Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các nước kém phát triển và đang phát triển là hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi phù hợp với nguồn lực và sự tăng trưởng kinh tế của mỗi nước.

Diễn đàn Đông Nam Á “Chiến lược quốc gia về già hoá dân số và thiết lập các dịch vụ đối với người cao tuổi” vừa được Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tổ chức ngày 29-12, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và đại diện Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi nhiều nước Đông Nam Á đã dự hội nghị.

Theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội  nghị, Đông Nam Á là một trong số những khu vực có số lượng và mật độ dân số nói chung và người cao tuổi nói riêng vào loại cao nhất thế giới, trong đó 1/5 dân số là người cao tuổi thuộc diện nghèo.

Hiện nay, mỗi quốc gia đều các cơ chế, chính sách, chương trình về chăm sóc người cao tuổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tại các nước phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, những vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến người cao tuổi đã và đang được giải quyết theo chương trình ưu tiên của mỗi nước với các chính sách được hoạch định đầy đủ và luật hoá chặt chẽ.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ở Việt Nam số lượng người cao tuổi ngày càng tăng và tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 1989, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 7,2% dân số; năm 2007 là 9,45% và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng đột biến từ năm 2010 và có thể đạt 16,8% vào năm 2029. Số người cao tuổi sống ở nông thôn lớn chiếm gần 73%, nhưng đối tượng hiện đang được hưởng lương hưu chiếm tỷ lệ rất thấp (21%), nên đời sống của người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, hiện còn tới trên 23% người cao tuổi thuộc diện nghèo (cao hơn tỷ lệ chung của toàn xã hội), trong khi người cao tuổi có mức sống giàu và khá chỉ chiếm khoảng 19,87% người cao tuổi.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chẳng hạn, người già từ 85 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội, người cao tuổi cô đơn, tàn tật, không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội, được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; Người cao tuổi nghèo còn phải ở nhà tạm, được Nhà nước chú trọng thông qua các chương trình về nhà ở xã hội, xoá nhà tạm cho người nghèo, thông qua các phong trào xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; Người cao tuổi khi tham gia sản xuất, kinh doanh thì được miễn giảm thuế...

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các nước kém phát triển và đang phát triển là hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi phù hợp với nguồn lực và sự tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Ngoài việc thực hiện trợ cấp xã hội, các hoạt động nâng cao sức khoẻ như: tư vấn, bồi dưỡng việc tự chăm sóc bản thân, phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ y tế, nhằm đảm bảo đời sống vật chất cơ bản cho người cao tuổi, còn đặt ra một loạt các vấn đề như giáo dục truyền thống gia đình, về cách tiếp cận giữa các thế hệ, các hoạt động chủ động chuẩn bị cho tuổi già, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, trợ giúp tiếp cận thông tin, các điều kiện cần thiết để người cao tuổi có thể tham gia lao động phù hợp với sức khoẻ và khả năng...

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực về những nhiệm vụ đặt ra trước xu hướng già hoà dân số ở mỗi nước và những yêu cầu, cách thức, những giải pháp cụ thể trong việc thiết lập các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi một cách có hiệu quả nhất./.