Bước ngoặt trong quan hệ I-ran - phương Tây
TCCSĐT - Ngay những ngày đầu năm 2016, I-ran đã là tâm điểm của dư luận quốc tế không phải do những căng thẳng trong quan hệ với phương Tây như thường thấy mà là tin tốt lành về việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống I-ran. Sự kiện quan trọng này là bước đi được tính toán thận trọng từ các bên liên quan và có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường dầu mỏ thế giới.
Xây dựng lòng tin
Việc Mỹ và EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống I-ran đã khai thông bế tắc nhiều năm nay trong việc tìm giải pháp cho hồ sơ hạt nhân của I-ran. Có thể nói đây là một kết quả có ý nghĩa, mở ra cánh cửa cuối đường hầm vốn lâu nay là ngõ cụt đối với cả hai bên.
Quyết định trên được thông qua ngày 16-01-2016, ngay sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tê-hê-ran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7-2015 giữa I-ran và Nhóm P5+1. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ G. Ke-ry thông báo, Oa-sinh-tơn đã thực thi cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân I-ran, dỡ bỏ một số lượng lớn các lệnh trừng phạt nhằm vào I-ran.
Tuy nhiên, chưa đầy một ngày sau khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của I-ran được dỡ bỏ, Mỹ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này với lý giải chương trình tên lửa đạn đạo của I-ran là một mối lo ngại lớn đối với an ninh khu vực, toàn cầu và động thái cứng rắn này là nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của I-ran. Dễ thấy, việc xây dựng lòng tin giữa hai bên mới chỉ là bắt đầu và cần có thời gian để chứng tỏ thỏa thuận lịch sử sẽ được tôn trọng và thực thi nghiêm túc.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7-2015, I-ran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế. I-ran sẽ phải giảm 2/3 số máy ly tâm được sử dụng để làm giàu urani, loại bỏ khả năng Tê-hê-ran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử. Cụ thể, trong vòng 15 năm, I-ran chỉ được phép sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu đến 3,67%. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình và mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi I-ran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Đổi lại, các nước P5+1 sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt I-ran từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.
Đôi bên có lợi
Những lợi ích với I-ran là rõ ràng. Trước hết, I-ran sẽ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới - lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Tê-hê-ran, đồng thời được phép tiếp cận khoản tiền khoảng 100 tỷ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ sẽ có cơ hội phát triển nở rộ khi được tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài. Phát biểu trước Quốc hội I-ran, Tổng thống H. Ru-ha-ni nhấn mạnh việc mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài, khoảng từ 30 - 50 tỷ USD/năm, để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sau khi lệnh cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ.
Thông tin từ I-ran cho biết, trong tháng 02-2016, nước này sẽ khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu thô sang EU với lượng dự kiến ít nhất 1 triệu thùng dầu thô loại nhẹ. Đây sẽ là chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường EU kể từ khi lệnh cấm vận dầu đối với I-ran được dỡ bỏ. Với sản lượng 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong khi xuất khẩu chỉ hơn 1 triệu thùng/ngày, I-ran từ lâu đã mong muốn chiếm lĩnh lại thị trường tiêu thụ dầu mỏ của châu Âu, nơi mà nước này từng thống trị trước khi lệnh trừng phạt phương Tây được áp dựng hồi năm 2012.
Không chỉ riêng I-ran có lợi, đây cũng là cơ hội kinh doanh cho các nước phương Tây với thị trường 78 triệu dân bị phong tỏa nhiều năm và là quốc gia có nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào này. Lãnh đạo và doanh nghiệp các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp ngay lập tức đã có các động thái khởi động tái lập quan hệ và thực hiện các chuyến thăm tới I-ran nhằm nhanh chân ký kết các hợp đồng và thỏa thuận hợp tác.
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc lại “ngư ông đắc lợi” và nhanh chân hơn cả. Chuyến thăm tới I-ran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23-01 có sự tháp tùng của hơn 100 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty năng lượng nhà nước. Ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Tê-hê-ran sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong 14 năm qua của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới I-ran. Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống H. Ru-ha-ni thông báo hai nước đã nhất trí gia tăng kim ngạch thương mại lên 600 tỷ USD trong 10 năm tới. Cũng trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh tìm kiếm “mối quan hệ chiến lược với I-ran trong bối cảnh trong 6 năm liên tiếp gần đây, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của I-ran.
