Thanh niên Bộ đội Biên phòng xây dựng thế trận lòng dân vững chắc bảo vệ biên cương
TCCS - Chiếm hơn 60% quân số, thanh niên Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với đặc thù địa bàn bám trụ là những vùng hẻo lánh, xa xôi, gian khổ nhất, những người lính trẻ quân hàm xanh đồng cam, cộng khổ, gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó xây dựng thế trận lòng dân vững chắc để bảo vệ biên cương.
Tình quân - dân làm hồi sinh một tộc người
Trong thế giới hiện đại, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi có tộc người Chứt, sinh sống đầu nguồn sông Ngàn Sâu, giáp hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn sống nguyên thủy trong hang đá ở thập niên 90 của thế kỷ XX. Cuộc sống du canh, du cư nơi rừng sâu, ăn thịt sống, quần hôn, đói khát, dịch bệnh hoành hành đã khiến dân tộc Chứt từng đứng trước nguy cơ diệt vong.
Người Chứt chỉ thực sự hồi sinh khi được bộ đội Đồn Biên phòng 575 phát hiện và đưa về lập bản định cư năm 2001. Từ lúc đồng bào nhìn thấy người lạ còn sợ sệt, đến khi hòa nhập được với cuộc sống của cộng đồng là cả một quá trình gian nan, đồng cam, cộng khổ với dân của người lính Biên phòng, trong đó phần nhiều là các chiến sỹ trẻ. Họ đã phải bám địa bàn nhiều năm trời, cùng sống, cùng ăn, cùng làm, cùng sinh hoạt với người dân để cầm tay chỉ việc bà con, từ những sinh hoạt tưởng chừng đơn giản nhất như thói quen biết tắm giặt, ăn chín uống sôi, nhận thức được bệnh tật không phải do "ma rừng làm tội", đến việc học chữ, biết canh tác lúa nương... Những ruộng lúa chín vàng chênh vênh trên các ngọn núi nơi người Chứt định cư ngày nay hứa hẹn một cuộc sống ấm no, chính là thành quả của tình quân dân khăng khít. Tình cảm gắn bó đó tạo nên thành lũy vững chắc bảo vệ biên cương.
Minh chứng sống động trên chỉ là một trong rất nhiều công việc những người lính trẻ Biên phòng không quản gian nan, phát huy truyền thống "tận tụy với dân". Những công việc đó không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn góp phần củng cố cơ sở chính trị ở địa bàn biên giới, hải đảo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân bảo vệ những vùng đất phên giậu của đất nước. Hình ảnh người chiến sỹ quân hàm xanh đã đi vào tiềm thức đồng bào các dân tộc vùng biên ở mọi miền Tổ quốc, gần gũi như con em ruột thịt.
Nối tiếp truyền thống
Ngay từ khi lực lượng mới được thành lập, lớp lớp thanh niên Công an nhân dân vũ trang - nay là Bộ đội Biên phòng - ba-lô trên vai, rời đồng bằng, thành phố tiến lên vùng cao biên giới, ra với biển, đảo; lập đồn, dựng trạm, bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở chính trị, giúp đỡ đồng bào ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên "lũy thép biên phòng nhân dân". Lũy thép từ sức mạnh dựa vào sức dân, tai mắt nhân dân để bảo vệ biên cương được các thế hệ đi sau không ngừng tiếp nối.
Từ năm 2001 đến 2009, Bộ đội Biên phòng mà nòng cốt là đoàn viên thanh niên, đã khám và chữa bệnh cho hơn 420 nghìn lượt người, mở gần 500 lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ và xây, sửa chữa 3.500 nhà cho các hộ nghèo, giúp dân lao động sản xuất 171 nghìn ngày công, nhận phụng dưỡng 52 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thanh niên Bộ đội Biên phòng thông qua các phong trào, như: "Đoạn đường biên thanh niên làm chủ", "Con tàu thanh niên", "Trạm kiểm soát thanh niên", đã trực tiếp tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển, phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp xâm canh, xâm cư, xâm nhập trái phép, điển hình là tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tây Ninh... Tuổi trẻ các hải đoàn, hải đội biên phòng đi đầu trong nhiệm vụ xua đuổi hàng ngàn lượt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập, khai thác trái phép hải sản; bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa hàng tỉ đồng.
Đoàn viên thanh niên ở các đội công tác biên phòng thường xuyên phải hoạt động độc lập, phân tán, điều kiện công tác sinh hoạt khó khăn, song đội ngũ "Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh", "Chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh" do các đoàn viên xung kích đảm trách ngày đêm tận tụy mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào ở những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh. Đặc biệt, trước tình hình các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào ở Tây Nguyên vượt biên trái phép, tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng ở đây bám rễ trong nhân dân, tuần tra, quản lý chặt chẽ địa bàn, giúp đồng bào khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, tham mưu và trực tiếp tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Truyền thống: "Tận tụy với dân, vì nước quên thân" chính là hành trang để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ biên phòng bám dân, bám địa bàn, kiên định đứng chân ở những vùng phức tạp, hiểm nguy, gánh vác nhiệm vụ bảo vệ biên cương khó khănnhưng cũng đầy tự hào mà đất nước, nhân dân giao phó.
Nhân lên sức trẻ bảo vệ biên cương
Có thể nói, phong trào thanh niên Bộ đội Biên phòng tiêu biểu cho ý chí, trí tuệ và trách nhiệm của tuổi trẻ, thể hiện rõ nguyện vọng vươn lên, xung kích thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Phong trào đã góp phần tạo môi trường lớn rèn luyện, giáo dục thanh niên trưởng thành về ý chí chiến đấu, kỷ luật và tác phong chính quy, đặc biệt truyền thống gắn bó keo sơn với nhân dân vùng biên giới.
Tuy nhiên, một bộ phận đoàn viên, thanh niên là hạ sỹ quan, chiến sỹ nhận thức về tình hình, nhiệm vụ còn hạn chế, còn ngại khó, ngại khổ, nên bám dân, bám địa bàn không sâu sát. Điều này có nhiều nguyên nhân, song trước hết là do hạn chế từ công tác thanh niên, nhất là việc giáo dục, rèn luyện tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, gắn bó với biên giới, với lực lượng, với đồng bào các dân tộc. Hoạt động phối hợp đoàn kết với tuổi trẻ địa phương và các lực lượng trên địa bàn ở một số tổ chức cơ sở Đoàn Thanh niên Biên phòng chưa đi vào nề nếp thường xuyên, nội dung kết nghĩa thiếu cụ thể, thiết thực, chưa trực tiếp tham gia xây dựng củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng biên giới, mới dừng lại ở hoạt động bề nổi giao lưu. Các tổ chức Đoàn Thanh niên của Bộ đội Biên phòng đóng trụ ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên còn có nơi chưa bám sát tình hình công tác và phong trào thanh niên ở cơ sở, hoạt động kém hiệu quả. Một số cấp ủy, người chỉ huy chưa đánh giá nghiêm túc vai trò, vị trí thanh niên, cũng như đầu tư đúng mức cho lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác thanh niên.
Trong bối cảnh hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm trên biên giới còn diễn biến phức tạp (nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như: vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ, tiền giả, buôn bán phụ nữ, trẻ em), công tác biên phòng trong tình hình mới càng đòi hỏi phải bám sát địa bàn, dựa vào nhân dân để trải rộng sức mạnh, nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm biên giới và tội phạm. Thanh niên là lực lượng xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ trên, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi để sức trẻ được phát huy.
Trên cơ sở vận hành đồng bộ cơ chế tiến hành công tác thanh niên trong quân đội là: "Cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo; người chỉ huy quản lý điều hành; các cơ quan chức năng tham gia chỉ đạo, hướng dẫn Đoàn Thanh niên sáng tạo tổ chức thực hiện", nội dung công tác thanh niên phải được đưa vào kế hoạch của đơn vị, đặt dưới sự điều hành chung của người chỉ huy. Tổ chức Đoàn Thanh niên hoạt động được tạo điều kiện về thời gian, vật chất, kinh phí; duy trì tốt chế độ làm việc với cán bộ đoàn, gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của thanh niên.
Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, kết nghĩa giữa thanh niên Bộ đội Biên phòng với thanh niên trên địa bàn đóng quân, tạo sự đoàn kết gắn bó, chung tay phát triển kinh tế - xã hội địa phương và bảo vệ biên giới, từ đó khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ cả nước với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Hưởng ứng đợt vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đoàn viên, thanh niên Biên phòng đóng góp gần 850 nghìn ngày công để xây dựng hơn 3.600 căn nhà đại đoàn kết và 150 công trình dân sinh ở khu vực biên giới phục vụ cho cuộc sống đồng bào các dân tộc tốt hơn. Số lượng ngày công lao động đóng góp này là nhiều nhất so với tất cả các tổ chức Đoàn Thanh niên khác trong cả nước, càng nói lên sự tri ân và nghĩa tình sâu nặng của người lính Biên phòng với nhân dân nơi mình gắn bó./.
Bình Phước chăm lo công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc  (20/04/2010)
Phát triển và giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú tại khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hải Dương  (20/04/2010)
Festival "Trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập"  (20/04/2010)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển