Tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam
Sáng 10-8, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ míttinh kỷ niệm 55 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và phát biểu tại Lễ míttinh. Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đại biểu các tổ chức quốc tế.
Trong diễn văn tại Lễ míttinh, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nêu rõ, cách đây 55 năm, ngày 10-8-1961, phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” đã mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Do đó, ngày 10-8 hằng năm đã trở thành Ngày vì nạn nhân chất độc da cam để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người; đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366kg dioxin - chất độc nhất trong các chất độc mà con người từng biết - xuống gần 25% diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Trong số này, nhiều người bị tước mất những quyền con người cơ bản nhất, trước hết là quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc; nhiều phụ nữ bị mất quyền làm mẹ; rất nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do chất dioxin. Đặc biệt, ảnh hưởng của chất dioxin có thể gây tác hại đến hệ di truyền, và thực tế là ở Việt Nam đã xuất hiện nạn nhân thế hệ thứ 4.
Tại Lễ míttinh, bà Susan Schnall, một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, bày tỏ: “Tôi đứng trước các bạn hôm nay với tư cách một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam để thừa nhận và chịu trách nhiệm cho việc chính phủ Mỹ sử dụng chất độc da cam/dioxin trên mảnh đất và người dân các bạn...
Chúng tôi phải có trách nhiệm đối với những người chúng tôi đã làm tổn thương, đối với những người đã bị tổn thương bởi những người nhân danh chúng tôi - đó là phải chữa lành cho những người bị ảnh hưởng”.
Thay mặt các cựu chiến binh Mỹ, bà Susan Schnall, hiện là Chủ tịch Chi hội thành phố New York (Hoa Kỳ) của Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình, thành viên ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ, gửi đến các nạn nhân da cam lời xin lỗi: “Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi xin lỗi về sự hủy diệt và tàn phá khủng khiếp đã gây ra đối với đất nước và người dân các bạn... Chúng tôi cam kết sẽ hành động cùng các bạn, hướng tới khắc phục hậu quả lâu dài của cuộc chiến này, làm sạch các vùng đất bị ô nhiễm mà chúng tôi đã bỏ lại phía sau và chữa lành vết thương cho con người”.
Phát biểu tại Lễ míttinh, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và chia sẻ nỗi đau mà các nạn nhân da cam phải chịu đựng; mong muốn các nạn nhân da cam luôn có được niềm vui trong cuộc đời, niềm tin vào cuộc sống.
Chủ tịch nước nêu rõ, hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Chất độc da cam đã tác động xấu, lâu dài tới môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết hoặc đang vật lộn với khổ đau, bệnh tật hiểm nghèo.
Đặc biệt, tác hại của chất độc da cam đối với sức khỏe con người có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Đây không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam, mà còn là nỗi đau của nhân loại tiến bộ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam.
Hằng năm, Nhà nước đã dành ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam do Chính phủ ban hành đã được lồng ghép với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.
Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khó khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân” và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cao cả, đầy tình thương và trách nhiệm trong việc chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam.
Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, đóng góp về vật chất, tinh thần và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chỉ rõ, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Làm tốt công tác này không những củng cố sự đồng thuận về tư tưởng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, mà còn tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, hợp tác phát triển, tiến bộ xã hội, vì “một thế giới xanh”, không có vũ khí hóa học.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết hậu quả chất độc da cam; đa dạng hóa, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng hành động cụ thể với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất.
Cùng với đó là việc chú trọng xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở khám chữa bệnh, giải độc, phục hồi chức năng, chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, các cơ sở tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán trước sinh ở các vùng bị ô nhiễm chất độc hóa học; quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nạn nhân chất độc da cam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thông qua các chương trình an sinh xã hội gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam bằng những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tăng cường vận động chính giới Hoa Kỳ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện, nhân đạo, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tích cực tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt phương châm hành động “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các cá nhân và tổ chức quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và làm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất cứ đâu trên thế giới trong tương lai.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Tại Lễ míttinh, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động Chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” lần thứ 8 qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 từ ngày 10-8 đến ngày 30-9.
Đồng bào, chiến sỹ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bằng tin nhắn DACAM gửi đến đầu số 1409./.
Thủ tướng: Quảng Ngãi cần tăng cường cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư  (10/08/2016)
Chủ tịch nước: Việt Nam - Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế  (10/08/2016)
Khi nước Mỹ chọn vị tổng thống thứ 45  (10/08/2016)
Đồng Tháp: Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận  (10/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên