TCCSĐT - Là tổ chức đa phương lớn nhất và có ảnh hưởng lớn tới đời sống quốc tế, Liên hợp quốc trong năm 2015 được ghi nhận khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, như thúc đẩy sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột và hỗ trợ nhân đạo,...

Năm 2015, thế giới vẫn phải tiếp tục đương đầu với những thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi... đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế ghi nhận vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong các nỗ lực ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình cho dù vốn còn nhiều thách thức tiếp tục phải giải quyết.

Đảm nhận những trọng trách khó khăn

Tạo dựng một môi trường hòa bình trên quy mô toàn cầu, điều kiện tiên quyết để có được sự phát triển bền vững. Để đảm nhận được trọng trách này, cộng đồng quốc tế nói chung và Liên hợp quốc nói riêng phải giải quyết hiệu quả được hai vấn đề: xóa bỏ các điểm nóng và ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, thực tế một năm qua cho thấy, các “điểm nóng” đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tồn tại và dường như chưa có xu hướng “hạ nhiệt”.

Một là, cuộc nội chiến tại Xy-ri không chỉ dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh thế giới mới với việc đang có quá nhiều lực lượng can dự với những toan tính khác nhau. Cuộc khủng hoảng di cư kỷ lục đang xảy ra mà một trong những khởi nguồn cần được giải quyết là tìm ra giải pháp chính trị cho vấn đề Xy-ri nhằm giảm số lượng người di cư đã lên đến 1 triệu người đến châu Âu vào cuối năm 2015. Kết quả được chờ đợi là việc thực thi Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 18-12-2015 để hỗ trợ cho tiến trình chính trị ở quốc gia Trung Đông vốn “sôi sục” không chỉ bởi cuộc chiến giữa các dòng phái của Hồi giáo.

Hai là, chủ nghĩa khủng bố trong năm qua cũng trỗi dậy dữ dội hơn bao giờ hết với hàng loạt vụ tấn công khủng bố dồn dập xảy ra tại nhiều nơi, đe dọa an ninh trên toàn thế giới. Hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu liên tiếp, như tại Tòa soạn Tạp chí biếm họa Charlie Hebdo (ngày 07-01-2015), Nhà hát Bataclan (ngày 13-11-2015) ở Pa-ri (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31-10-2015), Li-băng (ngày 12-11-2015, Xan Phran-xít-cô (ngày 02-12-2015) đã gây chấn động thế giới. Sự bành trướng và mức độ tàn bạo của các nhóm khủng bố, mà đứng đầu là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng tăng. Và cho dù, Liên hợp quốc đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết 2249 (ngày 20-11-2015) để quyết tâm chống IS cùng việc hình thành một liên minh chống khủng bố trên thế giới thì dường như mối đe dọa IS vẫn đang ngày càng lớn lên.

Ba là, bất đồng giữa Nga và phương Tây về giải quyết một số điểm nóng, như: xung đột ở Xy-ri, ở miền Đông U-crai-na chưa có hồi kết. Việc Nga can dự quân sự vào Xy-ri đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó là những ngờ vực và bất đồng về hoạt động gián điệp mạng và quyền tự do hàng hải của “bộ đôi” Mỹ - Trung đã thổi bùng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhân tố then chốt trong xác định quỹ đạo tương lai giữa các cường quốc.

Bốn là, tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, thậm chí đang tiến dần tới khả năng va chạm quân sự. Nhất là khi Trung Quốc gia tăng các hành động đơn phương ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng, tôn tạo trái phép các đảo và bãi đá chìm ở khu vực này. Và cho dù tất cả các bên liên quan đều ý thức cần sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn mức độ nguy hiểm nếu những tranh chấp trên Biển Đông dẫn đến xung đột quân sự, song hơn 10 năm qua, tiến trình xây dựng COC vẫn dậm chân ở mức độ tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc.

Năm là, xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin tiếp tục là một trong những tâm điểm chú ý và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Năm 2014, “chảo lửa” Trung Đông lại bị “đốt nóng” bằng những cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa quân đội I-xra-en và phong trào Hồi giáo Ha-mát của Pa-le-xtin. Không chỉ có vậy, các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin rơi vào bế tắc từ tháng 4-2014 cho tới nay, sau khi Pa-le-xtin thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Ha-mát. Chưa kể, các vụ tấn công tự phát của người Pa-le-xtin (được ví như một phong trào Intifada thứ ba) và hành động trả đũa từ các lực lượng an ninh của I-xra-en đã đẩy quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin trở lại trạng thái tồi tệ còn hơn cả năm 2014 (năm có cuộc chiến 49 ngày tại dải Ga-da).

Cuộc chiến giữa liên quân Ả rập Xê-út với lực lượng phiến quân Hu-thi, liên minh với I-ran chưa thể ngã ngũ; tình hình Y-ê-men cũng khó dự đoán,... Ngoài ra, còn nhiều điểm nóng và căng thẳng ở các khu vực khác, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên… Như vậy, có thể nói, tất cả những mâu thuẫn trên nếu không được kiểm soát tốt, sẽ có khả năng dẫn đến những rủi ro khôn lường, khiến cho việc hoàn thành những trọng trách trở thành sứ mệnh “bất khả thi” đối với Liên hợp quốc.

Bảo đảm sự phát triển hài hòa, trước hết là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Tình trạng nghèo đói trên thế giới, nhất là khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, kể cả trong nội bộ những nước phát triển vẫn là thách thức đối với thế giới. Cuộc chiến chống đói nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội còn trở nên khó khăn hơn bởi những nghịch lý đang tồn tại trong đời sống quốc tế đương đại.

Sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình hợp tác, liên kết quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận thương mại tự do chưa tạo ra được “không gian chung” cùng nhau phát triển giữa các nước, thậm chí đặt ra nhiều nguy cơ cho những quốc gia nghèo trong cuộc cạnh tranh thị trường với những nước phát triển. Tuy chiếm ưu thế về nguồn lực, nhưng việc các nước phát triển giàu có không ngại thi hành những chính sách bảo hộ khi cần thiết càng khiến tình trạng bất bình đẳng thêm sâu sắc, và các nước nghèo càng ít cơ hội phát triển hơn. Thế giới còn một chặng đường dài phải đi bởi hiện tại vẫn còn 16.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày, trong khi đó, 58 triệu trẻ em không được đến trường (1). Tình trạng bạo lực, đói nghèo, bệnh tật và sự lạm dụng vẫn đang ảnh hưởng đến rất nhiều con người, đặc biệt là phụ nữ và các em gái. Theo thống kê, 1,4 tỷ người hiện vẫn đang phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực (2). Cứ mỗi bốn giây lại có một đứa trẻ chết vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được và có hơn 900 triệu người, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên vẫn đang phải chịu đói triền miên (3). Chưa kể, sự biến đổi khí hậu đang đe dọa phá hủy cuộc sống của hàng triệu người và tương phản với những thành tựu đã đạt được về kinh tế, xã hội của nhiều nước, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Nỗ lực thành công

Một là, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế. Trải qua những thăng trầm lịch sử, Liên hợp quốc luôn được duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại góp phần giải tỏa những căng thẳng, ngăn chặn tình trạng xung đột leo thang. Liên hợp quốc tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột ở các khu vực. Các vấn đề mà Liên hợp quốc giải quyết được mở rộng, như chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cấm thử và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình, theo dõi các lực lượng tham chiến ở các vùng xung đột rút quân, giám sát bầu cử, hỗ trợ tái thiết,...

Trong nỗ lực bảo đảm an ninh quốc tế, với sự can thiệp của Liên hợp quốc, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết, cứu được sinh mạng của hàng triệu người. Riêng năm 2015, có không ít dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhất là sự thay đổi trong quan hệ quốc tế và những điểm nóng quốc tế cũng đang dần được tháo ngòi nổ, như: quan hệ Mỹ - Cu-ba đã ghi nhận nhiều bước đột phá khi Mỹ có những bước đi thực sự để tiến tới trở thành quốc gia láng giềng của Cu-ba như cam kết; Iran và Nhóm P5 + 1 đã ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mở ra cánh cửa hòa giải để giải quyết mâu thuẫn trong suốt 3 thập niên qua; quan hệ giữa phương Tây và Nga hiện đang nhen nhóm những dấu hiệu tích cực; cuộc gặp thượng đỉnh Đông Bắc Á đã báo hiệu sự khởi đầu của quá trình khôi phục lòng tin và cải thiện các mối quan hệ song phương trong khu vực,...

Hai là, những thành công trong phát triển, cụ thể là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở những khu vực vốn bị coi là điểm nóng về đói nghèo.

Năm 2015 là dấu mốc quan trọng khi Liên hợp quốc tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), thống nhất nội dung, thời hạn và định hướng thực hiện các MDGs trong 15 năm tiếp theo. MDGs được xem là đích đến quan trọng của mọi nền kinh tế và quốc gia trên thế giới. Giờ đây, khi chương trình MDGs khép lại sau 15 năm thực hiện, những biến cố đang xảy ra trên bình diện toàn cầu, đặc biệt là tình trạng đói nghèo, xung đột vẫn đang hiện hữu ở nhiều khu vực, cộng đồng quốc tế rất cần một chương trình hành động mới cho tương lai. Những thành công và tồn tại của Liên hợp quốc trong 70 năm qua đã chỉ rõ, đã đến lúc phải tạo dựng một sự phát triển bền vững, bởi đó là điều kiện tiên quyết để có thể xóa đói, giảm nghèo và ngăn chặn tái nghèo, để có thể kiến tạo hòa bình và ngăn chặn xung đột. Kết quả là, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được 193 nước thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9-2015 đã đáp ứng được điều đó. Đây là chương trình nghị sự vì nhân dân, vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người.

Ba là, thành công trong việc đạt được Thỏa thuận Pa-ri tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tháng 12-2015 tại Pa-ri (Pháp). COP 21 đã đạt được thành công nổi bật, đó là giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng lên ở mức 2 độ C và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Có thể coi COP 21 là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn hai thập niên qua nhằm thuyết phục chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Một thỏa thuận đầy đủ, mạnh mẽ và cân bằng với các mục tiêu tham vọng đạt được tại COP 21 là bước ngoặt lịch sử, thể hiện trách nhiệm và sự đoàn kết quốc tế, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun khẳng định: “Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Ngày hôm nay, chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau” (4).

Hy vọng một thế giới tốt đẹp hơn

Trong bối cảnh thế giới những năm qua có nhiều biến đổi nhanh và khó lường, Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn trong việc đề ra những quy định, những điều luật quốc tế để bảo đảm nhân quyền cho tất cả mọi người dân trên trái đất, tham gia giải quyết các cuộc xung đột, triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như làm tốt công tác trung gian hòa giải.

Bước sang năm 2016, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững sẽ là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng, tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một chương trình nghị sự vì nhân dân, để chấm dứt mọi hình thức nghèo đói. Đó là một chương trình nghị sự vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người. Trên hết, đó là cam kết rằng sẽ không có ai bị tụt lại đằng sau.

Cam kết với Chương trình nghị sự 2030 sẽ được Liên hợp quốc chứng tỏ bằng hành động. 17 mục tiêu phát triển bền vững là kim chỉ nam, là danh sách những điều cần phải làm cho mọi người dân trên trái đất, và là một dự thảo của thành công(5). Các Mục tiêu phát triển bền vững mới được xây dựng dựa trên các chương trình nghị sự đề ra mục tiêu của các hội nghị Liên hợp quốc và MDGs vốn đã được đông đảo cộng đồng quốc tế ghi nhận sẽ tiếp tục khẳng định thành công trong việc giúp hàng triệu người cải thiện cuộc sống.

Vì một thế giới hòa bình và ổn định, Liên hợp quốc tiếp tục đảm trách tích cực nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Qua nhiều năm đấu tranh và hy sinh, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với hình tượng Mũ nồi xanh đã trở thành một biểu tượng của niềm hy vọng cho hàng triệu người dân sống trong những khu vực bị chiến tranh tàn phá. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thúc đẩy việc chia sẻ gánh nặng, giảm thiểu rủi ro và tăng cường cơ hội giữa các nước lớn và nhỏ, và giữa các thế giới phát triển và đang phát triển.

Liên hợp quốc trong suốt 70 năm thành lập đã phục vụ 71 hoạt động gìn giữ hòa bình. Hơn 1 triệu người đã phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình, giúp đỡ các quốc gia giành được độc lập, hỗ trợ các cuộc bầu cử có tính lịch sử, bảo vệ người dân thường, hỗ trợ hàng trăm ngàn cựu chiến binh, thiết lập các quy tắc pháp luật, thúc đẩy quyền con người và tạo điều kiện cho những người tị nạn và giúp đỡ người dân được hồi hương(6).

Hiện nay, Liên hợp quốc duy trì lực lượng với 107.000 nhân viên gìn giữ hòa bình đến từ 122 quốc gia hiện đang phục vụ trong 16 hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó bao gồm cả các mối đe dọa liên quan đến sự bất bình đẳng tại một số môi trường thách thức nhất trên thế giới. Và mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là những cuộc xung đột đang diễn ra dai dẳng tại các quốc gia như U-crai-na, Xy-ri, I-rắc, Li-bi,…đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nhằm chấm dứt và ngăn chặn tình trạng bạo lực tiếp diễn, song Liên hợp quốc với quyết tâm cao cùng với việc hiện đại hóa hoạt động của mình, mở rộng những cơ sở đóng góp và tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức trong khu vực, tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh để theo đuổi mục tiêu cuối cùng là trợ giúp tất cả các quốc gia trên thế giới.

Với năm tài khóa hiện tại, kết thúc ngày 30-6-2016, chỉ riêng chi phí cho hoạt động gìn giữ hòa bình đã lên tới 8,27 tỷ USD (7) cùng với Ngân sách giai đoạn 2016 - 2017 vừa được thông qua là 5,4 tỷ USD (8), bên cạnh những thành quả đã đạt được trên chặng đường hình thành và phát triển, Liên hợp quốc sẽ vượt qua được những thách thức, tiếp tục là nền tảng không thể thiếu cho một nền hòa bình bền vững, công bằng và thịnh vượng trên thế giới./.

--------------------------------------

(1) Liên hợp quốc: Toàn cầu vẫn chưa thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, http://vietnamese.cri.cn/421/2015/ 09/09/ 1s214486. htm

(2) (3) Một thế giới như chúng ta mong muốn: Khung chiến lược phát triển mới cho giai đoạn sau 2015, http://www.vn.undp.org/ content/vietnam/vi/ home/ mdgoverview/overview/post-2015-development-agenda.html

(4) Hội nghị COP21: Cộng đồng quốc tế hoan nghênh Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, http://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/LienKetTin/ 17225.aspx? news =jHmCyBYW6qU=

(5) 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, http://vtv.vn/tin-tuc/17-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lhq-20150926171429779.htm

(6) Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhân ngày quốc tế gìn giữ hòa bình, http://www.un.org.vn/vi/spotlight-articles-press-centre-submenu-253/ news-highlights-press-centre-submenu-254/3670-the-secretary-general%E2%80%99s-message-for-the-international-day-of-united-nations-peacekeepers.html

(7) (8) Liên hợp quốc thông qua ngân sách cơ bản giai đoạn 2016-2017, http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-thong-qua-ngan-sach-co-ban-giai-doan-20162017/362884.vnp