Cam kết vì một Liên minh châu Âu vững mạnh hơn

Phương Trà (tổng hợp)
23:17, ngày 25-03-2017

TCCSĐT - Chiều 25-3 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome đã chính thức diễn ra tại thủ đô Rome (Italia).

Những thách thức sau 60 năm tồn tại

Cách đây 60 năm, ngày 25-3, tại thủ đô Roma của Italia đã đánh dấu một sự kiện quan trọng: Hiệp ước Roma được ký kết với 6 thành viên bao gồm: Bỉ, Đức, Hà Lan, Italia, Luxembourg và Pháp, tạo nền móng cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay.

Một cộng đồng chung ngày càng trải rộng với 28 nước thành viên, Liên minh châu Âu đã trở thành một trong 3 cực kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới và được coi như một liên minh thành công nhất. Cho đến tháng 6-2016, khi Vương quốc Anh bỏ phiếu, rời bỏ mái nhà chung. EU “trách” Anh vì ra đi, nhưng người Anh có lý do của mình. Sáu mươi năm dài như một đời người, châu Âu đã dần già yếu với quá nhiều căn bệnh.

Mâu thuẫn đã phát sinh giữa các nước Tây Âu phát triển và giàu với các nước mới gia nhập ở Trung và Đông Âu.

Một cơ chế tiền tệ và tài khóa chung, khi mỗi nước đều có vấn đề riêng đã đẩy một loạt quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Cả các trụ cột như Pháp, Italia cũng rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Khó xử lý về mặt kinh tế đến các vấn đề chính trị xã hội, EU cũng đau đầu để dung hòa một mái nhà quá đông thành viên, như gần đây là vấn đề người tị nạn, đến giờ vẫn chưa có một tiếng nói chung.

Thêm nữa, hàng loạt các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp, Đức, Bỉ, Anh... dưới nhiều cấp độ, đã đặt châu Âu vào một cuộc chiến vô cùng khó khăn. Vấn đề an ninh đã khiến Hiệp ước Schengen, niềm tự hào của EU bị xem xét lại.

Sáu mươi năm, nếu không muốn tan rã, đã đến lúc mái nhà chung, cơ thể chung phải tìm cách chữa bệnh, phải tìm cách hồi sinh.

Đề cao tinh thần đoàn kết trong thời điểm thử thách

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã tái khẳng định cam kết chung sức vì tương lai của EU.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk hối thúc giới lãnh đạo châu Âu chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình trong thời điểm châu lục đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Ông khẳng định tiếp tục đoàn kết và thống nhất là “con đường duy nhất” để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của EU. Theo Chủ tịch D. Tusk, chỉ khi thống nhất, châu Âu mới có thể là một châu Âu độc lập trong mối quan hệ với phần còn lại của thế giới. Và chỉ một châu Âu độc lập mới có thể bảo đảm được độc lập cho các quốc gia thành viên và tự do cho người dân.

Cũng phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Italia P. Gentiloni nêu rõ, lãnh đạo các nước EU cần tìm kiếm sự ủng hộ của người dân và chống lại chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy bằng cách tạo ra thêm việc làm và xóa bỏ bất bình đẳng xã hội. Ủy viên Thương mại EU C. Malmstrom nhận định, châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng sự vắng mặt của nước Anh tại sự kiện lần này là “một khoảnh khắc đáng buồn”. Thủ tướng Anh T. May không có mặt tại sự kiện này vì cần chuẩn bị cho việc kích hoạt tiến trình Brexit (Anh rời EU), dự kiến vào ngày 29-3 tới.

Hội nghị thượng đỉnh EU kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước Rome có sự tham dự của 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU. Hội nghị lần này là nhằm kiểm điểm, đánh giá lại những thành tựu mà liên minh đã đạt được trong 60 năm qua. Hội nghị cũng tập trung thảo luận về nhiều vấn đề, đặc biệt là những thách thức mà châu Âu đang đối mặt, từ khủng hoảng người di cư, vấn đề khủng bố, nguy cơ làn sóng dân túy trỗi dậy cho đến khủng hoảng nợ công ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại Hội nghị, 27 quốc gia thành viên đã ký Tuyên bố Rome với trọng tâm kêu gọi sự thống nhất, đoàn kết trong EU và điểm quan trọng nhất là vạch đường hướng tương lai cho liên minh này. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất và đoàn kết. Các nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng và bền vững trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu. Các nhà lãnh đạo EU cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng giữa các nước EU, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư, thắt chặt các đường biên giới bên ngoài, thúc đẩy thương mại toàn cầu để phát triển thị trường chung của khối, thúc đẩy việc làm và đổi mới.

Trước đó, trong dự thảo tuyên bố chung dài 1,5 trang được công bố trước thềm sự kiện, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất và đoàn kết. Các nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng và bền vững trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu.

Về công tác bảo đảm an ninh cho Hội nghị, cảnh sát Italia đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Khoảng 3.000 cảnh sát được triển khai ở Rome để bảo đảm an ninh, đề phòng nguy cơ tấn công khủng bố cũng như các hành động quá khích khác. Lực lượng an ninh Italia được tăng cường tối đa tại hai khu vực ở thủ đô. Khu vực thứ nhất được gọi là vùng xanh da trời, nơi các nhà lãnh đạo EU có thể di chuyển, đi lại an toàn. Khu vực thứ hai được gọi là vùng xanh lá cây, hay còn gọi là vùng đệm, với 18 điểm kiểm soát an ninh ra vào. An ninh tại các sân bay, nhà ga, bến xe buýt hay bến tàu cũng được thắt chặt.

Các đơn vị cảnh khuyển, chuyên gia về bom mìn, lính bắn tỉa, các đơn vị tuần tra trên không bằng máy bay lên thẳng và nhiều bộ phận an ninh khác cũng được huy động nhằm bảo đảm hội nghị diễn ra thành công và an toàn. Giới chức an ninh Italia dự kiến nhiều khả năng những phần tử cực đoan người nước ngoài sẽ trà trộn vào một cuộc biểu tình phản đối EU với số lượng ước tính khoảng 8.000 người được tổ chức ở Rome trong ngày 25-3.

Nhân dịp này, Chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump cũng gửi thông điệp chúc mừng EU nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng nêu rõ, hai lục địa châu Âu và châu Mỹ chia sẻ nhiều giá trị chung và quan trọng hơn là cam kết thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng thông qua tôn trọng tự do, dân chủ và luật pháp./.