Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hội kiến Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Thay mặt lãnh đạo Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh đã chúc mừng những thành tựu to lớn mà Liên hợp quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Tổng Thư ký Ban Ki-moon trong suốt hai nhiệm kỳ 10 năm qua; bày tỏ tin tưởng rằng Tổng Thư ký Ban Ki-moon, dù sắp tới trên cương vị nào, cũng tiếp tục có thêm nhiều đóng góp vì một thế giới hoà bình và phát triển bền vững.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao vai trò, nỗ lực và những đóng góp quan trọng của Liên hợp quốc trong 71 năm qua nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, khủng bố và tranh chấp lãnh thổ trên thế giới diễn biến rất phức tạp và căng thẳng.
Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng các sáng kiến và trọng tâm lớn mà Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn sau 2015 (SDGs) và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21 tại Paris thể hiện rõ vai trò và ảnh hưởng quan trọng của Liên hợp quốc trước những thách thức mà nhân loại phải đối mặt.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu mà Liên hợp quốc đã dành cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam khắc phục khó khăn sau chiến tranh và phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Liên hợp quốc.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đặc biệt cảm ơn sự quan tâm của cá nhân Tổng Thư ký, sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Liên hợp quốc trong việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho những người dân bị thiệt hại bởi hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Việt Nam vừa qua.
Trên cơ sở đó, đồng chí Đinh Thế Huynh bày tỏ mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục ủng hộ và hợp tác giúp Việt Nam duy trì thành quả Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Về an ninh khu vực, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò và đóng góp có trách nhiệm của Liên hợp quốc trong các vấn đề của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đặc biệt đánh giá cao những tuyên bố của Liên hợp quốc và phát biểu của cá nhân Tổng Thư ký thể hiện quan ngại về những diễn biến phức tạp thời gian qua tại Biển Đông và chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật tuân thủ pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực này; mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục đi đầu trong việc đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, hỗ trợ các nước, các khu vực duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nồng nhiệt chào đón đồng chí Thường trực Ban Bí thư và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm Trụ sở Liên hợp quốc; nhờ chuyển lời chào thân thiết và lời chúc tốt đẹp tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam; chia sẻ những ấn tượng và tình cảm sâu sắc về hai lần thăm Việt Nam.
Tổng Thư ký đánh giá cao những nỗ lực đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, cũng như những cố gắng trong việc thực hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc; bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc trong các hoạt động chung, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, tích cực đóng góp vào việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các trọng tâm ưu tiên hiện nay, cũng như các sáng kiến và chương trình khác của Liên hợp quốc trong thời gian tới; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề chung của thế giới.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định cam kết của Liên hợp quốc tiếp tục dành cho Việt Nam sự ủng hộ, hỗ trợ và hợp tác nhằm duy trì thành quả MDGs, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại Việt Nam.
Về các vấn đề khu vực, Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp, căng thẳng thời gian qua ở Biển Đông; mong muốn các bên liên quan đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực, không đơn phương mở rộng tranh chấp và quân sự hóa, duy trì hòa bình ổn định và bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực này; cam kết ủng hộ và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, hỗ trợ các nước, các khu vực duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác.
Cùng ngày, đồng chí Đinh Thế Huynh đã thăm trụ sở và có cuộc trao đổi với Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ John Bachtell, gặp gỡ với một số bạn bè Hoa Kỳ đã từng ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và hiện nay đang tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam điôxin tại Việt Nam.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đã đến thăm và thông báo cho các cán bộ, nhân viên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc về tình hình trong nước và những nội dung cơ bản của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV.
Ngày 28-10, đồng chí Đinh Thế Huynh và đoàn rời thành phố New York, tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ./.
Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Italy kinh doanh lâu dài  (28/10/2016)
Campuchia khánh thành Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam  (27/10/2016)
Thúc đẩy hợp tác công tác Mặt trận hai nước Việt Nam - Campuchia  (27/10/2016)
Trình ba dự án Luật tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV  (27/10/2016)
Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 khóa X  (27/10/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên