Từ ngày 27 đến 30-3-2017, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó trưởng Đoàn Giám sát, Trưởng đoàn công tác số 3 đã làm việc với ba tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Qua nghe báo cáo và trao đổi, Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, việc ban hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước cơ bản đã được thực hiện đầy đủ, đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tại các địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa và cơ chế tự chủ

Sự tích cực, chủ động trong công tác xã hội hóa và thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp các địa phương đạt được một số kết quả tích cực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường; huy động được nguồn lực đầu tư từ xã hội, đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng của nhân dân, góp phần đưa hệ thống các cơ sở ngoài công lập bước đầu phát triển.

Ở Thái Bình, tính đến tháng 12-2016 đã có 92 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư; trong đó lĩnh vực giáo dục có 7 dự án, lĩnh vực y tế 12 dự án, lĩnh vực thể thao 6 dự án… Tỉnh đã triển khai nhiều đề án như: Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; Xã hội hóa về khám chữa bệnh tự nguyện và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích thu hút đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn… Hiện hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn đã triển khai tại 7/7 huyện của tỉnh Thái Bình với 105 trạm cấp nước sạch tập trung được đầu tư xây dựng.

Tại Nghệ An, qua buổi làm việc với ba huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu cho thấy, các địa phương đặc biệt là Quỳnh Lưu đã thực hiện tốt tự chủ tài chính đối với Bệnh viện đa khoa huyện. Tỉnh Nghệ An hiện có 6 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, gồm: Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Trung tâm quan trắc kỹ thuật môi trường, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Trung tâm thông tin khoa học công nghệ và tin học. Ngoài ra, 1.786 đơn vị đã tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Theo Phó Trưởng Đoàn Giám sát Trần Văn Túy, việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hóa cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa sẽ là giải pháp hiệu quả giúp giảm gánh nặng cho ngân sách. Với thành công bước đầu của hướng đi này, trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự; khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước.

Còn hạn chế trong bổ nhiệm và sử dụng nhân sự

Kết quả giám sát cho thấy, hiện nay, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa phương đang được bảo đảm bởi ngân sách Nhà nước; song tình trạng các địa phương sử dụng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp quá định mức được giao; sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các phòng chuyên môn vẫn còn. Đoàn Giám sát của Quốc hội đề nghị ba tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An khắc phục những hạn chế này; làm rõ một số vấn đề trong sắp xếp, bố trí số lượng chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, bổ sung biên chế chưa kịp thời cho một số tổ chức, đơn vị mới được thành lập dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả xử lý công việc…

Làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Đoàn giám sát đánh giá, việc xây dựng và thực hiện các Đề án vị trí việc làm, thực hiện tinh giản biên chế đã được quan tâm và có kết quả bước đầu, qua hai năm thực hiện đã tinh giản 1.046 trường hợp. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế phần lớn chưa gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đối tượng tinh giản mới chỉ là những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác hoặc thôi việc; còn nhiều vướng mắc trong rà soát, phân loại các đối tượng khác. Đây cũng là tình trạng còn tồn tại ở nhiều địa phương của tỉnh Thái Bình và Nghệ An.

Một vấn đề được các thành viên Đoàn Giám sát quan tâm đặt câu hỏi cho các địa phương là việc bổ nhiệm số lượng cấp phó ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở nhiều nơi đang vượt mức quy định. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 Phó giám đốc Sở. Tỉnh Nghệ An có 7/20 Sở và cơ quan tương đương có 4-5 lãnh đạo cấp phó. Tỉnh Thái Bình tuy bổ nhiệm số lượng cấp phó các phòng và cơ quan tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế địa phương; song một số sở, ngành có số lượng chức danh lãnh đạo quản lý nhiều hơn số công chức và người lao động.

Lý giải vấn đề này, đại diện các tỉnh cho biết nguyên nhân chủ yếu từ việc sáp nhập cơ quan nên tồn tại cấp phó từ những năm trước; đồng thời do đặc thù của cơ quan có phòng chuyên môn quản lý Nhà nước về nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực cần bố trí một Phó Trưởng phòng phụ trách… Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, quy định về số lượng cấp phó ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh không quá 3 như hiện nay gây khó cho việc phân công nhiệm vụ cho Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực, nhất là đối với những địa phương có đặc thù quy mô diện tích, dân số tương đối lớn, phạm vi và đối tượng quản lý rộng.

Phó Trưởng Đoàn Giám sát Trần Văn Túy ghi nhận kiến nghị của các địa phương và những khó khăn mà các địa phương đang gặp phải; đồng thời đề nghị các thực hiện đúng quy định hiện hành và cân nhắc hợp lý về bổ nhiệm cấp phó tại các đơn vị trong điều kiện biên chế hạn hẹp hiện nay. Các địa phương tiếp tục đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, rà soát lại các chức danh người hoạt động không chuyên trách, các đối tượng tinh giản biên chế; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Các tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nỗ lực xây dựng mô hình chính quyền điện tử, Trung tâm hành chính công; tăng tính minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước…/.