TCCS - Nằm ở cực Tây Tổ quốc, Kiên Giang có diện tích 634.613 ha, có biên giới đất liền với Vương quốc Cam-pu-chia dài 56km. Toàn tỉnh có gần 1,7 triệu người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và Hoa chiếm 14,55%. Từ những đặc điểm trên, việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến từng thôn ấp, mỗi người dân là rất khó khăn...

Nhiệm vụ đặt ra và thành tựu đạt được

Với nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ rất quan trọng, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, những năm qua Tỉnh ủy Kiên Giang hoạch định chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, tạo động lực, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận là vận động mọi người dân không để sót một người dân nào góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã đề ra chương trình chỉ đạo chuyên đề về công tác dân vận và tăng cường đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên được củng cố, không ngừng lớn mạnh về tổ chức và số lượng đoàn viên, hội viên không ngừng tăng, từ chỗ còn nhiều ấp trắng không có đoàn thể, đến nay 100% số ấp, khu phố, trên 80% “tổ nhân dân tự quản” có tổ chức đoàn thể. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, phát triển 182.956 đoàn viên, hội viên, nâng tổng số lên 592.588 người, đạt 57,7% so với đối tượng; chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, số chi đoàn, chi hội hoạt động khá đạt 73% trở lên.

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức, tập trung hướng mạnh về cơ sở; xây dựng nhiều phong trào và mô hình hoạt động có hiệu quả, tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Từ năm 2006, chú ý bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm... cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; tích cực vận động nhân dân tham gia các công trình giao thông nông thôn; hỗ trợ cất nhà, sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, hội viên và người nghèo. Thông qua các phong trào, vận động được 50,601 tỉ đồng gây Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ cất mới 6.615 căn, sửa chữa 326 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.

Qua các cuộc vận động, nhiều phong trào phát triển sôi nổi trong nhân dân: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”, “Ngày vì người nghèo”, “Phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện”, “Phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì chủ quyền biên giới quốc gia”... Các phong trào đã lôi cuốn hàng vạn quần chúng tham gia, khơi dậy các nguồn lực xã hội trong nhân dân. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, kinh tế của tỉnh luôn phát triển ổn định và tăng trưởng khá, năm 2008 tăng 12,2% (9 tháng đầu năm 2009 tăng trưởng 9,67%, trong đó nông lâm thủy sản tăng 5,64%, công nghiệp xây dựng tăng 48%, dịch vụ tăng 16,82%); tổng sản phẩm GDP tăng từ 8,45% (năm 2000) lên 12,6% (năm 2008). Nông nghiệp phát triển toàn diện, sản lượng lương thực tăng từ 2,1 triệu tấn (năm 2000) lên 3,4 triệu tấn (năm 2008). Đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 4,6 triệu đồng (năm 2000) lên 14,2 triệu đồng (năm 2008). Hộ nghèo giảm từ 10,12% (năm 2000) xuống còn 7,45% (năm 2008). Có 24/42 xã rút khỏi danh sách các xã thuộc chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Dân trí, đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh thành tựu đạt được, công tác dân vận trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, nhất là vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, các ngành nhận thức chưa đúng và đầy đủ về công tác dân vận.

Lực lượng làm công tác dân vận còn thiếu về số lượng, yếu về nội dung, phương thức hoạt động, trình độ chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. Sự phối hợp giữa Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từng lúc, từng nơi còn chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, tổ chức thực hiện công tác dân vận theo Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ chuyển biến chưa nhiều. Các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận, các đoàn thể quần chúng chưa đi vào chiều sâu, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; việc phát triển đoàn viên, hội viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số).

Những bài học kinh nghiệm và công việc còn phải tiếp tục

Từ thực tiễn và kết quả đạt được trong công tác dân vận của tỉnh Kiên Giang những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều cơ bản vượt mức, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể. Đạt được những kết quả đó là do tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn thách thức. Đó là cơ sở vững chắc để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh. Việc quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt nhận thức sâu sắc các quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận sát với tình hình của địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra uốn nắn, rút kinh nghiệm, phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết hài hòa các lợi ích, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội... là những vấn đề quyết định thành công.

Hai là, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang luôn coi công tác cán bộ là khâu then chốt trong hoạt động dân vận. Theo đó, tỉnh đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị, quan tâm phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đội ngũ cán bộ làm chuyên trách công tác dân vận có 361 người, trong đó có 1 Thường vụ Tỉnh ủy, 15 Thường vụ Huyện ủy, 142 Thường vụ Đảng ủy xã, 106 Phó Bí thư Đảng ủy là Trưởng khối dân vận xã. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể phải chặt chẽ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện và tôn trọng, hỗ trợ tích cực các hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể. Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để nâng cao đời sống nhân dân, kịp thời giải quyết tốt các yêu cầu bức xúc chính đáng của nhân dân để nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Ba là, Mặt trận và các đoàn thể phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phù hợp với nhu cầu, sở thích nguyện vọng của quần chúng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và tín đồ các tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài... Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, chi, tổ hội và đoàn viên, hội viên.

Bốn là, luôn chú trọng công tác vận động, tranh thủ các vị chức sắc, người có uy tín, nhất là những người đứng đầu trong các tôn giáo, dân tộc. Quan tâm thường xuyên đến việc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, tạo mối quan hệ gắn bó, đồng thuận để giải quyết kịp thời yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số và tín đồ các tôn giáo, quan tâm gắn kết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp giữa lương - giáo, giữa đạo và đời, phục vụ sự phát triển toàn diện của địa phương.

Với mục tiêu làm tốt hơn nữa công tác dân vận, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nội dung giải pháp sau:

Thứ nhất, nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho công tác dân vận hoàn thành nhiệm vụ là phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thấm nhuần sâu sắc tư tưởng dân vận của Bác Hồ. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn giữa học tập và làm theo thật sự cụ thể và có hiệu quả. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2009 - 2010 để tiếp tục nhân rộng vào những năm tiếp theo.

Đến nay, đội ngũ cán bộ làm chuyên trách công tác dân vận có 361 người, trong đó có 1 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 15 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 142 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã, 106 Phó Bí thư Đảng ủy là Trưởng khối dân vận xã.

Thứ hai,
tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thực hiện tốt nhiệm vụ “Năm dân vận của chính quyền” coi đây là vấn đề rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Để đạt được yêu cầu trên, cần quan tâm xây dựng thực hiện cho được quy tắc ứng xử, trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Qua đó, góp phần thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của tỉnh nhà.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm, chăm lo củng cố xây dựng tổ chức bộ máy, quy hoạch đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ dân vận, Mặt trận, các đoàn thể, nhất là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận “vừa có tâm, vừa có tầm” để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, xem đây là nguồn nội lực quan trọng hoàn thành nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh trong những năm tới. Đồng thời chú trọng đổi mới nhận thức, trách nhiệm, về công tác dân vận của hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn quyền lợi, đời sống của nhân dân.

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng phải không ngừng phát triển đa dạng về mặt tổ chức, phong phú về nội dung phương thức hoạt động, đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của quần chúng và các giai tầng xã hội. Tập trung đẩy mạnh công tác từ thiện, nhân đạo của các tổ chức, cá nhân để chăm lo tốt hơn cho vùng nghèo, vùng khó khăn, người nghèo, lao động chưa có việc làm... phù hợp sự phát triển chung trong hoàn cảnh suy giảm kinh tế hiện nay. Tạo sự nhận thức thống nhất và đồng thuận ngày càng cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân vận, dân tộc, vun đắp, phát triển tinh thần đại đoàn kết, sẵn lòng chia sẻ để chung lưng, góp sức xây dựng quê hương Kiên Giang phát triển nhanh và bền vững./.