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để thoát ra vùng nguy hiểm hoặc nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.
Nghệ An hiện có 3.912 tàu thuyền với 18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Cùng với các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An thì hiện nay trên vùng biển Nghệ An cũng có nhiều tàu thuyền của các tỉnh hoạt động. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, đến sáng 25-7 hầu hết chủ các tàu thuyền đã nhận được thông tin về diễn biến của bão và đang tìm nơi tránh trú bão tại các cảng cá hoặc những nơi quy định tránh trú bão ở các địa phương ven biển.
Tại Nghệ An, hiện nay việc tránh trú bão cho các tàu thuyền đang gặp nhiều khó khăn, do tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn, trong khi các khu vực neo đậu tránh trú bão đang trong tình trạng xuống cấp, bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào để tránh trú bão. Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch được các khu vực tránh trú bão nhưng do nguồn vốn có hạn và khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên việc triển khai thực hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Tuy gặp khó khăn trong tránh trú bão nhưng trước diễn biến phức tạp của bão số 4 có thể đổ bộ vào địa phương, tỉnh Nghệ An kiên quyết yêu cầu các tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn; địa phương tạo điều kiện tối đa, bảo đảm các tàu thuyền có nơi tránh trú bão, bất kể đó là tàu thuyền của ngư dân Nghệ An hay ngư dân các tỉnh khác./.
Khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy  (25/07/2017)
Giao lưu giữa hai Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Lào  (25/07/2017)
Chủ động triển khai các biện pháp tăng cường phòng dịch sốt xuất huyết  (25/07/2017)
Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều hoạt động thiết thực tri ân người có công với cách mạng  (25/07/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến 23-7-2017)  (25/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên