“Hợp tác phát triển là một động lực của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”
Sáng 19-5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo về tương lai quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ mang tên “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng trước đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp hai nước tập trung luận bàn về phương hướng mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư, cùng nhiều vấn đề khác như đổi mới trong lĩnh vực y tế, công nghệ tài chính và phát triển thị trường tài chính, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, đẩy mạnh đổi mới và sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng theo hướng xuất khẩu, gia tăng tiếp cận thị trường thông qua việc tạo thuận lợi cho thương mại...
Phát biểu trước đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam đang tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển bền vững...; phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD và quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng với trọng tâm là hội nhập kinh tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định và đang tích cực đàm phán để ký kết 4 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam quyết định tham gia đàm phán TPP - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, phạm vi cam kết toàn diện với mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam đang kiên định thực hiện ba đột phá lớn, gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ghi nhận sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Hiện đang có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư, kinh doanh thành công ở Việt Nam, trong đó có các tập đoàn của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xếp thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng, từ 15 tỷ USD năm 2008 tăng lên 52 tỷ USD năm 2016. Năm 2016, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2015. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil đã ký Thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện theo những định hướng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7-2015 và Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tháng 5-2016.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhận lời mời tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 thể hiện sự quan tâm của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam. Hợp tác phát triển tiếp tục là một động lực của quan hệ song phương để hai bên thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư.
Để quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển tương xứng với tiềm năng hợp tác cũng như mong muốn của cả hai bên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác cùng phát triển trong các lĩnh vực, như: năng lượng - dầu khí, kết cấu hạ tầng, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, du lịch... Chủ tịch nước nêu thực tế dư địa hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn, vì vậy, Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ các sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, các mặt hàng dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng… nhiều hơn nữa và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm các cam kết để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng, đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng, thành công của hợp tác kinh tế sẽ tạo cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng bền vững, lâu dài, xây dựng và cùng có lợi.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh mối quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam, khẳng định triển vọng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư chính là nền tảng của quan hệ hai nước trong tương lai. Đại sứ Ted Osius cho rằng, cuộc hội thảo là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối thoại trực tiếp, giải quyết những vấn đề tồn tại, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã cảm nhận được những cam kết cải cách từ phía Việt Nam và tin tưởng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được triển khai.
Bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cao cấp của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần phải tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Hiệp hội cũng đang nỗ lực để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, bao gồm cả triển vọng về một Hiệp định thương mại tự do song phương. Cuộc hội thảo “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo” cũng nằm trong tiến trình này.
Theo Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Adam Sitkoff, một hiệp định thương mại được thông qua thì phải mang lại sự bình đẳng cho các bên. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã sẵn sàng góp phần đưa mục tiêu này thành hiện thực. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam ủng hộ con đường hướng tới Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam./.
Việt Nam - Anh đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình  (19/05/2017)
Truyền thông Argentina ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại  (19/05/2017)
APEC 2017: Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực  (19/05/2017)
Gắn thực hiện Mục tiêu Bogor với bảo đảm bền vững trong phát triển  (19/05/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay