Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến 23-7-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:07, ngày 25-07-2017

TCCSĐT - Thị trường vàng thế giới đã có một tuần khởi sắc, nhờ sự yếu đi của đồng USD. Các chuyên gia ước tính tuần qua giá kim loại quý này tăng 2,2% và ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong hai tháng qua, khi đồng USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6-2016.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Campuchia hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD

Không chỉ dừng lại ở quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua có ý nghĩa đánh dấu chặng đường lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao và mở ra một kỷ nguyên mới cho tương lai giữa hai nước.

Nhằm hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD thương mại 2 chiều trong thời gian tới, Việt Nam và Campuchia đã có nhiều hoạt động nâng cấp và xây dựng nhiều cửa khẩu, đường giao thông các tỉnh biên giới. Hơn nữa, hai nước cũng đã ban hành thêm chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển chợ thương mại biên giới để thúc đẩy cơ hội giao thương.

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương, hai nước thống nhất thúc đẩy thực hiện quy hoạch phát triển chợ thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, nâng cấp và ưu tiên mở thêm một số cửa khẩu. Chẳng hạn như nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (Tây Ninh, Việt Nam) và cửa khẩu Mơn Chây (tỉnh Prey Veng, Campuchia) lên thành cửa khẩu quốc tế khi có đủ điều kiện.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất thúc đẩy việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan, kiểm dịch và hợp tác ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế và buôn bán hàng giả qua biên giới.

Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất gia tăng hạn ngạch xe thương mại qua lại hằng năm, sớm thực hiện kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Việt Nam) và Ba Vet (Campuchia). Bên cạnh đó, xây dựng đường giao thông đến các cửa khẩu biên giới để phục vụ lĩnh vực vận tải, thương mại, du lịch và đi lại của người dân hai nước.

Đáng chú ý, Việt Nam sẽ xem xét khả năng bán điện cho một số khu vực biên giới của Campuchia; trong khi đó phía Campuchia cũng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khảo sát, triển khai các dự án thủy điện tại đây. Cùng đó, Campuchia cũng sẽ áp dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khai thác khoáng sản tại nước này.

Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia sẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định Khuyến khích, bảo hộ đầu tư, sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại biên giới thay thế Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định Hợp tác lao động, Bản Ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2030…

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương, bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại Việt Nam - Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước trong thời gian tới.

Kiểm toán điểm tên các khoản đầu tư tiền tỷ sa lầy, khó thu hồi vốn


Một số khoản đầu tư của các ngân hàng, tổ chức tài chính chỉ cho tỷ lệ cổ tức khoảng 0,48%. Thậm chí, nhiều khoản đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng đổi lại là không có lợi nhuận nào được chia. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong kết quả kiểm toán báo cáo tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2015 được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước công bố chiều 21-7. Theo báo cáo, một số khoản đầu tư tài chính hiệu quả thấp như Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào 14 doanh nghiệp với số tiền 6.705 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận được chia năm 2015 của những khoản đầu tư trên là 211 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất sinh lời bình quân/vốn đầu tư là 3%. Ví dụ khác là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Đơn vị này đầu tư vào 3 công ty liên kết gần 123 tỷ đồng với tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 1,34% Ngoài ra, PTI cũng đầu tư dài hạn khác vào 7 doanh nghiệp hơn 57 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức bình quân năm 2015 là 0,48%.

Đáng lưu ý hơn, có những khoản đầu tư của các tổ chức tài chính bị cho là không hiệu quả, khó thu hồi vốn. Minh chứng là với trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Đến 31-12-2015, Agribank có 6/9 công ty con lỗ lũy kế với tổng số tiền 12.431 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro đầu tư chứng khoán kinh doanh 53,7 tỷ đồng (bằng 48,1% giá trị đầu tư).

Tại SCIC, các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty Bột giấy Phương Nam, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh không hiệu quả. Theo thống kê, 102/198 doanh nghiệp được SCIC tiếp nhận với số vốn đầu tư 1.620 tỷ đồng không có lợi nhuận được chia trong năm 2015.

Một ví dụ khác được nêu lên là Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh. Bảo Minh đầu tư vào Công ty tài chính Cổ phần Sông Đà 80 tỷ đồng, sau khi sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội cho kết quả lỗ 26,18 tỷ đồng.

Thị trường vàng thế giới tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 tháng vừa qua


Thị trường vàng thế giới đã có một tuần khởi sắc, nhờ sự yếu đi của đồng USD. Các chuyên gia ước tính tuần qua giá kim loại quý này tăng 2,2% và ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong hai tháng qua, khi đồng USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6-2016.

Chào sàn tuần mới (17-7), giá vàng thế giới đi lên trong bối cảnh đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, sau số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ thấp, qua đó làm giảm triển vọng của các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bước sang phiên giao dịch ngày 18-7, sự yếu đi của đồng bạc xanh đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất của hơn hai tuần, với giá vàng giao ngay có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 30-6-2017 là 1.244,3 USD/ounce. Chỉ số USD, thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, phiên này giảm 0,53% xuống còn 94,64 - mức thấp nhất trong 10 tháng qua.

Theo giới phân tích, lý do khiến đồng USD yếu đi là vì thị trường hoài nghi về khả năng thành công của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thực hiện những lời hứa lúc tranh cử, bên cạnh xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Sau khi quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 19/7, do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư, giá vàng đã lấy lại đà tăng và vọt lên mức cao nhất trong ba tuần trong phiên giao dịch ngày 20-7.

Theo các nhà phân tích, những bình luận của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi về chương trình mua trái phiếu của ECB đã đẩy đồng euro lên mức cao nhất trong 14 tháng và gây sức ép đối với đồng USD.

Sau cuộc họp ngày 20-7, ông Draghi cho biết các nhà hoạch định chính sách ngân hàng này sẽ thảo luận về những thay đổi trong chương trình mua trái phiếu vào mùa Thu. Các nhà phân tích nhận định phát biểu trên của ông Draghi đã khiến đồng euro lên giá, trong khi chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng. Đây được coi là nhân tố tạo đà đi lên cho giá vàng trong phiên này.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia phân tích, giá vàng còn được hỗ trợ bởi những thông tin xung quanh cuộc điều tra với sự giám sát của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như sự liên hệ của đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump với vụ việc này.

Trong phiên cuối tuần 21-7, giá vàng tiếp tục được hưởng lợi từ sự yếu đi của đồng USD. Chốt phiên này, giá vàng giao tháng Tám tại Mỹ tăng 9,4 USD (0,75%) lên 1.254,90 USD/ounce. Tuy nhiên, chuyên gia Georgette Boele, thuộc ABN AMRO, cho rằng triển vọng Fed nâng lãi suất sẽ kiềm chế đà tăng của giá vàng. Chuyên gia này dự báo giá vàng sẽ dao động trong biên độ 1.200 - 1.250 USD/ounce.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết trong tháng Bảy lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 4,3%, tương đương 1,2 tấn. Theo số liệu của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường kim loại quý GFMS, lượng nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã tăng vọt lên 75 tấn trong tháng Sáu và vượt xa mức 22,7 tấn trong cùng kỳ năm trước. Tính chung trong nửa đầu năm 2017, quốc gia châu Á này đã nhập khẩu 514 tấn vàng, tăng 161% so với năm trước đó.

Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung Quốc không có đột phá


Ngày 19-7 đã nhất trí hợp tác giảm thâm hụt thương mại trong vòng Đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng Một vừa qua, song hai bên đã không đạt được sự đột phá nào tại vòng đối thoại này.

Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ đã kết thúc mà không có tuyên bố chung, không có họp báo hay thông báo về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc của Mỹ.

Một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết hai bên đã bất đồng trong phần lớn các lĩnh vực quan trọng, trong đó có các yêu cầu của Mỹ về việc tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm lượng thép dừ thừa của Trung Quốc, giảm thuế ôtô, cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt các quy định của Trung Quốc về khoanh vùng số liệu và mức sở hữu trần của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi thẳng thắn, điều quan trọng là phái đoàn Trung Quốc đã thừa nhận sự cần thiết của việc giảm thâm hụt thương mại với Mỹ và nỗ lực hướng tới mục tiêu này.

Kết thúc cuộc đối thoại do Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương chủ trì, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nêu rõ Trung Quốc đã thừa nhận mục tiêu chung là giảm thâm hụt thương mại mà hai bên sẽ nỗ lực hợp tác.

Các nguyên tắc về sự cân bằng, công bằng và việc trao cho nhau các đặc quyền trong vấn đề thương mại sẽ tiếp tục định hướng vị trí của Mỹ, qua đó cho phép các lao động và doanh nghiệp của Mỹ cơ hội canh trạnh trong một sân chơi công bằng.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Uông Dương đã không phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại. Trước đó, trong phiên khai mạc, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bắc Kinh và Wahshington đối thoại và phối hợp để giải quyết các bất đồng, đồng thời cảnh báo đối đầu sẽ chỉ gây tổn hại tới lợi ích của cả hai bên.

Trong khi đó, trả lời báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng cùng với việc gia tăng giao lưu kinh tế song phương, việc xảy ra một số cọ sát, bất đồng trong quan hệ kinh tế hai nước cũng là điều bình thường.

Hai bên hoàn toàn có thể nỗ lực tăng cường hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết thỏa đáng bất đồng dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung lần này diễn ra đúng thời điểm kết thúc nỗ lực 100 ngày như đã được nhất trí giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ hồi tháng Tư vừa qua nhằm lên kế hoạch giải quyết sự mất cân bằng thương mại song phương.

Kế hoạch trong 100 ngày này bao gồm nối lại việc xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc sau 14 năm gián đoạn, cam kết trao quyền tiếp cận hạn chế với một số lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 347,29 tỷ USD, tương đương gần một nửa mức thâm hụt của nước này trên toàn cầu.

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran

Theo Reuters, ngày 18-7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ những biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran để trả đũa việc Tehran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và gây căng thẳng trong khu vực.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ cảnh báo Iran không tuân thủ tinh thần hiệp định hạt nhân được ký kết giữa nước này với các cường quốc. Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ nhắm tới 16 thực thể và cá nhân ủng hộ cái được gọi là "những nhân tố Iran bất hợp pháp hoặc hoạt động tội phạm xuyên quốc gia".

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những đối tượng bị trừng phạt nói trên đã ủng hộ quân đội Iran hoặc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bằng việc phát triển những máy bay không người lái và thiết bị quân sự, sản xuất và bảo trì tàu thuyền, thu mua những thiết bị điện.

Một số khác lại "dàn xếp các vụ trộm cắp các chương trình phần mềm của Mỹ và phương Tây" được bán cho chính quyền Iran. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã chỉ rõ 2 tổ chức Iran liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran./.