Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tiểu học - đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình tiếng Anh tiểu học được thực hiện thí điểm từ năm học 2010 - 2011 là một chủ trương đúng đắn trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như triển khai Quyết định 1400 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”.
Sau 5 năm thực hiện, chương trình tiếng Anh tiểu học đã cho thấy những tác dụng rất lớn trong việc xây dựng phong trào học tiếng Anh ở các bậc học sau. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học, hướng tới đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi quá trình nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn ngành giáo dục.
* Gần 60% học sinh tiểu học được học tiếng Anh
Theo số liệu của Vụ Giáo dục Tiểu học, sau 5 năm thực hiện thí điểm chương trình (từ năm 2010), số lượng học sinh học ngoại ngữ trong cả nước không ngừng tăng lên. Hiện cả nước có gần 4,5 triệu học sinh lớp 3,4,5; trong đó, có hơn 3,7 triệu em được học tiếng Anh (chiếm 84,04%). Tổng số học sinh lớp 1, 2 học tiếng Anh là gần 880 nghìn (chiếm 26,43% tổng số học sinh lớp 1,2 cả nước). Như vậy, tính chung cả nước, hiện có hơn 4,62 triệu học sinh tiểu học được học tiếng Anh, chiếm 59,41% tổng số học sinh tiểu học trên cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục sau một thời gian không dài thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học.
Một số đơn vị điển hình về việc triển khai được môn tiếng Anh với quy mô mở rộng như: Hà Nam (100% các trường học ngoại ngữ, trong đó 100% học sinh lớp 3,4,5 học chương trình tiếng Anh thí điểm đủ 4 tiết/tuần và học sinh lớp 1,2 được làm quen với tiếng Anh); Ninh Bình (100% học sinh lớp 1, 2 được làm quen với tiếng Anh, 57,1% lớp 3,4,5 học chương trình thí điểm đủ 4 tiết/tuần); Bắc Giang (100% học sinh học ngoại ngữ, trong đó lớp 3,4,5 học chương trình thí điểm 4 tiết/tuần đạt 64,4%).
Việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ ở bậc tiểu học cũng có thể coi là một cú hích vào số lượng, chất lượng giáo viên tiếng Anh. Cụ thể, trong vòng 2 năm trở lại đây, năm 2014 có 18.922 giáo viên, năm 2015 là 21.430 giáo viên (tăng 13,25% so với 2014); số lượng giáo viên đạt chuẩn bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, năm 2014 là 5.935 giáo viên (đạt 31,37% tổng số giáo viên tiếng Anh cả nước); năm 2015 là 10.488 giáo viên (đạt 48,94% tổng số giáo viên tiếng Anh cả nước). Tiêu biểu có thể kể đến như: Hà Nam (100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn); Bắc Giang (82,1% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn); Phú Thọ (hơn 64% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn). Những con số này đã thể hiện sự nỗ lực của các cấp và bản thân các giáo viên. Bởi vào năm học 2011-2012, một năm sau thời gian thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học, khảo sát tại hơn 10 tỉnh cho thấy, 97% giáo viên tiếng Anh tiểu học chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Chương trình tiếng Anh tiểu học khi thực hiện cũng đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm rất lớn của xã hội. Nhiều nguồn lực ngoài nhà trường đã được tận dụng để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập như: đội ngũ giáo viên nước ngoài, các tài liệu, phần mềm học tập chất lượng tại Việt Nam và trên thế giới... Cơ sở vật chất phục vụ việc học cũng được đầu tư và cải thiện nhiều, hỗ trợ quá trình dạy học của giáo viên và học sinh, giúp giờ học tiếng Anh chất lượng, hiệu quả và thú vị hơn.
Từ năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất một chương trình tiếng Anh tiểu học hiện hành theo Quyết định 3321/QĐ-BGDĐT. Theo đó, các địa phương tùy vào điều kiện thực tế có thể tổ chức học theo các thời lượng khác nhau từ 2 đến 8 tiết/tuần nhưng hướng tới tổ chức học ít nhất 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3,4,5.
* Thiếu giáo viên và bài toán về “chuẩn năng lực”
Theo Vụ Giáo dục Tiểu học, khó khăn lớn nhất hiện nay để có thể thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học với số lượng 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3, 4, 5, đó là vấn đề đội ngũ giáo viên giảng dạy. Hiện cả nước có 15.883 trường tiểu học, với gần 7,8 triệu học sinh, tổng số 151.329 lớp, trong đó có 89.465 lớp 3,4,5. Với số lượng 21.430 giáo viên tiếng Anh như hiện nay, tỷ lệ khoảng 0,1-0,2 giáo viên/lớp. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên phải dạy từ 5 đến 10 lớp, tương đương 20 đến 40 tiết/tuần. Trong khi đó, theo quy định, mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần và với giáo viên ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/tuần. Vì không đủ giáo viên nên phần lớn học sinh lớp 3,4,5 hiện nay học chương trình tiếng Anh tiểu học chỉ với thời lượng 2 tiết/tuần. Nhiều nhà nghiên cứu chính sách ngôn ngữ khi tìm hiểu sự thất bại và thành công của nhiều chương trình ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh bậc tiểu học ở khu vực châu Á và châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra tổng kết về nguyên nhân dẫn đến việc triển khai kém hiệu quả chương trình giảng dạy ngoại ngữ bậc tiểu học ở các khu vực này, trong đó có vấn đề về thời lượng dành cho hoạt động dạy và học không thỏa đáng. Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh, 1 năm học 4 tiết/tuần sẽ hiệu quả hơn 2 năm học mỗi năm 2 tiết/tuần. Vì vậy, để đủ số lượng giáo viên cho việc thực hiện dạy 4 tiết/tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới và theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ 2020, bậc tiểu học sẽ cần thêm nhiều giáo viên nữa, đặc biệt ở các vùng khó. Song với quy định về biên chế giáo viên hiện nay, để có đủ giáo viên dạy ngoại ngữ ở tiểu học là một bài toán khó và đang kéo chậm quá trình triển khai dạy học ngoại ngữ ở tiểu học.
Không chỉ thiếu về số lượng, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trong tổng số giáo viên đang có hiện vẫn còn thấp (chiếm 48,94% vào năm 2015). Điều này dẫn đến sẽ mất nhiều thời gian và ngân sách để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn và học sinh sẽ phải tiếp tục chờ giáo viên đạt chuẩn để học. Hiện nay, đại đa số giáo viên cho rằng, hiệu quả của các lớp bồi dưỡng về phương pháp dạy học là chưa cao vì không phù hợp với điều kiện thực tế giảng dạy. Một số khác có tâm lý ngại thay đổi và sau khi bồi dưỡng đạt chuẩn xong họ lại quay trở về lối dạy cũ. Cũng có ý kiến cho rằng, bồi dưỡng về năng lực ngôn ngữ ở một số đơn vị cao quá so với nhu cầu cần sử dụng. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng thường xuyên và đặc biệt là tự bồi dưỡng còn nhiều hạn chế có thể dẫn đến tình trạng kéo chất lượng đội ngũ gần về lại với điểm xuất phát sau một thời gian. Nếu giáo viên không tự trang bị cho mình kỹ năng tự bồi dưỡng nâng cao năng lực thì sự nỗ lực đạt chuẩn của Đề án ngoại ngữ 2020 ở các địa phương sẽ chỉ trong giai đoạn tức thời chứ không bền vững, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học ngoại ngữ và tốn kém thời gian, ngân sách. Ngoài ra, một số đơn vị được giao nhiệm vụ thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên chưa thực sự lấy chất lượng làm trọng tâm dẫn đến chứng chỉ được cấp không phù hợp với năng lực thật sự của giáo viên. Một khó khăn lớn khi thực hiện chương trình tiếng Anh tiểu học, đó là đòi hỏi các trường phải học 2 buổi/ngày. Hiện nay, khoảng 40% các trường học 1 buổi/ngày. Do vậy, việc đưa đủ cả 4 tiết vào dạy ở các trường 1 buổi/ngày là khó khả thi khi điều kiện thời lượng và thời gian của tổng thể các môn học không thay đổi.
Khi đề cập đến các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở tiểu học, một số chuyên gia cho rằng, các địa phương cần tiếp tục nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn với phương châm: chỉ dạy ngoại ngữ khi có giáo viên chuẩn, nếu không quá trình học ngoại ngữ sẽ gây tốn kém, lãng phí và ảnh hưởng đến việc học của học sinh sau này. Đồng thời, công tác tuyển dụng phải đảm bảo đạt yêu cầu về năng lực ngôn ngữ và năng lực sư phạm, không phải đào tạo lại. Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, gắn liền với thực tế và được đánh giá độc lập, khách quan để đảm bảo tính ứng dụng cao.
Đối với việc phát triển số lượng giáo viên, bên cạnh việc trông đợi vào sự thay đổi của định mức giáo viên trong trường tiểu học, các địa phương chủ động giải các bài toán về nhân lực của mình như: xã hội hóa để có nguồn giáo viên chất lượng vào dạy học như giáo viên nước ngoài, giáo viên hợp đồng trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh học sinh. Các phòng giáo dục và đào tạo có thể sắp xếp luân chuyển giáo viên tiểu học ở các trường, ví dụ: một giáo viên tiếng Anh cho 2 trường tiểu học quy mô nhỏ hoặc giáo viên Trung học dạy tiếng Anh tiểu học.../.
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới  (09/02/2016)
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới  (09/02/2016)
Ngân hàng Thế giới dự báo bức tranh kinh tế ảm đạm của khu vực Trung Đông - Bắc Phi  (09/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay