Một số hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại tỉnh Hà Tĩnh
TCCSĐT - Sau hơn 1 năm triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, sáng 24-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, các địa phương liên quan đã trực tiếp thị sát khu xử lý nước thải và dây chuyền sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay sau chuyến thị sát, Thủ tướng đã chủ trì cuộc làm việc với sự có mặt của lãnh đạo Tập đoàn Formosa và các bộ, ngành, địa phương để đánh giá kết quả khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung.
Thủ tướng đã thị sát các hạng mục công trình cải thiện môi trường của FHS như Trạm xử lý nước thải sinh hóa; Trạm xử lý nước thải sinh hoạt; Hệ thống hồ sinh học... và kiểm tra việc kết nối, truyền dữ liệu từ hệ thống hồ sinh học, nước thải trạm quan trắc nước thải tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Qua thị sát cho thấy, tại khu vực bể chỉ thị sinh học của FHS được thả nuôi 3 loại cá: cá chép, cá diêu hồng, cá rô phi, trong đó cá diêu hồng rất mẫn cảm với môi trường. Tại hồ sự cố, được trồng 3 loại cỏ gồm cói, lau sậy, cỏ nến còn có tác dụng tự làm sạch nước.
Công nghệ xử lý chất thải tiên tiến trên thế giới
Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến cuối tháng 10-2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục phục vụ Lò cao số 01 và các công trình phụ trợ (nhiệt điện, luyện cốc, thiêu kết, luyện cán thép…) của FHS đã hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn Việt Nam. FHS đã bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí hơn 343 triệu USD.
Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn nước ngoài (Atkins của Anh và Veolia của Pháp) do Bộ Tài nguyên và Môi trường mời khảo sát thực tế tại FHS, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính. Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hiện FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường).
Từ ngày 29-5, Lò cao số 1 của FHS bắt đầu vận hành thử nghiệm dưới sự giám sát hàng ngày của cơ quan chức năng; vận hành liên tục các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát; tiến hành lấy, phân tích mẫu nước thải (3 lần/ngày) và lấy mẫu khí thải hàng ngày.
Tại buổi làm việc, trước sự có mặt của Chủ tịch Tập đoàn Formosa Vương Văn Uyên, đại diện FHS cho biết, dự kiến, đến cuối năm 2017, FHS sẽ điều chỉnh tổng số vốn đầu tư tăng lên 11.624.000.000 USD/10.687.000.000 USD đã đăng ký và là nhà máy gang thép khép kín lớn nhất Đông Nam Á.
Từ nay đến cuối năm, FHS sẽ nâng mạng lưới nhân lực xử lý môi trường của khu dự án từ 56 người lên 166 cán bộ; mời các chuyên gia quốc tế của Công ty Lloyd’s Anh quốc đảm nhận cố vấn kỹ thuật trong 1 năm.
Môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, từ tháng 9-2016 đến nay, Bộ liên tục cập nhật kết quả quan trắc, phân tích chất lượng nước biển do Sở Tài nguyên và Môi trường 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thực hiện tại 19 bãi tắm trên địa bàn với tần suất 2 tuần/lần.
Bộ cũng đã triển khai đánh giá môi trường nước biển 4 địa phương này 1 năm sau khi xảy ra sự cố; quan trắc, phân tích mẫu nước mặt, nước tầng đáy và trầm tích tầng đáy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đến nay môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn đối với khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
Còn theo báo cáo của Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, FHS đã nghiêm túc chấp hành thực hiện các cam kết và đang nỗ lực thực hiện các cam kết còn lại. Xét về ý nghĩa kinh tế-xã hội, 6 tháng đầu năm 2017, Khu kinh tế Vũng Áng đóng góp trên 1.500 tỷ đồng, trong đó Dự án Formosa nộp ngân sách: 1.388,6 tỷ đồng.
Tại Khu kinh tế Vũng Áng hiện có hơn 12 nghìn lao động có việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, có hàng chục ngàn lao động của địa phương hoạt động dịch vụ, phục vụ cho dự án.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: Ô nhiễm không khí có thể là câu chuyện nghiêm trọng tại Hà Tĩnh với nhiều dự án tiềm ẩn nguy cơ sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Nêu vấn đề xử lý chất thải rắn khi dự án thép của FHS đạt công suất khổng lồ trên 7 triệu tấn thép/năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tăng cường diện tích cây xanh để đồng hóa không khí tại khu vực dự án và lân cận.
Công tác khắc phục sự cố đã được thực hiện nghiêm túc
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Dự án Formosa tại Hà Tĩnh là dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với trên 11 tỷ USD, nhưng cũng là dự án có sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên đất nước ta.
Thủ tướng nhận xét, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự điều hành của Chính phủ, công tác khắc phục sự cố đã được thực hiện nghiêm túc.
Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương trong khắc phục sự cố này, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của việc phát triển kinh tế-xã hội của 4 tỉnh miền Trung và tỉnh Nghệ An.
Đánh giá kết quả khắc phục sự cố của nhà đầu tư Formosa, Thủ tướng cho rằng, Formosa đã nhận lỗi trước nhân dân, khắc phục nghiêm túc hậu quả về môi trường, khắc phục toàn diện việc làm hồ sinh học, hồ sự cố...; khắc phục 52/53 lỗi vi phạm môi trường một cách căn bản và đang đặt thiết bị hiện đại nhất trong đầu tư hệ thống xử lý môi trường.
Thủ tướng cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư và khẳng định quan điểm của Chính phủ và các cấp chính quyền Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho hoạt động của nhà đầu tư thành công mà cụ thể là những mẻ thép chất lượng cao đầu tiên từ phôi thép Việt Nam đã xuất xưởng; điều kiện môi trường cơ bản được khắc phục, trừ 1 điểm tại thôn Hà Thanh, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Không an toàn, không sản xuất
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền và nhân dân 4 tỉnh liên quan và tỉnh Nghệ An ủng hộ, đồng thuận, tạo điều kiện khi Formosa đã tiếp thu, khắc phục sự cố và đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.
“Thái độ chúng ta rất rõ ràng, không bao che, dung túng trong sai trái nhưng yêu cầu các nhà đầu tư phải làm nghiêm túc, bảo vệ môi trường sống cho nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu FHS áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất để khắc phục 100% sự cố vi phạm cả về thiết bị máy móc và trách nhiệm xã hội.
Formosa phải coi vấn đề môi trường là sự sống còn của nhà máy đối với dự án quy mô lớn này. “Tinh thần lớn là, không an toàn, không sản xuất. Và tôi cũng xin nói rõ là, nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này, chúng ta nói thái độ dứt khoát để công bố trước nhân dân,” Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng tin tưởng FHS sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, không để xảy ra tái phạm để bị đóng cửa và đề nghị FHS nâng công suất nhà máy lên đi đôi với chuẩn bị ứng phó tốt với các kịch bản bảo vệ môi trường kể cả môi trường nước, không khí, vấn đề chất thải.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc đặt các thiết bị quan trắc và giám sát trực tiếp bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường, tăng cường năng lực, thiết bị, cán bộ khoa học công nghệ để đảm nhận nhiệm vụ này; thường xuyên kiểm tra công khai hóa kết quả môi trường cho nhân dân biết.
Tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan; tăng cường năng lực cán bộ để làm tốt trách nhiệm được phân công; trực tiếp chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn cho nhà máy, nhà đầu tư, không để kẻ xấu phá hoại và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế sau 15 ngày nữa, phải công bố chỉ tiêu chất lượng hải sản tầng đáy tại thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để người dân biết.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lựng chức năng có nhiệm vụ đảm ảo an ninh, an toàn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Nói về công tác khắc phục, bồi thường sự cố, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục phân bổ kịp thời nguồn lực để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kể cả các đối tượng gián tiếp bị ảnh hưởng theo quy định của pháp luật.
Việt Nam đang phấn đấu là một trong những nước có môi trường tốt nhất trong khu vực, vì vậy chính quyền các cấp cần tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam, Thủ tướng chỉ đạo.
* Tiếp tục chuyến công tác tại Hà Tĩnh, chiều 24-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh để tìm các giải pháp phát huy tối đa tiềm năng lợi thế địa phương Bắc miền Trung, từng bước xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.
Nếu như giai đoạn 2011-2015, Hà Tĩnh - vùng đất từng được coi là “chảo lửa núi mưa” về sự khắc nghiệt của khí hậu, điều kiện tự nhiên lại trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng thuộc diện cao nhất cả nước với mức bình quân hằng năm trên 17%, thu ngân sách trong 5 năm tăng gấp 6 lần thì năm 2016 với sự cố môi trường biển, thiên tai, lũ lụt trở thành một năm đặc biệt khó khăn đối với địa phương đang trên đà bứt phá mạnh mẽ này.
GRDP năm 2016 của Hà Tĩnh giảm tới 16,87%, thu ngân sách không hoàn thành chỉ tiêu tỉnh đặt ra, ngành thủy sản và dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp sau sự cố môi trường. Điều đáng lo ngại là tình trạng này tiếp tục ảnh hưởng đến nửa đầu năm 2017.
Song, với những nỗ lực toàn diện, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh vẫn đạt được những cải thiện đầu tiên trong các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. GRDP đạt 5,16%, trong đó, khu vực nông nghiệp giảm 3,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,07%, dịch vụ tăng 5,8%. Tổng thu ngân sách đạt 3.764 tỷ đồng, đạt 49% dự toán.
Những tín hiệu tốt xuất hiện chủ yếu nằm ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và du lịch. Theo đó, sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 13.551 tỷ đồng, tăng 40,20% so với cùng kỳ mà đóng góp chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như điện, thép, sợi tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 1,72%. Tổng khách du lịch đến Hà Tĩnh ước đạt 820.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt 68,3% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế là 14.500 lượt, tăng 11,5% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 3.764 tỷ đồng, đạt 49% dự toán năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhìn nhận trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn do sự cố môi trường từ năm 2016, nhưng Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Tĩnh đã tích cực thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và khắc phục sự cố; thực hiện tốt chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ việc làm cho người dân chịu thiệt hại; nỗ lực đạt kết quả kinh tế-xã hội nhiều mặt; cùng với đó là tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình giám sát việc khắc phục, xử lý các tồn tại, vi phạm của công ty Formosa.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần năng động, vượt khó vươn lên của chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là việc duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh. Cán bộ tích cực trong công tác, sâu sát với cơ sở để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Tĩnh còn là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, thường xuyên có học sinh đạt giải cao. Tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách chuyển đổi nghề cho nông dân, cải cách hành chính; an ninh chính trị, trật tự được giữ vững.
Song bên cạnh những thành tựu, chỉ ra một số tồn tại hạn chế của địa phương, Thủ tướng cho rằng Hà Tĩnh vẫn còn là tỉnh nghèo. Với kết quả những tháng đầu năm, để hoàn thành kế hoạch 2017, tỉnh cần phải đạt trên 10%, đây là một mục tiêu khó khăn, đòi hỏi sự phấn đấu quyết liệt mới có thể hoàn thành. Đặc biệt, vấn đề môi trường mới chỉ được giải quyết một bước, tỉnh cần tiếp tục giám sát hết sức chặt chẽ hai Lò Cao số 1, số 2 của dự án FHS bởi khi đó, sản lượng thép lên đến 10 triệu tấn/năm phải luôn có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính người dân địa phương. Ngoài ra, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cần chú ý đề phòng, chủ động các phương án trong mọi tình huống.
Góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh cần nỗ lực vươn lên trên tinh thần kiến tạo, chủ động hơn nữa trong quản lý, điều hành, không ngừng hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy phát triển kinh tế-xã hội.
Nhắc lại mong muốn của Bác Hồ năm xưa đối với mảnh đất, con người Hà Tĩnh, gửi thông điệp đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh cần nắm cơ hội, phát triển nổi bật, đột phá trong nâng cao chất lượng cuộc sống người dân để yên lòng dân và phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ rõ Khu Kinh tế Vũng Áng là động lực phát triển của Hà Tĩnh, vì vậy tỉnh phải phấn đấu đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành một trung tâm công nghiệp không chỉ của Hà Tĩnh mà của cả miền Trung trong tương lai gần.
Thủ tướng gợi mở Hà Tĩnh cần tính toán điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó chú trọng hình thành khu công nghiệp nặng, lớn, quy mô hiện đại ở Vũng Áng để lan tỏa sự phát triển. Cùng với đó là tiếp tục cải cách môi trường đầu tư tốt hơn, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường nhanh chóng; giảm các chi phí thời gian, chi phí không chính thức.
Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất; song song với quá trình phát triển kinh tế-xã hội cần chú trọng giữ gìn văn hóa và phát triển du lịch; xây dựng chương trình ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu hiệu quả./.
Sống mãi những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo-chiến sỹ TTXVN  (24/07/2017)
Tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh ở Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam  (24/07/2017)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Australia  (24/07/2017)
Chủ tịch Quốc hội Bangladesh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam  (24/07/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên