Tưng bừng các hoạt động lễ hội đầu xuân

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
21:07, ngày 11-02-2016
TCCSĐT - Trong tiết trời ấm áp, hòa chung không khí tưng bừng mừng Đảng, mừng Xuân, ngày 11-02-2016 (tức mùng 4 Tết Bính Thân), tại nhiều nơi trên cả nước đã diễn ra nhiều Lễ hội đặc sắc nhân dịp đầu Xuân Bính Thân năm 2016.
** Đi chùa lễ phật đầu năm là nét văn hóa của người Việt Nam, mọi người đến chùa cầu nguyện năm mới an lành sức khỏe, công việc hanh thông, cầu gia đình an khang thịnh vượng, tại xã Phật Tích - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh, hôm nay hàng vạn du khách thập phương tấp nập về chùa Phật Tích dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn. Đây là một trong những lễ hội diễn ra với quy mô lớn, sớm nhất tỉnh Bắc Ninh. Việc tổ chức lễ hội nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân địa phương về di sản văn hóa; đồng thời cổ vũ động viên nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Hội Phật Tích đã tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, gắn liền với ngôi chùa Phật Tích có bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh, nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam với câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp tiên.

Theo huyền thoại: Xưa kia, vùng núi Phật Tích và vườn chùa Phật Tích trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mỗi khi xuân về hoa mẫu đơn nở đỏ rực cả một góc trời. Khắp nơi, người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa vãn cảnh chùa. Trên trời, nàng tiên Giáng Hương thấy cảnh trần gian tuyệt đẹp, đã xin giáng trần dự hội chùa. Nhưng vô tình nàng đánh gãy một cành hoa mẫu đơn giữa cửa chùa, nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức bèn cởi áo khoác xin chuộc tội cho nàng. Cảm động với nghĩa cử cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời hò hẹn với chàng và đã mời chàng về chốn “bồng lai” xin kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện tình thơ mộng “Từ Thức gặp tiên” đã sống mãi với lễ hội Khán hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích.

Chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc Tự, là nơi các nhà sư từ Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo phật vào nước ta rồi xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời Lý, chùa Phật Tích được xây dựng thành đại danh lam thắng cảnh và tiếp tục được trùng tu tôn tạo phục vụ các vua đến tham quan, ngắm cảnh. Tuy nhiên đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giặc pháp chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một số di vật, cổ vật có giá trị như bia đá, vườn tháp, hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến ngày 31-12-2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

** Tại di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duy Nhất đã tổ chức Khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016, đồng thời khai chỉ mở cửa đền Thánh năm 2016. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng Chùa; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của di tích cho du khách thập phương; xây dựng ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội mùa Thu (lễ hội chính), từ ngày 13 đến ngày 15-9 (âm lịch). Hội chùa Keo mùa Xuân 2016 diễn ra trong vòng 01 ngày (11-02). Các hoạt động tế lễ vẫn được Ban trị sự chùa Keo thực hiện trong nhiều ngày sau nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái đầu năm của du khách, tăng ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hội xuân chùa Keo năm 2016 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng như: Nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; Thi chạy việt dã; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.

Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự), gồm 2 cụm kiến trúc: Chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng Chùa. Thiền sư Dương Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nối đời làm nghề đánh cá. Năm 29 tuổi ông đi tu. Năm 1060, ông sang Tây Trúc tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tiền thân của chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Do đã từng chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Thánh Tông nên ông được Vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Năm 1632, chùa được xây dựng lại. Trải qua gần 400 năm, đến nay chùa Keo vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc, cấu trúc độc đáo, đặc sắc có từ thế kỷ 17. Tổng thể chùa Keo hiện có 17 công trình với 128 gian. Nổi bật trong khuôn viên chùa Keo là những công trình kiến trúc như: Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, tòa giải vũ, khu tăng xá, vườn tháp…

** Tại Văn Miếu Xích Đằng thuộc quần thể khu di tích Phố Hiến, nơi ghi danh truyền thống hiếu học của tỉnh Hưng Yên, Ban quản lý di tích phối hợp với thành phố Hưng Yên tổ chức lễ dâng hương, khai mạc triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ đầu xuân và vinh danh học sinh giỏi thành phố.

Cho chữ đầu năm là hoạt động mang nhiều ý nghĩa trong ngày xuân diễn ra tại Văn miếu Xích Đằng từ nhiều năm nay. Tham gia triển lãm thư pháp và cho chữ đầu xuân năm nay là các thư pháp gia của Hội Hán Nôm huyện Văn Lâm, câu lạc bộ Hán Nôm thành phố Hưng Yên và huyện Yên Mỹ. Ban tổ chức cũng đã trưng bày hàng chục bức thư pháp của các thư pháp gia đến từ Hà Nội và các Câu lạc bộ Hán Nôm ở Hưng Yên, giúp người xem tìm hiểu về ý nghĩa, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân dịp này, thành phố Hưng Yên đã tổ chức lễ dâng hương báo công thành tích học tập, trao giấy chứng nhận cho gần 200 học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2014 - 2015.

Cũng tại Văn Miếu đã diễn ra chương trình hát ca trù do câu lạc bộ ca trù Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, thể hiện. Các nghệ nhân đã biểu diễn những bài hát về Khổng Tử, Chu Văn An và các bài mừng Đảng, mừng xuân. Đây là các ca nương và kép đàn vừa mới được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Từ nhiều năm nay, khi Tết đến, hát ca trù được tái hiện như một nét đẹp sống lại trong ngày Hội Xuân ở Hưng Yên, khôi phục loại hình nghệ thuật này để mãi là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể. Ngay trong ngày đầu khai mạc, hàng nghìn lượt người dân và du khách đã đến tham gia. Chương trình diễn ra đến hết ngày mùng 5 Tết.

** Tại Kon Tum, trên dòng sông Đăk Bla hàng nghìn người dân địa phương cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước đã đến xem, cổ vũ cho Giải đua thuyền độc mộc truyền thống chào Xuân Bính Thân 2016. Đây là hoạt động do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức hàng năm, mừng Đảng, mừng Xuân mới 2016. Giải đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đắc Bla có gần 100 vận động viên thi đấu trên 40 thuyền độc mộc đến từ 8 xã, phường sống quanh bờ sông Đăk Bla. Các vận động viên tham gia thi đấu ở 3 nội dung gồm 100m (1 tay chèo), 200m và 1500m (2 tay chèo). Theo đánh giá của Ban Tổ chức, năm nay do lượng nước trên sông Đắc Bla xuống thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuyên môn và chiến thuật thi đấu của các đội, nhất là tại các khu vực nước nông, cạn. Đây là giải đua được tổ chức hàng năm, nhiều đội thuyền đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, do đó kết quả đạt được rất cao. Kết quả chung cuộc, đội thuyền độc mộc xã Sa Bình giành giải Nhất toàn đoàn, đội thuyền xã Đăk Rơ Wa giành giải Nhì và đội thuyền xã K’roong giành giải Ba.

Đua thuyền độc mộc là môn thể thao độc đáo được tổ chức đầu Xuân hàng năm trên dòng Đăk Bla. Thuyền độc mộc do người dân tộc (chủ yếu là người Ba Na) sinh sống dọc bờ sông Đăk Bla chế tác từ thân các cây cổ thụ được tìm kiếm khá công phu. Mỗi thuyền thường có chiều dài từ 3-5m, chiều rộng từ 50-80cm, thường được người dân dùng để đi lại và đánh bắt thủy sản trên các con sông chính ở Kon Tum.

** Tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ IX năm 2016 cũng đã được tổ chức trên hồ Sen tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Tham dự Lễ hội đua thuyền có 28 thuyền đến từ 2 xã Bình Hòa, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp của huyện Krông Ana. Sau hơn một buổi đua tranh quyết liệt, hào hứng, thuyền đua đội số 3 thôn 2 của xã Quảng Điền đã xuất sắc giành Cúp vô địch, xếp thứ nhì thuộc về thuyền đua thôn 6 và thứ 3 thuyền đua thôn 1 của xã Bình Hòa. Lễ hội đua thuyền đã có từ lâu đời của cư dân vùng sông nước Quảng Nam và thường được tổ chức vào các dịp lễ, Tết. Khi vào lập nghiệp tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk), những người dân vùng sông nước Quảng Nam đã mang theo lễ hội đua thuyền. Hàng chục năm nay, cứ vào dịp đầu Xuân, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ hội đua thuyền, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, khởi đầu năm mới cho đồng bào địa phương.

** Tại tỉnh Đồng Nai tổ chức giải đua thuyền truyền thống mở rộng trên sông Đồng Nai, mừng Đảng mừng Xuân Bính Thân 2016. Giải đua thuyền truyền thống mở rộng năm nay quy tụ 11 đội với hơn 200 tay chèo đến từ tỉnh Đồng Nai và Bình Dương tranh tài ở hai nội dung gồm cự ly 500m và 1000m. Kết quả đội đua Long Hưng (Đồng Nai) giành giải Nhất cự ly 500m; đội đua An Hòa 2 (Đồng Nai) giành giải Nhất cự ly 1000m. Ban tổ chức giải đua thuyền cho biết: Giải đua thuyền truyền thống diễn ra thường niên trên sông Đồng Nai vào ngày mùng 4 Tết. Giải đua mang ý nghĩa sâu sắc và nhân văn, kế thừa truyền thống và giữ gìn nét đẹp văn hoá qua nhiều thế hệ, nâng cao tinh thần, rèn luyện sức khoẻ cho những người làm nghề đánh bắt, mưu sinh trên sông.

Nhân dịp này, người dân còn được chứng kiến các màn biểu diễn của Câu lạc bộ máy bay mô hình Đồng Nai tham gia biểu diễn ngay khu vực diễn ra giải đua thuyền. Hơn 10 chiếc máy bay mô hình gồm trực thăng, máy bay thương mại, báy bay chiến đấu cùng các mô hình bay flycam cùng biểu diễn nhào lộn, mang theo các dải băng chữ “Chúc mừng năm mới”, “Mừng Đảng mừng Xuân”.

** Tại Bảo tàng Quốc gia đặc biệt Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lãnh đạo tỉnh Bình Định và huyện Tây Sơn đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 227 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2016). Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến, bách thắng của Hoàng đế Quang Trung, vị chỉ huy quân sự thiên tài đã làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa, đánh bại 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

Phát huy truyền thống của quê hương Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong những năm qua, nhất là năm 2015 tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và đã đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống đại bộ phận người dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, bước vào năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết lần thứ 19 của tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), tỉnh Bình Định tiếp tục phấn đấu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,5%; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng Bình Định thành một tỉnh phát triển khá ở khu vực miền Trung.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng địa phương đã dâng hương, dâng hoa tại trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung; Đền thờ Tam Kiệt Bảo tàng Quang Trung; dâng hương, dâng hoa tại Đàn tế trời đất và Nhà lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Tây Sơn. Sau lễ kỷ niệm, các đoàn nghệ thuật của tỉnh liên tục biểu diễn các vở tuồng cổ, ca ngợi phong trào Tây Sơn và Nguyễn Huệ bằng các loại hình dân ca bài Chòi, hát Bội. Các hoạt động khác cũng được tổ chức, như thi đấu võ thuật, thi đánh hội bài chòi cổ dân gian và triển lãm ảnh nghệ thuật… để phục vụ du khách đến tham quan.

** Một phiên chợ Tết quê với những gánh hàng hoa, những phu kéo xe, những hàng quán đặc trưng nét văn hóa của Hà Nội ở thế kỷ trước đang được tái hiện một cách sinh động tại khu đô thị Ecopark (Hà Nội). Phiên chợ Tết quê là một hoạt động nằm trong ‘Lễ hội hoa Xuân’ diễn ra từ mùng 3 đến mùng 7 Tết (tức từ 10 đến ngày 14-02 Dương lịch). Tại đây các du khách sẽ được hòa vào trong một không gian chợ Tết quê với những gánh hàng hoa, những cô hàng xén mớ ba mớ bảy bên mái nhà tranh. Con đường cũng được phủ đầy rơm khiến không gian càng thêm sinh động. Những cô hàng hoa mớ ba mớ bảy cười rạng rỡ mỗi khi có khách đến mua hàng. Các mặt hàng bày bán tại chợ rất phong phú và dân dã từ rau, củ, quả cho đến những con tò he, những món đồ chơi xinh xắn. Có đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết với mưa xuân bay lất phất và dòng người xúng xính áo quần đi chơi. Chợ quê ngày Tết là nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những phiên chợ quê ngày Tết như thế đối với người thành phố tưởng như chỉ là kí ức xa xôi thế nhưng giữa Thủ đô, phiên chợ quê truyền thống được tái hiện một cách sinh động. Những ngày Tết được sống trong không khí lễ hội ấm cúng của mùa xuân với đào, quất và một phiên chợ quê khiến nhiều người nao nao và thấy lòng ấm lại. Chính vì thế mà nhiều gia đình lựa chọn nơi đây để đến chơi trong dịp nghỉ Tết.

** Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” đã thu hút nhiều người đến tham quan và xin chữ, đặc biệt là giới trẻ Thủ đô. Hội chữ Xuân Bính Thân được tổ chức tại khuôn viên hồ Văn thuộc Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Các điểm xin chữ được bố trí xung quanh hồ Văn và đều có một khoảng rộng bày bút, câu đối để tạo điều kiện thuận lợi cho chữ cùng với nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện dấu ấn riêng của từng "ông đồ" - những thư pháp gia. Khách tham quan có thể dễ dàng quan sát dấu ấn riêng của từng thư pháp gia được thể hiện qua những nét chữ "phượng múa, rồng bay."

Hội chữ Xuân còn là nơi cho các bạn trẻ đến giao lưu, học hỏi, tìm lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Một Năm mới đang đến, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người thân trong gia đình và bạn bè mình. Những nét chữ "rồng bay, phượng múa" với ý nghĩa sâu sắc trên nền giấy đỏ mang đến không khí Tết ấm áp, rộn ràng trong mỗi nhà cũng không nằm ngoài những mong muốn ấy. "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua." Hình ảnh ông đồ ngồi cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bên cạnh việc thưởng thức các lễ hội đầu năm thì trong những ngày diễn ra lễ hội, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, lực lượng quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên mở các đợt thanh, kiểm tra đột xuất nhằm kiểm soát giá cả, an toàn thực phẩm tại lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trước, trong và sau lễ hội được chính quyền các cấp quan tâm, có kế hoạch thực hiện chu đáo. Công tác phòng chống cháy nổ đảm bảo an toàn cho du khách, khuôn viên di tích, khu nội tự được Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm./.