Gắn thực hiện Mục tiêu Bogor với bảo đảm bền vững trong phát triển
Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những biến động phức tạp, nhanh chóng, với những thách thức chưa từng có, những lo ngại về phân bổ không đồng đều lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, gia tăng bất bình đẳng chưa được giải tỏa.
Trong khi đó, thời hạn hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư đang tới rất gần. Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những nỗ lực của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bogor, những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam góp phần thúc đẩy tiến trình chung của APEC và về tương lai của APEC. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Theo ông, những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới có tác động như thế nào tới quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor của APEC? Liệu APEC có thể hoàn thành Mục tiêu này theo đúng thời hạn đã đề ra?
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn: Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động phức tạp, chuyển biến nhanh hơn bao giờ hết. Quá trình toàn cầu hóa cùng cuộc cách mạng công nghệ số diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống quốc tế. Tình hình này mở những cơ hội lớn về tăng trưởng, phát triển cho mọi người dân và doanh nghiệp, song cũng tạo ra những thách thức mới về chuyển đổi việc làm, gia tăng bất bình đẳng, khoảng cách số… Đây là những lực cản nhất định đối với tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực. Mặc dù vậy, có thể khẳng định thương mại và đầu tư mở vẫn là một xu hướng lớn của hợp tác châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là thành quả của nhiều thập niên thúc đẩy hợp tác, liên kết trong các khuôn khổ song phương cũng như các cơ chế khu vực, trong đó có Diễn đàn APEC. Mục tiêu Bogor được đề ra cách đây hai thập niên, đến nay chỉ còn ba năm nữa là đến thời hạn hoàn tất thực hiện. Bởi vậy, tại Hội nghị SOM 2 vừa qua, trên cơ sở kết quả rà soát của Ban Thư ký APEC quốc tế, các thành viên APEC tiếp tục khẳng định quyết tâm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, thực hiện các Mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư đã đề ra; đồng thời nhất trí sẽ thúc đẩy tự do hóa dịch vụ, đầu tư, cắt giảm các rào cản phi thuế quan - là những lĩnh vực chưa đạt nhiều tiến triển trong thực hiện Mục tiêu Bogor.
Hợp tác APEC là một tiến trình dài hạn, hướng tới mục tiêu chung vì phát triển và thịnh vượng của khu vực. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, các nền kinh tế cũng thảo luận về các biện pháp nhằm duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực trong tình hình mới. Theo đó, các đại biểu nhất trí cần gắn kết việc thực hiện các Mục tiêu Bogor với việc bảo đảm tính bền vững trong phát triển, bảo đảm cho mọi người dân và doanh nghiệp được tham gia đóng góp và thụ hưởng các thành quả của tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế; đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và tính sáng tạo cho các nền kinh tế ở khu vực trong kỷ nguyên số. Đây là những nhân tố góp phần nâng cao vai trò của APEC trong cục diện mới đang định hình ở khu vực.
- Với tư cách chủ nhà của Năm APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra các đề xuất, sáng kiến gì để thúc đẩy việc thực hiện Mục tiêu Bogor trong các năm tiếp theo?
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn: Chúng ta luôn coi Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại đa phương, là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với APEC trong tình hình hiện nay. Với ý nghĩa đó, ngay từ những ngày đầu tiên trong quá trình chuẩn bị cho Năm APEC 2017, chúng ta đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết cho việc nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng hợp tác có thể được thúc đẩy trong cả năm.
Nhờ vậy, đề xuất của Việt Nam về chủ đề và bốn ưu tiên hợp tác trong Năm APEC 2017 đã được nhất trí cao của các thành viên. Một trong bốn ưu tiên đó là “Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng”, là ưu tiên có ý nghĩa thiết thực với việc thực hiện các Mục tiêu Bogor.
Triển khai ưu tiên này, chúng ta đã đề xuất những sáng kiến rất kịp thời, góp phần vào định hướng hợp tác dài hạn của APEC trong những thập niên tới. Trong lần này có thể kể tới sáng kiến tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, ngày 16-5-2017 vừa qua, do Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tổ chức. Đối thoại đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của các thành viên APEC cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực, tạo được đồng thuận chung về sự cần thiết đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Bogor và xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy nhiều sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Trong số này có thể kể đến đề xuất xây dựng các văn bản về thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới…
Cùng các thành viên, Việt Nam đã tiến hành rà soát tình hình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và hiệp định thương mại tự do (RTAs/FTAs), việc thực hiện Tuyên bố Lima của APEC về Khu vực thương mại tự do toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), cũng như những biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC trong chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối chuỗi cung ứng, hài hòa hóa các quy định…
- Ông vừa nhắc đến Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Ông có thể đưa ra dự báo gì về tương lai của APEC sau năm 2020?
Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn: Tương lai APEC là nội dung thảo luận rất thiết thực trong bối cảnh thời hạn năm 2020 của các Mục tiêu Bogor đang đến gần, đồng thời sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Tôi cho rằng thay vì chờ đợi, chúng ta nên chủ động chung tay định hình tương lai APEC. Trong tiến trình này, điều then chốt nhất là củng cố vị thế của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, đi đầu trong thúc đẩy hội nhập, liên kết, thương mại và đầu tư tự do, mang lại sự thịnh vượng cho doanh nghiệp và người dân. APEC có lợi thế là thể chế linh hoạt, không ràng buộc, cho phép thảo luận những nội dung mới. Theo đó, Diễn đàn có thể tiếp tục phát huy thế mạnh, đóng vai trò khởi xướng ý tưởng trong những nội hàm hợp tác, liên kết trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng, APEC cũng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng bền vững hơn, trên cơ sở bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội. APEC trong thời gian tới sẽ tiếp tục có vai trò và tiếng nói mạnh mẽ để bảo đảm mọi người dân đều được tham gia và hưởng thụ những thành quả của tự do hóa thương mại và đầu tư, để không ai bị “bỏ lại” phía sau trong tiến trình toàn cầu hóa.
Tựu trung lại, chìa khóa cho thành công của APEC trong tương lai như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định, APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của sự phát triển. Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Qua đó, APEC sẽ tiếp tục duy trì vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực, góp phần xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm và gắn kết chặt chẽ, tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu./.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và sự thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tại Đại hội XII của Đảng  (19/05/2017)
Tiếp tục hoàn thiện các mô hình kinh tế tập thể để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn  (19/05/2017)
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”  (19/05/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Chile tổ chức triển lãm văn hóa tại vùng đất mỏ Antofagasta  (19/05/2017)
Việt Nam tham dự Diễn đàn Thị trưởng các thành phố trên thế giới  (18/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp cựu Thủ tướng Canada  (18/05/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên