Trình ba dự án Luật tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương
Tờ trình dự án Luật Quản lý ngoại thương do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày trước Quốc hội nêu rõ việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Đồng thời, bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Dự án Luật bao gồm 8 Chương, 115 Điều quy định các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương (các biện pháp hành chính, các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, khẩn cấp, phòng vệ thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương…) có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.
Riêng đối với xuất nhập khẩu dịch vụ, theo quy định tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho biết 12 nhóm ngành dịch vụ xuất, nhập khẩu đã được quy định cụ thể, như du lịch, vận tải, bưu chính và viễn thông, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin,... đều được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chuyên ngành (như Luật Viễn thông, Luật Xây dựng, Luật Du lịch, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán...).
Do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ chỉ có thể thực hiện được thông qua 2 phương thức. Một là, cung cấp qua biên giới, trong đó, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; họ vẫn ở 2 nước khác nhau và dịch vụ được cung cấp từ nước này vào nước kia. Hai là, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ (như đi du lịch, du học hay chữa bệnh tại nước ngoài).
Với 2 phương thức đặc thù như vậy, Bộ trưởng khẳng định việc kết hợp với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, đề ra các quy tắc chung và các biện pháp quản lý chung cho xuất nhập khẩu dịch vụ trong 1 Luật là không khả thi. Vì vậy, như tất cả các nước khác, Việt Nam sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý. Các biện pháp này đều đã được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Nếu Luật Quản lý ngoại thương cũng quy định về xuất nhập khẩu dịch vụ, sẽ tạo nên sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Do đó, dự án Luật được xây dựng theo định hướng là một đạo luật điều chỉnh, quản lý hoạt động “ngoại thương hàng hóa”, không điều chỉnh đối với “ngoại thương dịch vụ”.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương. Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; công khai, minh bạch danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tránh có sự mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác; luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn; giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định chi tiết; rà soát những điều chỉ có nội dung giải thích từ ngữ, bố cục chương, mục, tiểu mục ngắn gọn, chặt chẽ.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường của Nhà nước
Tờ trình về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) nêu sau hơn 6 năm thi hành, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Tuy nhiên Luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường chưa được cập nhật nên không đầy đủ, thiếu đồng bộ với những thay đổi trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và các quy định trong các bộ luật, luật mới ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Luật hiện hành quy định chưa rõ ràng việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong nhiều tình huống nên đã gây khó khăn cho việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường cũng như trong việc thực hiện yêu cầu bồi thường, dẫn tới hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường.
Luật quy định chưa rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại, trách nhiệm của người ra quyết định hoàn trả dẫn đến việc hoàn trả của người thi hành công vụ còn bị xem nhẹ và chưa được thực hiện thống nhất... Đây là những lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành.
Đọc Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ mục tiêu của việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 là nhằm hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Dự thảo Luật có 9 chương, 78 điều, (so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về thực trạng giải quyết bồi thường của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo Luật cần xác định rõ chủ thể có trách nhiệm giải quyết bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường; các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường cần bảo đảm đơn giản, thuận tiện, chặt chẽ, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc lựa chọn hình thức giải quyết yêu cầu bồi thường, cần nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án hoặc giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định này mới tạo cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thể hiện đúng tính chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý
Tờ trình dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã nêu lên những tồn tại, hạn chế dẫn đến cần thiết phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành. Quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, trong đó quan trọng nhất là các quy định của Luật hiện hành bộc lộ những bất cập, thiếu đồng bộ với các văn bản luật được ban hành gần đây; thiếu cơ chế bảo đảm để các quy định về quyền được trợ giúp pháp lý được thực thi đầy đủ.
Nhận thức về vị trí, vai trò và yêu cầu đổi mới công tác trợ giúp pháp lý có lúc còn chưa đầy đủ, có nơi chưa quan tâm đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý đôi khi còn chưa chặt chẽ; các nguồn lực và đội ngũ cán bộ làm trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ mục tiêu xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) để khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Theo đó, việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tự nguyện cho người được trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội bằng nguồn lực của mình cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trợ giúp pháp lý.
Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 Chương, 49 Điều.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật đề nghị, để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, trong sửa đổi Luật lần này, cần tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động này, không chỉ bằng nguồn lực của họ mà cả bằng nguồn lực của Nhà nước, san sẻ trách nhiệm của Nhà nước với xã hội.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua (về số lượng, loại hình, chất lượng vụ việc giải quyết trợ giúp pháp lý và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tổ chức, cá nhân này...) để có thêm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định./.
Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 khóa X  (27/10/2016)
Thủ tướng tiếp Chủ tịch Thông tấn xã Prensa Latina của Cuba  (27/10/2016)
Tạp chí Lý luận chính trị: 40 năm xây dựng và phát triển  (27/10/2016)
Tạp chí Lý luận chính trị: 40 năm xây dựng và phát triển  (27/10/2016)
Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Myanmar  (27/10/2016)
"Quan hệ hợp tác Việt Nam - Myanmar sẽ ngày càng phát triển hiệu quả"  (27/10/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên