TCCSĐT - Ngành Khí tượng Thủy văn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Đầu tư cho ngành Khí tượng Thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc cần phải xây dựng chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020 và những năm tiếp theo đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020, ngành phấn đấu đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xác định mục tiêu cụ thể

Theo ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến năm 2020, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc, đồng thời tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa, bảo đảm theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo khí tượng thủy văn theo phương pháp tiên tiến và các nhu cầu khác. Cần hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn, số liệu khí tượng thủy văn, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành. Bảo đảm dự báo thời tiết hàng ngày đạt độ chính xác 80% - 85%, tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2-3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80% - 85%, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn 10 ngày, một tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước; đa dạng hóa các sản phẩm dự báo (dự báo khí tượng thủy văn biển hàng ngày và từ 5-7 ngày, dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn 6-12 giờ, đặc biệt là dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc, tố, vòi rồng; dự báo khí tượng thủy văn phục vụ kinh tế-xã hội).

Cùng với đó, đến năm 2020, số hóa toàn bộ tư liệu khí tượng thủy văn trên giấy, hoàn thiện ngân hàng dữ liệu khí tượng thủy văn hiện đại và gia tăng giá trị kinh tế - kỹ thuật của số liệu khí tượng thủy văn. Nâng cao vai trò thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu ứng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên thuận lợi, hạn chế những thiệt hại do các điều kiện bất lợi và biến đổi khí hậu gây ra; hình thành hệ thống dịch vụ khí tượng thủy văn chuyên dụng với sự tham gia của các bộ, địa phương và các thành phần kinh tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Xây dựng đồng bộ hệ thống

Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chúng ta đã xây dựng được Luật Khí tượng thủy văn, nhiệm vụ trong thời gian tới là cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản dưới luật và cơ chế chính sách phát triển khí tượng thủy văn, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức dịch vụ khí tượng thủy văn. Phát triển và tự động hóa hệ thống quan trắc, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo, kiện toàn hệ thống tổ chức dự báo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin khí tượng thủy văn công cộng và phòng tránh thiên tai, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội trong đó tập trung vào việc tăng cường thông tin khí tượng nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, bền vững, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Phát triển khí tượng hàng không nhằm theo dõi và dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, bảo đảm an ninh hàng không, củng cố và phát triển mạng lưới trạm quan trắc bức xạ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường ứng dụng thông tin khí tượng thủy văn trong điều hành sản xuất và phân phối điện, phát triển mạng lưới quan trắc thủy văn dùng riêng phục vụ điều hành hồ chứa, quản lý cung cấp nước, phòng ngừa lũ lụt và hạn hán.

Phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên các trục đường giao thông thủy, bộ nhằm theo dõi và kiểm tra các điều kiện khí tượng thủy văn, tăng cường dự báo phục vụ quản lý và điều hành giao thông trên các tuyến quan trọng, bảo đảm an toàn giao thông; mạng lưới đo đạc khí tượng thủy văn trên biển, thiết lập các trạm đo đạc trên các tàu biển và giàn khoan ngoài khơi phục vụ giao thông biển, khai thác dầu khí và nguồn lợi hải sản.

Tăng cường mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tại các đô thị lớn phục vụ dự báo và xử lý các vấn đề liên quan đến ngập úng, ô nhiễm không khí…phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dụng ở các địa phương theo đặc thù ở từng nơi để nâng cao năng lực theo dõi, dự báo, phòng tránh thiên tai và đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội; ứng dụng thông tin khí tượng thủy văn để ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý kỹ thuật khí tượng thủy văn.

Để giúp Việt Nam thực hiện tốt những mục tiêu và nhiệm vụ này, bà Victoria KwaKwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cam kết trong những năm tới, WB sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ và Việt Nam một cách hiệu quả, chặt chẽ nhằm từng bước hiện đại hoá hệ thống khí tượng thủy văn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Đề xuất giải pháp phát triển

Để cụ thể hóa Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2020 và thực thi Luật Khí tượng thủy văn (có hiệu lực từ ngày 01-7-2016), ngành Khí tượng thủy văn cần xây dựng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, để xây dựng thành công chiến lược này, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đồng thời tăng cường vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc thể hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các điều khoản quốc tế cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Đề cập đến những giải pháp trọng tâm, cụ thể đối với Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020, ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành khí tượng thủy văn nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức, gắn với các giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành khí tượng thủy văn; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước ngành khí tượng thủy văn phù hợp với sự phát triển công nghệ, thương mại hóa, xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn; tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra thực thi các quy định của Nhà nước trong các hoạt động khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Tổ chức hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn theo hướng thương mại hóa và xã hội hóa trong đó tổ chức, sắp xếp hoạt động dịch vụ ở các đơn vị nghiệp vụ nhằm thống nhất việc cung cấp dịch vụ khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương theo hướng thương mại hóa, xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về khí tượng thủy văn, như việc tăng cường các ứng dụng công nghệ hiện đại về dự báo, đo đạc, chỉnh lý dữ liệu, tính toán khí tượng thủy văn; đánh giá tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu; tích cực tham gia nghiên cứu những vấn đề toàn cầu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Cần phát triển nguồn nhân lực theo hướng xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao. Nhà nước dành một lượng học bổng thỏa đáng để đào tạo nhân lực khí tượng thủy văn tại các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; hoàn thiện quy hoạch và tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo về khí tượng thủy văn theo hướng đa dạng hóa loại hình đào tạo gắn với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ mới; đổi mới nội dung đào tạo về sử dụng và khai thác thông tin khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trong những ngành đào tạo có liên quan; xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng cán bộ khí tượng thủy văn trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ chuyên ngành đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thiết bị và công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn thông qua tài trợ, viện trợ và các hình thức khác, nguồn thu từ các hoạt động thương mại khí tượng thủy văn; tăng cường hoạt động với tư cách nước thành viên Tổ chức Khí tượng thế giới và các tổ chức quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam tham gia, khai thác có hiệu quả quan hệ quốc tế song phương và đa phương về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh đến một số giải pháp đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng thủy văn của Việt Nam, ông Harri Pietarila, Trưởng phòng tư vấn dịch vụ thuộc Viện Khí tượng Phần Lan cho biết: Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam có một dự án về vốn vay, trong đó chúng tôi cũng có hỗ trợ lắp đặt hệ thống Rada, hệ thống định vị sét và phần mềm dự báo. Dựa vào phần mềm và thiết bị dự báo, chúng tôi sẽ giúp các bạn đưa ra các sản phẩm dự báo tốt hơn cho nhiều đối tượng sử dụng hơn, bên cạnh đó, chúng tôi đã hợp tác tốt với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong việc tăng cường năng lực cán bộ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt sự phối hợp này để góp phần giúp Việt Nam thực hiện tốt Chiến lược về phát triển ngành khí tượng thủy văn trong những năm tiếp theo./.