Trong không khí cả nước hưởng ứng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," với tình cảm "Uống nước nhớ nguồn", chiều 24-7, tại Hà Nội, Đảng ủy, Ban lãnh đạo Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2017).

Đây là dịp để toàn ngành ôn lại ý nghĩa lịch sử của Ngày Thương binh-Liệt sỹ, để "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh" như lời Bác Hồ dạy; thể hiện trách nhiệm trước những hy sinh to lớn của các liệt sỹ, thương binh, những người đã anh dũng ngã xuống hoặc mất một phần xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi bày tỏ lòng thành kính đối với những người mẹ, người cha, người vợ và thân nhân các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp Thông tấn; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thương binh đã hy sinh một phần máu xương để những dòng tin, tấm ảnh của TTXVN được sống mãi.

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nêu rõ ngay từ khi mới ra đời (15-9-1945), TTXVN luôn gắn bó, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Trong suốt những năm giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, không một chiến trường nào, không một địa bàn chiến đấu nào, không một mũi tiến quân nào vắng mặt phóng viên tin, ảnh, nhân viên, kỹ thuật viên của TTXVN.

Các phóng viên, nhân viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã chiến đấu như những người lính, thực sự là những nhà báo-chiến sỹ. Với cây bút, chiếc máy ảnh, máy kỹ thuật, các nhà báo TTXVN đã có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu ghi lại những chiến thắng anh hùng của quân, dân trên khắp mọi miền đất nước, vạch trần tội ác, âm mưu của kẻ thù...
Những dòng tin, bức ảnh của các nhà báo-liệt sỹ, thương binh của TTXVN là những bằng chứng xác thực của lịch sử, là nguồn động viên lớn lao toàn quân, toàn dân tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Hơn 260 nhà báo-liệt sỹ của TTXVN đã ngã xuống, hàng chục thương binh đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, xây dựng Tổ quốc, là mất mát to lớn nhưng cũng là niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của TTXVN, cơ quan báo chí đầu tiên được tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, những mất mát máu xương của các thương binh mãi mãi là niềm tự hào, sự đóng góp của TTXVN trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc ta, nhân dân ta và TTXVN đời đời ghi nhớ, tri ân các liệt sỹ, thương binh đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc, cho sự nghiệp Thông tấn.

Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh Đảng ủy và lãnh đạo TTXVN luôn dành sự quan tâm đặc biệt, luôn chăm lo công tác thương binh-liệt sỹ của ngành, coi đó là trách nhiệm, tình cảm sâu nặng với các gia đình liệt sỹ, thương binh.

Các hoạt động xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, dâng hương, viếng nghĩa trang, đi thăm, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm... đã trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị, của cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN...

Cán bộ, phóng viên, công nhân viên TTXVN luôn ghi nhớ công ơn của các liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp Thông tấn; đã và sẽ phấn đấu hết sức mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xây dựng TTXVN thành trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với truyền thống đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Tại lễ kỷ niệm, đại diện thương binh, thân nhân liệt sỹ của TTXVN cảm ơn Đảng ủy, ban lãnh đạo TTXVN đã luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TTXVN thể hiện tình cảm biết ơn của thế hệ trẻ, nguyện sẽ kế thừa truyền thống của cha anh, tiếp tục nỗ lực học tập, lao động, góp phần xây dựng TTXVN ngày càng phát triển, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân.

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, lãnh đạo Văn phòng đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh và tại Đà Nẵng đã trao 60 sổ tiết kiệm với tổng giá trị 180 triệu đồng, tặng các thương binh và gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Đại diện gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Đáo đã trao lại các kỷ vật của liệt sỹ tặng Phòng Truyền thống của TTXVN.

Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trao Bằng khen của Bộ trưởng tặng năm tập thể, năm cá nhân và tặng Kỷ niệm chương cho sáu cá nhân; Tổng Giám đốc TTXVN đã trao Bằng khen tặng ba tập thể, năm cá nhân là cán bộ, thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, có nhiều đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa.

Thời gian qua, TTXVN đã thực hiện nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như xác định, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tạo công ăn việc làm cho thân nhân liệt sỹ.

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ năm nay, TTXVN đã phát động cán bộ, công nhân viên ủng hộ mỗi người một ngày lương, trao 60 sổ tiết kiệm tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh của ngành có hoàn cảnh khó khăn. Ủng hộ chủ trương tặng 100 nhà tình nghĩa tại tỉnh Quảng Trị của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy TTXVN tặng hai căn nhà tình nghĩa bằng số tiền đóng góp của các đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Từ năm 1995 đến nay, TTXVN đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, tặng 600 sổ tiết kiệm với số tiền 1,5 tỷ đồng bằng những ngày lương đóng góp của cán bộ, công nhân viên; hỗ trợ các gia đình liệt sỹ xây, sửa nhà, xây nhà thờ tộc hương khói cho liệt sỹ; tích cực đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương...

Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN đã vận động, quyên góp, trao tặng hàng ngàn phần quà, 110 xe lăn, xây dựng 50 nhà tình nghĩa tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương từ năm 1995 đến nay là trên 2 tỷ đồng./.