TCCSĐT - Thái Nguyên nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020, Đại nhạc hội “Cùng hòa nhịp để làm sạch biển” tại Thanh Hóa và Sóc Trăng hưởng ứng chiến dịch làm sạch biển, là các hoạt động thiết thực trong Tháng hành động vì môi trường 2016.

Thái Nguyên nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu: 100% các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các dự án đầu tư thứ cấp thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về môi trường theo quy định và hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu trước khi thu hút các dự án đầu tư, kiểm soát chặt chẽ chất thải nguy hại; 100% các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phải thực hiện các quy định về cải tạo phục hồi môi trường, giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số khu vực xung quanh bãi thải, các mỏ khai thác lộ thiên và các cơ sở chế biến khoáng sản; tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các khu vực đô thị, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm lưu vực sông Cầu; hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay, giảm phát sinh mới các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xử lý rác thải liên vùng theo quy mô công nghiệp, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và khu Tây thành phố Thái Nguyên; lập mới quy hoạch vùng chăn nuôi, cụm làng nghề, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tỉnh huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, đô thị, nông thôn, làng nghề, lưu vực sông Cầu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt trạm quan trắc tự động, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp đã có tỷ lệ lấp đầy cao; tổ chức rà soát, đánh giá và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu đông dân cư vào các khu, cụm công nghiệp, duy trì thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ, quan trắc đột xuất nguồn thải, từng bước tự động hóa hoạt động quan trắc môi trường xung quanh tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao. Các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế, chất thải nguy hại, kiên quyết ngăn chặn việc chuyển giao các công nghệ, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu, phế liệu nhập khẩu, chất thải gây ô nhiễm môi trường vào địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên, thực hiện dự án xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, cải tạo nạo vét suối Cốc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên...

Bà Trần Thị Minh Hương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015, hiện công tác bảo vệ môi trường ở Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đã được đầu tư khá đồng bộ, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Sông Công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng... Tỉnh đã lắp đặt 2 Trạm quan trắc nước tự động trên sông Cầu và Hồ Núi Cốc, thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vốn xây dựng 7 dự án xử lý rác thải, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình xử lý chất thải. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng một số mô hình công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, như công nghệ xử lý chất thải y tế của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, công nghệ saibon để xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ xử lý khí thải lò gạch thủ công để thay thế lò gạch thủ công truyền thống... Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực với tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85%, 62% hộ gia đình có nhà tiêu đạt chuẩn, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom tại khu vực nông thôn đạt 60%, ô nhiễm môi trường tại khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp, khu khai thác khoáng sản đang dần được khắc phục, tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở các đô thị được thu gom, xử lý đạt 93%...

Tuy vậy, trên thực tế, công tác bảo vệ môi trường ở Thái Nguyên hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần phải giải quyết triệt để như: vẫn còn một số cơ sở sản xuất cũ công nghệ lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư thiếu quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh môi trường, chưa xây dựng được khu tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp, dẫn đến tình trạng một số nơi đổ thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; lưu vực sông Cầu vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do tiếp nhận nước thải chưa được xử lý từ nhiều cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu tập trung dân cư nông thôn...

Đại nhạc hội “Cùng hòa nhịp để làm sạch biển”

Tối 18-6, tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức chương trình Đại nhạc hội “Cùng hòa nhịp để làm sạch biển”.

Đây là một trong nhiều hoạt động thuộc chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò của biển đối với đời sống con người, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển. Đồng thời hỗ trợ, động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh ven biển Việt Nam tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế.

Chương trình với những tiết mục hướng về biển cả và môi trường sống được trình diễn bởi các nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng như: Thu Minh, Uyên Phương, Trọng Tấn, Tạ Quang Thắng... Bên cạnh đó, khán giả còn chứng kiến những câu chuyện bằng hình ảnh sống động về các cung bậc cảm xúc khác nhau của biển; dõi theo những vùng đất mà ở đó con người phải bới rác để tìm kiếm thức ăn và cả những người mang trong mình bệnh tật vì sống trong môi trường ngập ngụa rác thải…

Trong khuôn khổ chương trình, sáng 19-6, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ ra quân cấp toàn quốc chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với các hoạt động thu gom rác thải, dọn sạch bờ biển, trao tặng quà, lắp đặt các thùng rác phân loại... tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Sóc Trăng: Hưởng ứng chiến dịch làm sạch biển

Ngày 19-6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng và Tỉnh đoàn Sóc Trăng phối hợp tổ chức lễ ra quân thực hiện chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2016 tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Chiến dịch thu hút 300 đoàn viên thanh niên, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh và đông đảo ngư dân, người dân ven biển tham gia.

Theo Ban tổ chức Chiến dịch của tỉnh Sóc Trăng: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác thủy, hải sản; làng nghề, khu đô thị làm môi trường ô nhiễm, gây suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên biển, ảnh hưởng đến đời sống của người dân... Hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Bộ đội Biên phòng và Tỉnh đoàn Sóc Trăng kêu gọi người dân có ý thức, trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh và sức khỏe của cộng đồng. Đây là chiến dịch tình nguyện có hiệu quả thiết thực để bảo vệ đời sống, sức khỏe nhân dân...
Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết: Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng thời gian qua đã cùng các cấp, ngành, địa phương có nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, hướng tới cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp. Bộ đội Biên phòng phối hợp vận động đoàn viên thanh niên, quần chúng nhân dân, nhất là người dân sinh sống khu vực ven biển nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường biển. Hành động cụ thể góp phần bảo vệ môi trường biển gồm có: Không xả thải dầu nhớt trên biển, không vứt rác, túi ni lông, chai nhựa ra bãi biển, không thải hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp chưa qua xử lí ra môi trường...

Tại buổi lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch "Hãy làm sạch biển", đại diện ngư dân tỉnh Sóc Trăng đã ký cam kết giữ vệ sinh môi trường và làm sạch biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng trao tặng 30 suất quà cho cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.

Sau buổi lễ, các lực lượng đoàn viên thanh niên cùng ngư dân tại Cảng Trần Đề, lực lượng Bộ bội Biên phòng tỉnh đã tham gia dọn dẹp, thu gom rác thải ở khu vực 2 bên tuyến sông ấp Cảng và khu vực cống Kinh Ba, cảng Trần Đề…/.