TCCSĐT - Phủ Tổng thống Philippines tái khẳng định lập trường của Manila là không bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) trong vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc.

UNESCO chính thức phê chuẩn nghị quyết về khu đền Al-Aqsa ở Jerusalem

 

Khu đền thờ Al-Aqsa. Ảnh: sabbah.biz/TTXVN

Ngày 18-10-2016, Ban điều hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua nghị quyết phủ nhận sự liên hệ giữa Do Thái giáo với khu đền thờ Al-Aqsa (Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem. Các nước thành viên UNESCO đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết này hồi tuần trước với 24 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 26 phiếu trắng. Nghị quyết phủ nhận mối liên hệ lịch sử của Do Thái giáo với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem. Theo đó, tên chính thức của khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem và Bức tường phía Tây thành cổ Jerusalem sẽ được sử dụng bằng tiếng Arab, còn tên tiếng Do Thái sẽ chỉ được dùng trong ngoặc kép để tham khảo trong các văn kiện của Liên hợp quốc. Nghị quyết kêu gọi Israel, với tư cách là “quốc gia chiếm đóng”, khôi phục “nguyên trạng lịch sử”. Nghị quyết cũng lên án mạnh mẽ “các hành động leo thang gây hấn cũng như các biện pháp phi pháp của Israel” và những vi phạm của Israel đối với quyền tự do thờ phụng của người Hồi giáo tại ngôi đền trên.

Ngay sau khi UNESCO bỏ phiếu về nghị quyết trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng “nếu nói Israel không có liên hệ với Núi Đền và Bức tường phía Tây (Bức tường Than khóc), thì cũng giống như nói Ai Cập không có liên hệ với các Kim tự tháp hay Trung Quốc không có liên hệ với Vạn lý trường thành”. Trong khi đó, Chính quyền Palestine ngày 18-10 đã hoan nghênh UNESCO chính thức thông qua nghị quyết trên, cho rằng động thái này thể hiện “sự lên án đối với hành động chiếm đóng cũng như những chính sách của Israel”. Khu đền thờ Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, vùng đất Israel chiếm từ Jordan và sáp nhập năm 1967. Jordan giữ quyền quản lý khu đền thờ này và Israel kiểm soát lối vào khu đền. Đối với người Hồi giáo, Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới, sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia. Người Do thái cũng coi khu đền thờ này là thánh địa và gọi là Núi Đền. Theo quy định lâu nay, người Do thái được phép đến thăm khu đền này nhưng không được cầu nguyện tại đây.

Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phục vụ con người

 

Nhà bác học huyền thoại người Anh Stephen Hawking tại lễ khai trương Trung tâm. Ảnh: TTXVN

Ngày 19-10-2016, tại đại học Cambridge (Anh), một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã được khai trương, với mục tiêu phát triển chuyên ngành khoa học dự báo sẽ có tác động to lớn lên cuộc sống của con người. Mang tên chính thức “Trung tâm Leverhulme vì tương lai của trí tuệ” (CFI), trung tâm nhận được số vốn tài trợ 10 triệu bảng (11,2 triệu euro) của quỹ đầu tư Leverhulme Trust.

CFI tập hợp các nhà khoa học hàng đầu của các trường đại học Oxford, Cambridge, Imperial College London (Anh) và đại học Berkeley (California, Mỹ). Trong phát biểu nhân dịp khai trương, nhà thiên văn học người Anh Stephen Hawking đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của CFI là tận dụng trí thông minh nhân tạo “phục vụ con người”, nhất là trong bối cảnh hiện nay con người còn chưa nắm rõ sức mạnh của trí tuệ nhân tạo. Ông hy vọng trí thông minh nhân tạo sẽ giúp con người thoát khỏi bệnh tật và đói nghèo. Bà Margaret Boden, giáo sư chuyên ngành khoa học nhận thức và cố vấn của CFI, cũng tỏ ra tin tưởng rằng những ứng dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ giải quyết được các vấn đề xã hội và làm cho cuộc sống con người “ngày càng dễ chịu”. Tuy nhiên các nhà khoa học không quên nhắc đến “mặt trái nguy hiểm”, khi máy móc quá thông minh có thể “lấn lướt” con người. Giáo sư Stephen Cave, Giám đốc CFI nêu rõ rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người mà chỉ giúp con người có những quyết định sáng suốt hơn. Theo ông, con người cần phải chắc chắn kiểm soát được các hệ thống máy móc thông minh trước khi trao cho chúng “quyền quyết định” trong những lĩnh vực quan trọng.

Philippines: Cam kết không bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay

 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cam kết không bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan). Ảnh: EPA/TTXVN

Sau cuộc hội đàm song phương tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chứng kiến việc ký kết 13 thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, hợp tác văn hóa, du lịch, chống ma túy và hàng hải, với tổng trị giá tới 13,5 tỷ USD. Trước đó, tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte, hai bên nhất trí giải quyết bất đồng một cách hợp lý và cải thiện quan hệ song phương. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng giải quyết bất đồng về vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của quan hệ Trung Quốc - Philippines.

Trước ý kiến của Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros bày tỏ lo ngại về việc ông Duterte dường như đã bỏ qua “chiến thắng lịch sử tại Tòa án La Hay” để chuyển sang đàm phán song phương với Trung Quốc, Phủ Tổng thống Philippines tái khẳng định lập trường của Manila là không bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) trong vụ kiện Philippines chống lại Trung Quốc. Tổng thống Duterte không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ tham gia đàm phán đa phương về Biển Đông. Ngoài ra, Tổng thống Duterte khẳng định ông sẽ không cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ, và rằng bình luận về việc “chia tách” với Washington trước đó chỉ có ý nghĩa là dấu hiệu về một chính sách đối ngoại độc lập của Manila, chứ không nhất thiết đi theo chính sách đối ngoại của Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định sẽ không cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ, bởi duy trì quan hệ với Washington là lợi ích tốt nhất của Philippines và rằng người dân nước này chưa sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Pháp đứng đầu các nước phát triển về mức chi cho chính sách xã hội

 

Pháp đứng đầu các nước phát triển về mức chi cho chính sách xã hội. Ảnh: Reuters

Ngày 21-10-2016, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Pháp đứng đầu các nước phát triển về các khoản chi nhằm thực hiện chính sách xã hội bao gồm lương hưu, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp gia đình, trợ cấp thất nghiệp với mức chi lên đến 31,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Người đứng đầu bộ phận thống kê về chính sách xã hội của OECD, chuyên gia Maxime Ladaique cho rằng nước Pháp đang phải đối mặt với một hệ thống xã hội ngày càng phức tạp và áp lực thuế tăng cao, vì thế, nước Pháp cần phải theo đuổi các nỗ lực cải cách, đặc biệt là liên quan đến việc chi trả lương hưu.

Công trình nghiên cứu được OECD tiến hành tại 35 nền kinh tế phát triển cũng cho biết, tiếp sau Pháp và Phần Lan, các nước Đức, Áo, Bỉ, Italy, Đan Mạch, Thụy Điển, Hy Lạp và Na Uy có mức chi trả cho các chính sách xã hội dao động từ 25% - 29% trong khi các nước có mức chi trả thấp nhất là Mexico, Hàn Quốc, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ (ít hơn 15% GDP). Cơ sở dữ liệu để OECD tiến hành nghiên cứu trên là các chi tiêu công cho chính sách xã hội của chính phủ các nước. Ngoài ra, OECD cũng dựa trên các dự toán chi tiêu xã hội của các doanh nghiệp, các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ. Theo OECD, mức chi trung bình 21,2% cho chính sách xã hội là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong các chi phí xã hội, lương hưu chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 8%), khoản chi này liên tục tăng lên kể từ năm 2010 do tuổi thọ người dân tiếp tục tăng và các đối tượng được hưởng lương hưu cũng tăng. Các chi phí chăm sóc sức khỏe đã tăng từ 4% vào năm 1980 lên 6% vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chi phí này khá ổn định từ năm 2009, ngoại trừ Chile và Hàn Quốc là những nước có chi tiêu cho việc bảo vệ sức khỏe tăng trung bình hằng năm hơn 5% kể từ năm 2005. Các khoản chi khác chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn: 2,1% cho trợ cấp gia đình, 0,9% cho trợ cấp thất nghiệp.

Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU: Ủng hộ tự do thương mại toàn cầu

 

Ảnh minh họa. Ảnh: theparliamentmagazine.eu/TTXVN

Ngày 21-10-2016, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Brussels với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào chính sách thương mại của khối. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại toàn cầu đồng thời tuyên bố việc bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội ở châu Âu là một phần của lợi ích thương mại của EU.

Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã thông báo kết quả các cuộc thảo luận liên quan đến các chính sách thương mại của EU và những cản trở khiến thỏa thuận kinh tế thương mại EU - Canada (CETA) chưa được thông qua. Liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, dù ba nước lớn nhất châu Âu là Anh, Pháp và Đức chủ trương đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Syria, song cuối cùng thông cáo chung của Hội nghị chỉ tuyên bố EU sẽ xem xét mọi khả năng, bao gồm đưa ra biện pháp trừng phạt bổ sung, trong trường hợp chiến dịch không kích hiện nay của Nga ở thành phố Aleppo tiếp diễn. Về vấn đề người di cư, các lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí cho rằng EU cần nỗ lực giảm số lượng người di cư trái phép đến châu Âu đồng thời đẩy mạnh việc hồi hương người nhập cư trái phép về nước. Lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã trấn an các lãnh đạo EU rằng sẽ không có một Brexit “cứng” mà quá trình nước Anh tách khỏi EU sẽ được tiến hành thận trọng để giảm thiểu các hệ quả tiêu cực. Thủ tướng Anh cũng cam kết trong tương lai hậu Brexit nước Anh sẽ vẫn là một “đối tác tin cậy và thân thiết” của EU./.