Thanh Hóa cần trở thành tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư
TCCSĐT - Tối 18-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa - địa phương có vị trí địa chiến lược, địa chính trị, địa văn hóa quan trọng của cả nước, một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lưu lại đến ngày nay.
Tới dự còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị thu hút khoảng 1.200 đại biểu, trong đó có đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam; các tổ chức tài chính quốc tế; các định chế tài chính, cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại của một số nước; đại diện lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn trong nước và quốc tế.
Là địa phương ở điểm cuối của Bắc Bộ và đầu Trung Bộ, Thanh Hóa có rừng, có đồng bằng, có biển và ở vào vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế. Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất và con người xứ Thanh sự giao lưu, tiếp nhận và ảnh hưởng với các nền văn hóa khu vực và quốc tế.
Đến nay, hệ thống giao thông của Thanh Hóa đã có cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi, có Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào. Tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, bảo đảm hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công 3 cấp; giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quy định lịch tiếp, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp vào ngày 21 hằng tháng; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Năm trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng được Thanh Hóa giới thiệu đến các nhà đầu tư tại hội nghị là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa với công tác tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn lên đến trên 1200 người. Thủ tướng bày tỏ vui mừng với các hình thức xúc tiến khác nhau, hội nghị có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng trân trọng, hoan nghênh của tỉnh Thanh Hóa, nhất là sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5.
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này đã góp một viên gạch vào việc thực hiện mong ước của Bác, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh khá của miền Bắc.
Thủ tướng nêu rõ, không chỉ là một tỉnh kinh tế năng động, một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư, Thanh Hóa còn là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ các điều kiện để phát triển. Thanh Hóa còn là xứ học, con người thông minh, cần cù, sáng tạo; là địa phương có nhiều thành tích trong khoa bảng trước đây và ngày nay, học sinh, sinh viên của Thanh Hóa luôn đạt nhiều Huy chương Vàng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Thanh Hóa sẽ hứa hẹn một lực lượng lao động tinh nhuệ cho đất nước và tỉnh nhà.
Thủ tướng mong muốn, với những tiềm năng và điều kiện thuận lợi của mình, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư.
Giao nhiệm vụ cho tỉnh, Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hóa bằng lợi thế rộng lớn của đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn. Tỉnh phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp đảm bảo về lâu dài, không bị mâu thuẫn ảnh hưởng lẫn nhau.
“Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước”, Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Chính quyền các cấp của Thanh Hóa cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất đến với địa phương; không để thụ động để mất đi các lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Về xác định các lĩnh vực phát triển của Thanh Hóa, Thủ tướng tán thành với định hướng của tỉnh đó là lĩnh vực công nghiệp theo hướng tối ưu hóa điều kiện của nền tảng sẵn có để phát triển một số cụm ngành kinh tế mà Thanh Hóa có lợi thể như lọc hóa dầu, chế biến thủy hải sản, du lịch…
Thủ tướng gợi ý Thanh Hóa nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao. Thủ tướng khuyến khích và đánh giá cao các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và hạ tầng, để đưa nông nghiệp Thanh Hóa có chất lượng cao hơn, sản xuất hàng hóa nhiều hơn.
Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tận dụng và khai thác tốt nhiều di sản văn hóa, như: Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng… Tỉnh mở rộng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề; coi dịch vụ du lịch là một hướng ra, là một trong kiềng ba chân để phát triển toàn diện.
Thủ tướng mong muốn Thanh Hóa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bao gồm: Doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa và của các địa phương khác của Việt Nam cùng làm ăn tại tỉnh Thanh Hóa. Muốn vậy, cần đặc biệt chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý, tay nghề giỏi để đáp ứng cho các dự án đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tại Thanh Hóa làm ăn bài bản, lâu dài với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nói đi đôi với làm.
Lưu ý địa phương luôn ghi nhớ vấn đề làm kinh tế và môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh, “không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân”.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ triển khai một số chương trình, dự án tại Thanh Hóa mà trước hết là dự án đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An trong nhiệm kỳ này; thực hiện tuyến đường ven biển để kết hợp phục vụ dân sinh và phòng chống thiên tai.
Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm, với đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công với những bước tăng trưởng phát triển bao trùm, để người dân được hưởng lợi cả vật chất và tinh thần.
Tại Hội nghị này, 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD; trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm phần lớn./.
“Hợp tác phát triển là một động lực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”  (19/05/2017)
Việt Nam - Anh đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình  (19/05/2017)
Truyền thông Argentina ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại  (19/05/2017)
APEC 2017: Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực  (19/05/2017)
Gắn thực hiện Mục tiêu Bogor với bảo đảm bền vững trong phát triển  (19/05/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên