Đắc Lắc nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ
Đắc Lắc là một địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển Tây Nguyên. Ở đây, ngoài các dân tộc bản địa còn có hàng chục dân tộc khác sinh sống với nhiều trình độ dân trí, văn hóa, kinh tế, quan hệ xã hội khác nhau. Trong những năm gần đây, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh tập trung đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, mà một trong những việc làm thiết thực nhất là thực hiện tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ.
Từ thực trạng cán bộ thiếu và yếu
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, sau khi chia tách, tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chuyên trách tổng rà soát đánh giá lại toàn bộ các khâu có liên quan đến công tác cán bộ từ qui hoạch, tuyển dụng, sử dụng đến luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm... nhằm đưa ra được giải pháp thiết thực, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ của tỉnh. Trong nhiều năm liền, tuy tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có khó khăn, nhưng nhìn chung phần lớn đội ngũ cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh vẫn kiên định, vững vàng, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng. Đây là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, thường xuyên, liên tục của tỉnh trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có một bộ phận cán bộ công chức thiếu rèn luyện, có tư tưởng vun vén lối sống cá nhân, coi nhẹ việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Qua điều tra cho thấy, hầu hết ở các ngành, các cấp, đều có tình trạng cán bộ có trình độ năng lực không đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhất là hiệu quả phối hợp, cộng tác giữa các bộ phận, các đơn vị liên quan.
Qua điều tra cho thấy, còn có 15,9% số cán bộ làm công tác Đảng, 15,5% số cán bộ làm công tác đoàn thể, 4,07% số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, và 10,73% số cán bộ làm công tác ở các đơn vị sự nghiệp, trong đó có một số là cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Đó là chưa kể, do những thiếu sót, trì trệ trong khâu tuyển chọn, sử dụng... nên có một số không ít cán bộ công chức bị hẫng hụt về những kiến thức cần thiết khác như lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế...
Hơn nữa, vì những lý do khách quan, việc tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở còn hạn chế nên trong quy hoạch phát triển vẫn còn sự bất cập. Có nơi đội ngũ cán bộ vừa thừa, vừa thiếu, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động chuyên môn. Chẳng hạn như trong 5.335 đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, có tới 60,13% số người chưa được đào tạo về lý luận chính trị, và 94,97% số người chưa được đào tạo về quản lý nhà nước.
Có thể nói, đây là những hạn chế cần phải được khắc phục, phải có một giải pháp đồng bộ và không thể giải quyết xong trong một sớm, một chiều.
Tuyển dụng từ nhiều nguồn nhưng bảo đảm chất lượng
Từ thực trạng trên, để đào tạo, bồi dưỡng xây dựng được một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, quan điểm của tỉnh là phải xuất phát từ gốc, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, từ cơ sở: Quy hoạch cán bộ phải thực hiện nghiêm túc trên quan điểm động và mở, đồng thời bảo đảm việc đổi mới cán bộ lãnh đạo quản lý theo hướng trẻ hóa và tăng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, kết hợp giữa các độ tuổi, bảo đảm có tính liên tục, kế thừa và phát triển.
Để cụ thể hóa nội dung quan điểm này, ngày 8 tháng 1 năm 2007, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 11 về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2006 đến 2010. Trên cơ sở chương trình này và các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ chính sách cho cán bộ công chức như Quyết định 2289/1998 QĐ - UB về hỗ trợ cho công tác đào tạo cán bộ, Quyết định 656/QĐ - UB về hỗ trợ cho công tác cán bộ tăng cường và luân chuyển..., tỉnh tập trung làm tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch và sử dụng cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến hai khâu tuyển dụng, và đào tạo, bồi dưỡng. Đối với công tác tuyển dụng, tỉnh chỉ đạo cho tất cả các ngành, các cấp thực hiện nghiêm Pháp lệnh cán bộ công chức, nay là Luật cán bộ, công chức. Hầu hết số cán bộ được tuyển mới trong những năm gần đây đều thông qua thi tuyển, được bố trí công việc theo đúng nguyện vọng, đúng chuyên môn.
Bên cạnh đó, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tỉnh xây dựng những chính sách ưu tiên với một số đối tượng, trong đó, có chính sách ưu tiên cho người dân tộc, kịp thời động viên, khuyến khích sự vươn lên của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hầu hết, những người thi tuyển là người đồng bào dân tộc tại chỗ, con liệt sĩ hay có bằng tốt nghiệp chuyên ngành loại giỏi đều được tuyển thẳng theo địa bàn thí sinh cư trú.
Đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ, tỉnh giao nhiệm vụ để các trường chuyên nghiệp trực thuộc, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện theo một kế hoạch thống nhất có sự phối hợp, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Từ chủ trương, chính sách này, hằng năm, tỉnh đã đào tạo bồi dưỡng hàng ngàn lượt cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở như như chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng, đầu ngành cấp xã... Đến nay, tỉnh đã mở được 49 lớp bồi dưỡng cho 3.070 lượt cán bộ, công chức xã về lý luận chính trị, về kiến thức quản lý nhà nước, văn hóa xã hội, tôn giáo...
Trong điều kiện cán bộ của tỉnh được tuyển từ nhiều nguồn, nhiều dân tộc, một phần được trưởng thành trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bên cạnh việc tăng cường đào tạo cán bộ về bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, tỉnh tăng cường đào tạo cán bộ về công tác chuyên môn. Ngoài việc ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích người đi học, tỉnh giao trách nhiệm Ban Tổ chức Tỉnh ủy, và Sở Nội vụ cùng với các địa phương làm tốt công tác qui hoạch lựa chọn đưa cán bộ đi đào tạo theo phương châm đúng đối tượng, ưu tiên người tại chỗ, người dân tộc thiểu số tại chỗ, và đối tượng tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp đạt loại giỏi.
Thực hiện tốt chính sách cán bộ
Làm thế nào để khi cán bộ đã được tuyển dụng vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như cán bộ đương chức an tâm công tác trong điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh là một câu hỏi thường xuyên được đặt ra và tìm cách giải quyết. Từ thực tế, đội ngũ cán bộ của tỉnh xuất phát từ nhiều nguồn, tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát đánh giá làm tốt công tác quy hoạch cán bộ và thực hiện tốt các chính sách về cán bộ. Đối với những cán bộ đã được quy hoạch, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cho các ngành, các cấp làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng tạo mọi điều kiện để có thể phát triển. Một số cán bộ chưa đủ năng lực, ngoài việc bố trí sắp xếp công việc một cách phù hợp, tỉnh có kế hoạch đào tạo lại.
Có thể nói việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ của tỉnh rất đa dạng, có sự giám sát và đánh giá chất lượng một cách cụ thể. Chẳng hạn, đối với số cán bộ dự nguồn, đã được đào tạo cơ bản, tỉnh cho đi “cọ sát” với thực tiễn để tiếp tục rèn luyện và qua đó chọn "hạt nhân" quy hoạch phát triển. Đối với số cán bộ đã có năng lực thực tiễn, có xu hướng phát triển, nhưng hiện tại chưa đạt yêu cầu, tỉnh cử đi đào tạo lại tại các trường để trang bị thêm về lý luận chính trị, về kiến thức chuyên môn. Đối với một số cán bộ công chức có năng lực nhưng không phát huy tốt do công việc chưa phù hợp cũng được bố trí lại cho đúng với chuyên môn. Theo hướng này, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ lao động, cán bộ công chức có trình độ chuyên môn, năm 2007 tỉnh đã đầu tư để thành lập Trường Trung cấp nghề Đắc Lắc, nâng cấp Trường Đào tạo nghề thanh niên dân tộc, Trường Trung cấp Văn hóa thành trường cao đẳng đồng thời đầu tư về cơ sở vật chất và chuyên môn cho các trường chuyên nghiệp khác như Trường Trung cấp tư thục Công nghệ Tây Nguyên, Trường năng khiếu thể dục thể thao...
Giải pháp lâu dài
Trong chiến lược phát triển, tỉnh xác định việc phát huy các nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người là quyết định, vì vậy, việc đầu tư nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cốt cán có năng lực, vừa hồng, vừa chuyên là một việc làm mang tính cấp bách và lâu dài. Cấp bách bởi vì, nếu để kéo dài những yếu kém thì không những làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh gặp khó khăn, kinh tế - xã hội của địa phương chậm phát triển, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của cả hệ thống chính trị. Lâu dài, bởi vì, đây là một vấn đề nhạy cảm có liên quan đến sự ổn định chính trị và những vấn đề thiết yếu trong đời sống của người dân nên cần sự cẩn trọng, chắc chắn, không thể giản đơn, nóng vội.
Thực hiện chương trình số 11-CTr/TU, ngày 8-1-2007 của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh từ năm 2006 đến 2010, với quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tỉnh chú trọng trước hết đến việc thực hiện tốt chính sách cán bộ và xem đây như “cú hích” quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Thông qua việc luân chuyển cán bộ, tỉnh tạo điều kiện cho những cán bộ có năng lực phát huy tốt năng lực chuyên môn, có kế hoạch phát hiện bồi dưỡng kịp thời những cán bộ thật sự có năng lực.
Vấn đề cơ bản đặt ra là tỉnh phải xác lập tốt cơ chế tổ chức và hoạt động cho các loại hình tổ chức trong khu vực công, tạo ra một bước phát triển về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Đối với một địa bàn miền núi có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn như Đắc Lắc, để cán bộ có thể an tâm phục vụ lâu dài ở những nơikhó khăn, tỉnh chủ trương phát huy nguồn lực tại chỗ. Điều này đồng nghĩa với việc thực hiện tốt các chính sách “trồng người” đối với người dân tại chỗ, người dân tộc tại chỗ, tạo mọi điều kiện để con em các dân tộc tại chỗ được đi học, được đào tạo để phục vụ quê hương.
Thực tế ở địa phương cho thấy, để chọn lựa, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở rất khó, vì thiếu người có trình độ mà trước hết là trình độ học vấn. Khắc phục tình trạng này, hiện nay, ngoài việc đầu tư phát triển kinh - tế xã hội, chăm lo cuộc sống người dân, tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để ngành giáo dục đào tạo duy trì tốt chất lượng, bảo đảm cho các vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Đây cũng là một kế sách lâu dài để có thể làm tốt hơn công tác cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở./.
Kỳ họp thứ 7 - Hội đồng Lý luận Trung ương  (29/12/2008)
Hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục bám sát, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước*  (29/12/2008)
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới - một số vấn đề lý luận và thực tiễn  (29/12/2008)
Diễn đàn Đông Nam Á về người cao tuổi  (29/12/2008)
Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển  (29/12/2008)
Phát huy tối đa lợi thế về đất đai để phát triển mạnh sản xuất  (29/12/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên