TCCSĐT - Ngày 27-9-2016, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về việc khảo sát xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2016 trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thực hiện điều tra xã hội học xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước theo kế hoạch liên tịch giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Bởi vậy, thời gian qua Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực hoàn thiện thể chế về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hằng năm ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính... làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và của địa phương. Tuy nhiên, để có kết quả bảo đảm tính khách quan, các cơ quan chức năng của Thành phố đã triển khai nghiêm túc, đúng yêu cầu, kế hoạch đề ra, nhất là phải thể hiện tính trung thực, hướng dẫn người dân tổ chức điền phiếu rõ ràng, cụ thể trong việc điều tra.

Từ ngày 25-4-2016 đến ngày 22-9-2016 đã có 2.726 lượt người tham gia đánh giá trên hệ thống và hơn 30.000 lượt khảo sát do Viện nghiên cứu phát triển thành phố thực hiện thông qua điện thoại và trực tiếp, tỷ lệ hài lòng đạt 94%, tỷ lệ không hài lòng là 5,92%. Kết quả khảo sát của Thành phố về sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công cho thấy: Tỷ lệ hài lòng đạt khoảng 94% (bao gồm hài lòng 50,92% và bình thường 43,39%), tỷ lệ không hài lòng chiếm khoảng 5,92%. Đáng chú ý, với 8 thủ tục hành chính mà Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân được thể hiện qua kết quả như: cấp chứng thực (88,2%), cấp giấy khai sinh (87,8%), cấp giấy đăng ký kết hôn (85,8%), cấp chứng minh thư nhân dân (85,7%), cấp giấy chứng nhận sử dụng đất (80,2%) và cấp giấy phép xây dựng nhà ở (72,9%).

Cũng theo đồng chí Trương Văn Lắm, điều được dư luận đánh giá cao nữa đó là, trong thời gian gần đây, khi việc xử lý những hồ sơ giải quyết quá hạn đã được lãnh đạo các cơ quan chức năng gửi thư xin lỗi đến người dân, theo đó trong thư có nêu rõ nguyên nhân quá hẹn, hẹn ngày trả kết quả và số lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai, thuế.

Cùng với việc đánh giá cao vai trò của công tác này, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ khảo sát cả sự không hài lòng của người dân khi bị trả hồ sơ trả lần hai và trả hồ sơ tại nhà cho người dân, chi phí thành phố sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, vấn đề trước mắt là để người dân hài lòng đòi hỏi cán bộ cơ quan hành chính phải đặt mình vào vị trí người dân; đồng thời nâng cao kỹ năng tiếp dân, bởi đây là yếu tố rất quan trọng, nếu cán bộ tự tin, nhẹ nhàng lắng nghe, từ đó giải thích thấu đáo, hướng dẫn tận tình thì luôn dành được tình cảm của người dân, hóa giải được những bức xúc không đáng có đến từ người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực và cách thức sáng tạo để thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân từ năm 2006, chính điều này đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp trong việc thay đổi cách thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, bởi sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, chính là thước đo của chương trình cải cách hành chính qua 10 năm thực hiện ở Thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, triều đại nào phát triển phồn thịnh, thì triều đình đó chắc chắn đã kiểm soát được sự hài lòng, đồng lòng và tin tưởng của người dân, đó chính là bài học biết được sự hài lòng của người dân để điều chỉnh là rất quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, đối với lĩnh vực cải cách hành chính, việc xác định mức độ hài lòng của người dân là hết sức quan trọng. Vì thế, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung lựa chọn một cách làm cho thống nhất với định hướng như: Thành phố quản lý chung, lãnh đạo các sở, quận, huyện có trách nhiệm thực hiện theo đặc thù riêng; tăng cường việc sử dụng kết quả để điều chỉnh quy trình hành chính; nâng cao năng lực cán bộ và tính hợp lý của các dịch vụ công theo quy trình ba khâu: Xác định thực trạng - khắc phục hạn chế - công bố công khai./.