TCCSĐT - Sáng 18-12-2015, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thống kê - hướng tới giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai hiệu quả các nội dung của Luật Thống kê năm 2015.

Luật Thống kê sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 23-11-2015 và có hiệu lực từ ngày 01-7-2016. Luật có một số điểm mới về kết cấu và nội dung.

Về kết cấu, Luật Thống kê năm 2015 gồm 9 chương, 72 điều (trong khi Luật Thống kê năm 2003 gồm 8 chương, 42 điều), trong đó, có 3 chương mới. Luật bổ sung thêm 01 mục “Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” trong Chương III: Thu thập thông tin thống kê nhà nước. Chuyển Chương VI: Quản lý nhà nước về thống kê của Luật Thống kê năm 2003 và biên soạn thành 3 điều (Điều 6, Điều 7, Điều 8) trong Chương I: Những quy định chung. Bỏ Chương Khen thưởng và xử lý vi phạm của Luật Thống kê năm 2003 và biên soạn thành 1 điều vào Chương I: Những quy định chung (Điều 11).

Về nội dung, Luật Thống kê năm 2015 có nhiều đổi mới nhằm giải quyết những bất cập của Luật Thống kê năm 2003, từ đó, đáp ứng thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể:

Luật Thống kê năm 2003 không quy định danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong Luật. Luật Thống kê năm 2015 (Điều 17) đã quy định cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và có Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật, trong đó đã bổ sung các chỉ tiêu thống kê đáp ứng yêu cầu sau đây: a) Phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia; b) Phù hợp với thực tiễn Việt Nam; c) Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Luật Thống kê năm 2003 không quy định về phân tích và dự báo thống kê; quy định chưa đầy đủ về phổ biến thông tin thống kê. Luật Thống kê 2015 bổ sung Điều 45 về phân tích và dự báo thống kê; Điều 49 về phổ biến thông tin thống kê nhà nước.

Luật Thống kê năm 2003 quy định còn thiếu và chưa rõ về quan hệ và sự phối hợp giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước. Luật Thống kê 2015 bổ sung hoàn chỉnh các quy định về hệ thống thông tin thống kê nhà nước (từ Điều 12 đến Điều 16, Chương II); nêu rõ trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý hệ thống thông tin thống kê; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tổ chức, điều phối việc kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước...

Tại Hội nghị, đánh giá về Luật Thống kê năm 2015, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Bakhodir Burkhanov cho rằng, số liệu thống kê là “dòng máu sống” để giúp Chính phủ Việt Nam hoạch định, định hướng chính sách trong việc nâng cao hơn nữa thể chế, giúp Việt Nam có thể đo lường sự phát triển của mình. Luật Thống kê năm 2015 sẽ giúp ngành thống kê Việt Nam cải thiện được số liệu thông tin cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội khi tham gia hội nhập quốc tế...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng cho rằng, Luật Thống kê năm 2015 là bước tiến rất quan trọng. Đến giai đoạn này, Luật Thống kê cần được thay đổi để hội nhập sâu trong kinh tế quốc tế. Do đó, tính minh bạch trong số liệu thống kê cần được đề cao. Số liệu thống kê sẽ là số liệu thống kê biết nói, trung thực, khách quan nhằm định hướng cho số liệu thống kê trong tương lai; hoàn thành chỉ số niềm tin về số liệu thống kê cho Quốc hội và cho tất cả tổ chức, cá nhân sử dụng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa hệ thống thống kê ngoài nhà nước vào hệ thống thống kê, điều này định hướng cho tất cả các hoạt động thống kê… Luật Thống kê năm 2015 sẽ là trụ đỡ trong hoạt động của nền kinh tế nước ta khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu với thế giới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, để có được số liệu thống kê chất lượng thì yếu tố độc lập khách quan rất quan trọng. Vì vậy, Luật Thống kê nghiêm cấm can thiệp, làm sai lệch số liệu. Theo đó, tính độc lập khách quan được hiểu theo quy định của Luật gồm 2 yếu tố: độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và độc lập về người làm công tác thống kê. Luật Thống kê năm 2015 đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê…

Để Luật Thống kê năm 2015 đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, có giá trị xác thực của đại diện các tổ chức, các chuyên gia… tại Hội nghị đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lân tiếp thu. Theo ông Bakhodir Burkhanov, Luật Thống kê cần được nâng cao tính minh bạch, tiếp cận hiện đại mở rộng phạm vi; đồng thời, cần gắn kết số liệu thống kê với các hoạt động cũng như chính sách phát triển kinh tế mới của Việt Nam. Luật phải được ban hành với kế hoạch mạnh mẽ, phải phổ biến Luật đến người sử dụng…/.