TCCSĐT - Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc, hội thi bánh chưng, bánh dày tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc và đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Trần Thương là những hoạt động văn hóa - du lịch nổi bật cuối tuần.

Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc

 
 Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc trong vườn xuân đất nước”.

Tối 11-02, Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc với chủ đề "Sắc màu Tây Bắc trong vườn Xuân đất nước" đã chính thức khai mạc tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Dự lễ khai mạc có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Trưởng Ban chỉ đạo Năm du lịch quốc gia 2017; đại diện các ban, ngành Trung ương, địa phương; Tham tán văn hóa các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... cùng đông đảo đại biểu và người dân.

Với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc", Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc là cơ hội để các tỉnh, thành phố và các địa phương giới thiệu, quảng bá các sự kiện của địa phương, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Việc tập trung tổ chức thành công các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia 2017 là mục đích cao nhất và có ý nghĩa mở đầu cho toàn bộ chuỗi sự kiện, là cầu nối hợp tác phát triển du lịch với các vùng, miền trong cả nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, nêu rõ: Chúng ta tổ chức khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2017, khởi đầu cho các hoạt động thực hiện mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tôi tin tưởng du lịch vùng Tây Bắc nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có bước phát triển bứt phá trong năm 2017.

Bên cạnh việc bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của du lịch Lào Cai nói riêng, của vùng Tây Bắc và Việt Nam nói chung, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển du lịch như hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa có sự cạnh tranh cao. Chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, ứng xử văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có quyết tâm cao với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các cấp các ngành phải tập trung xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch; đưa các chủ trương, chính sách phát triển du lịch vào cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, Lào Cai - Tây Bắc luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn bè bốn phương đến khám phá, trải nghiệm “Sắc màu Tây Bắc”; đồng thời, bày tỏ tin tưởng sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu của Năm Du lịch quốc gia 2017, đưa du lịch của khu vực Tây Bắc phát triển ngày càng bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu trong bản đồ du lịch Việt Nam; là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá của cả vùng và mỗi địa phương.

Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc trong vườn xuân đất nước” với trên 100 nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn. Chương trình kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc với nghệ thuật đương đại. Người xem như được hòa mình vào không khí lễ hội và có thêm những cảm nhận sâu sắc, ấn tượng về vùng đất Tây Bắc Tổ quốc.

Chương trình nghệ thuật chia làm 2 phần, phần 1 có chủ đề "Âm vang một dải gấm hoa", phần 2 có chủ đề "Du xuân theo sông về biển" đã khắc họa và tôn vinh giá trị văn hoá, quảng bá hình ảnh Tây Bắc Việt Nam - vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và đa dạng; có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú. Bên cạnh đó, quảng bá văn hóa du lịch của các địa phương khác trên cả nước với nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với các lễ hội và phong cảnh đẹp; có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc: Đặc sắc hội thi bánh chưng, bánh dày

 

Gần 100 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố đã góp mặt ở Hội thi bánh chưng, bánh dày tỉnh Hải Dương lần thứ VIII diễn ra trong hai ngày 10 và 11-02, tại sân Tam quan ngoại chùa Côn Sơn (thuộc khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đây là một trong những hoạt động đặc sắc thu hút đông đảo du khách tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Ở cả hai phần thi bánh chưng và bánh dày, nguyên liệu sử dụng đều là gạo nếp chọn kỹ, không lẫn gạo tẻ, hạt to, tròn, đều, không có hạt gẫy, đầu đen…; gạo được ngâm kỹ. Trong phần thi gói bánh chưng, 12 đội dự thi mỗi đội chọn 5 nghệ nhân mặc trang phục lễ hội truyền thống thoăn thoắt gói bánh bằng tay. Các đội gói 5 bánh chay bằng nhân đỗ xanh và 5 bánh mặn bằng nhân đỗ xanh, thịt lợn. Thời gian tối đa cho phần gói bánh chưng là 10 phút. Sau phần chấm hình thức, các đội mang bánh đi luộc trong 7 tiếng đồng hồ.

Ở phần giã bánh dày, có 6 đội tham gia gồm: Đội của thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh, huyện Gia Lộc, huyện Kinh Môn, huyện Tứ Kỳ, huyện Nam Sách, mỗi đội có 6 nghệ nhân tham gia. Thời gian tối đa cho phần thi này là 45 phút gồm đồ xôi, giã và nặn bánh. Bánh hoàn thiện đạt yêu cầu là xôi phải được đồ chín, giã nhuyễn, bánh tròn trĩnh, có màu trắng, dẻo, mịn, thơm.

Các nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo, sự nhanh nhẹn đã tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vức, những chiếc bánh dày tròn mịn, dẻo thơm. Kết quả, ở phần thi gói bánh chưng, đội thi đến từ huyện Kinh Môn giành giải nhất; đội Bình Giang đoạt giải Nhì.

Ở phần giã bánh dày, đội của thị xã Chí Linh đoạt giải Nhất, đội thành phố Hải Dương nhận giải Nhì. Ngoài ra, ở mỗi phần thi, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ như: Giải gói bánh chưng nhanh nhất thuộc về đội Tứ Kỳ với thời gian 2 phút 55 giây gói được 10 bánh; giải gói bánh chưng đẹp nhất thuộc về đội Bình Giang; giải bánh chưng ngon nhất thuộc về đội Kinh Môn; giải giã bánh dày nhanh nhất và đẹp nhất thuộc về đội thị xã Chí Linh với 15 phút 41 giây; giải bánh dày ngon nhất thuộc về đội thành phố Hải Dương.

Sau hội thi, những tấm bánh đoạt giải được Ban tổ chức chọn làm lễ cúng dâng Phật, Thánh trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc thể hiện sự tri ân với các bậc tiền nhân. Đội đoạt giải Nhất còn vinh dự tham gia Hội thi bánh chưng, bánh dày toàn quốc năm 2017 tại Đền Hùng (Phú Thọ) đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bánh chưng và bánh dày là hai loại bánh gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt từ xa xưa, gắn với sự tích đời Hùng Vương thứ 6, hoàng tử Lang Liêu đã dâng kính vua cha những chiếc bánh thơm, dẻo. Bánh hình vuông gọi là bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh hình tròn gọi là bánh dày tượng trưng cho trời. Qua hàng nghìn năm, đến nay, người Việt vẫn trân trọng từng tấm bánh chưng, bánh dày và coi đây là lễ vật dâng kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong các ngày giỗ, ngày Tết cổ truyền.

Sau 8 lần được tổ chức, Hội thi bánh chưng, bánh dày đã trở thành một hoạt động được người dân và du khách đón đợi trong dịp lễ hội mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc, tạo điểm nhấn văn hóa độc đáo khi về với khu di tích quốc gia đặc biệt vào đúng dịp lễ hội mùa xuân. Bên cạnh đó, hội thi là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của tỉnh Hải Dương hướng về Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Trần Thương

Tối 10-02 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tỉnh Hà Nam tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã dự lễ.

Lễ phát lương được tổ chức vào đúng giờ Tý ngày rằm tháng Giêng tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân - nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ thứ 13. Ban Tổ chức phối hợp với nhà đền chuẩn bị 150.000 túi lương để phát tại 37 điểm. Mỗi túi lương gồm có ấn, thẻ và năm loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, ngô đỏ, đậu tương và thóc nếp cái hoa vàng.

Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hà Nam để tưởng nhớ công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, động viên nhân dân bước vào năm mới hăng say lao động, học tập, công tác.

Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, tâm linh. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ thứ 13. Trong số các di tích thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương trên đất Hà Nam và cả nước, đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng” “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…Tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian. Đồ thờ, cổ thư của ngôi đền rất phong phú, quý hiếm./.