Tính toán nước lớn
Lệnh cấm vận I-ran được dỡ bỏ, điều đó có nghĩa là dầu mỏ, mặt hàng chủ lực và luôn dư thừa của quốc gia này sẽ được xuất khẩu tới những thị trường tiềm năng, trong đó có châu Âu. Sự kiện này lập tức gây chấn động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu, khiến giá dầu tiếp tục đi xuống do nguồn cung dư thừa. Điều này đương nhiên có lợi cho thị trường nhập khẩu dầu mỏ nhưng sẽ gây hệ lụy không nhỏ tới các quốc gia lấy xuất khẩu dầu mỏ làm nguồn thu chính.
Trường hợp Vê-nê-xuê-la là nhãn tiền. Ngày 20-01, Vê-nê-xuê-la, quốc gia xuất khẩu dầu thứ 5 thế giới, đã kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) họp bàn “cứu” giá dầu trong bối cảnh giá dầu xuất khẩu của Vê-nê-xuê-la chỉ ở mức 21 USD/thùng, chạm “đáy” của 12 năm qua. Mức giá này không đủ để bù cho chi phí sản xuất khiến cho nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng khi tình trạng khan hiếm lương thực và nhu yếu phẩm, cũng như tỷ lệ lạm phát cao. Hiện dầu khí chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vê-nê-xuê-la và giá dầu lao dốc trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại tệ của Vê-nê-xuê-la chỉ còn gần 15 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Còn đối với Nga, việc I-ran xuất khẩu trở lại tới thị trường châu Âu sẽ làm giảm lượng mua dầu mỏ từ Nga của các nhà máy lọc dầu châu Âu vì các cơ sở của họ được thiết kế để sử dụng dạng dầu thô như của I-ran. Như vậy, không chỉ có việc châu Âu được đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, Mỹ đã đạt được mục tiêu làm suy yếu hai nền kinh tế vốn ít nhiều có căng thẳng với Oa-sinh-tơn là Vê-nê-xuê-la và Nga bằng nước đi ngoạn mục là dỡ bỏ cấm vận để I-ran tái xuất dầu mỏ.
Trong nước đi này của Mỹ, Trung Quốc có vẻ như bị lỡ nhịp. Trước đó, ngày 6-01-2016, truyền thông quốc tế đưa tin I-ran và Trung Quốc thảo luận thiết lập cơ chế thanh toán bằng đồng NDT và cơ chế này được chính thức khởi động trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 23-01. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc bán cho I-ran cũng như dầu mỏ I-ran xuất sang thị trường Trung Quốc sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Nội dung mấu chốt của cơ chế là đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ mạnh hơn so với đồng USD trong thanh toán giữa hai nước và I-ran cũng tránh được những hạn chế do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tê-hê-ran gây ra. Theo truyền thông I-ran, Trung Quốc hiện còn nợ quốc gia Trung Đông này 20 tỷ USD tiền mua dầu mỏ và do các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng đối với I-ran nên Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tiền cho Tê-hê-ran. Vì vậy, Bắc Kinh cũng như Tê-he-ran mong muốn khởi động cơ chế này để giải quyết một phần số tiền nợ và một phần thông qua các khoản hỗ trợ cho các dự án phát triển hóa dầu của I-ran. Tuy nhiên, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Tê-hê-ran được dỡ bỏ, I-ran sẽ không còn mặn mà với cơ chế thanh toán này như trước do cơn khát về tài chính đã phần nào được vơi bớt bởi các khoản tín dụng đã không còn bị phong tỏa. Nội dung thảo luận trong chuyến thăm I-ran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua cũng không loan báo về việc xác lập cơ chế thanh toán này như dự kiến. Khó có thể nói việc lỡ nhịp này không nằm trong tính toán của Oa-sinh-tơn vốn không hề muốn Bắc Kinh gây ảnh hưởng với các quốc gia Trung Đông, trong đó có I-ran.
Ngay cả đối với I-ran, việc giá dầu tụt dốc cũng sẽ tác động trở lại tới nguồn thu từ “vàng đen” của quốc gia này. I-ran cũng sẽ sớm phải cân đối giữa việc không thể xuất khẩu trước đây với việc xuất khẩu nhiều mà giá lại rẻ gây thâm hụt nguồn thu. Chưa kể đến việc một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với I-ran sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ là việc các đối tác của quốc gia Trung Đông này vẫn quan ngại về nguy cơ I-ran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm hiệp ước hạt nhân, điều không phải là chưa có tiền lệ./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 1-2 đến ngày 7-2-2016)  (11/02/2016)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran  (11/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự họp mặt đầu Xuân Bính Thân của Ban Liên lạc tù binh Việt Nam  (11/02/2016)
Tưng bừng các hoạt động lễ hội đầu xuân  (11/02/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích K9  (11/02/2016)
Ông Ban Ki-moon: IS đang vươn vòi bạch tuộc tới Nam Á  (10/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay