TCCSĐT - Việt Nam đang triển khai xây dựng nhiều nhà máy và các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc quản lý, vận hành bảo dưỡng các nhà máy, trạm xử lý nước thải sau khi xây dựng và vận hành vẫn kém hiệu quả, mặc dù chủ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đều thực hiện việc đào tạo chuyển giao công nghệ và vận hành một cách nghiêm túc.

Một nửa số khu đô thị mới chưa có trạm xử lý nước thải

Đến cuối năm 2014, cả nước đã có 32 thành phố có dự án thoát nước và vệ sinh với tỷ lệ số hộ đấu nối vào hệ thống thoát nước hơn 90%. Khoảng 25% lượng nước thải đô thị được xử lý bởi 27 nhà máy xử lý nước thải tập trung, với công suất khoảng 770.000 mét khối/ngày đêm trong tổng số phát sinh 3.080.000 mét khối/ngày đêm. Khoảng 20 nhà máy xử lý nước thải đang xây dựng với công suất gần 1,4 triệu mét khối/ngày đêm.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, để nâng tổng công suất xử lý nước thải dự kiến lên khoảng 2,1 triệu mét khối/ngày đêm, bên cạnh việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị, trạm xử lý nước thải cho các khu đô thị mới cũng phải được đầu tư xây dựng. Trong hai thập kỷ qua, tại các thành phố, đô thị lớn loại đặc biệt và loại I đã xuất hiện nhiều khu đô thị với các tòa nhà cao tầng, các khách sạn, trung tâm thương mại. Tại thành phố Hà Nội, ngày 02-01-2012, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu. Hiện trên địa bàn có khoảng 150 - 160 khu đô thị mới, với dân số khoảng 2 triệu người. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khoảng một nửa khu đô thị có xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, còn lại một nửa chưa có trạm xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Báo cáo giám sát của HĐND Hà Nội về tình hình đầu tư các dự án khu đô thị mới năm 2014 cho thấy: Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư, các chủ đầu tư đều thiết kế trạm xử lý nước thải, song thực tế số dự án đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải rất ít .

Theo Quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải cho khu đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Nhưng hiện mới có 5 nhà máy, với công suất thiết kế 263.200 mét khối/ngày đêm đang vận hành; 3 nhà máy đang chuẩn bị đầu tư, xây dựng với công suất 368.500 mét khối /ngày đêm.

Ngoài áp dụng công nghệ xử lý nước thải quy mô lớn theo công nghệ hồ sinh học tại nhà máy xử lý nước thải tập trung, bao gồm hồ sinh học kỵ khí tại Sơn Trà, Phú Lộc, Hòa Cường, Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng); hồ sinh học hiếu khí và triệt để tại Tháp Chàm - thành phố Phan Rang (Ninh Thuận); hồ sinh học kỵ khí, tùy tiện và ổn định hiếu khí Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); hồ sinh học hiếu khí và triệt để tại Bình Hưng Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh); hồ sinh học hiếu khí cưỡng bức, tùy tiện, triệt để và trồng cây tại Đồng Hới (Quảng Bình), Ninh Bình, Thanh Hóa. Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường Đại học Xây dựng, Trung tâm thuộc Bộ Xây dựng như: Trung tâm Công nghệ Môi trường, Tổng cục Môi trường... đã nghiên cứu áp dụng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ kỵ khí kết hợp với xử lý bậc 3 bằng hệ thống bãi lọc ngầm nhân tạo, với tiêu chí dễ vận hành, chi phí vận hành thấp, vừa xử lý nước thải vừa khôi phục cảnh quan môi trường, kết hợp làm công viên sinh thái, dễ áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng đệm chuyển động MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor). Ưu điểm là tiết kiệm chi phí, vận hành linh hoạt và đơn giản, hiệu quả xử lý nhanh; công nghệ linh hoạt; lâu bền và ổn định; nâng cấp đơn giản; xử lý đến 98% BOD và Nitrogen; thân thiện với môi trường. Đối với các trạm xử lý nước thải của các tòa nhà cao tầng, thương mại, dịch vụ hay khu đô thị, các chủ đầu tư cũng áp dụng công nghệ sinh học đa dạng .

Quản lý và vận hành còn bất cập

Tình trạng xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa xây dựng mạng lưới thoát nước, nên không đủ nước thải để nhà máy xử lý nước thải hoạt động hết công suất thiết kế vẫn còn xảy ra. Ngoài ra, một số công trình không thực hiện như thiết kế xây dựng ban đầu. Chẳng hạn một nhà máy xử lý nước thải công suất ban đầu 3.500 mét khối/ngày đêm hoạt động từ năm 2007, đến nay được 8 năm và đã quá tải, công suất đạt tới 5.500 mét khối/ngày đêm. Đa số cán bộ nhân viên được đào tạo ban đầu nay đã chuyển làm nghề khác, nhà máy bỏ công đoạn xử lý phân bùn bể phốt. Lượng bùn tạo ra rất ít, khâu xử lý bùn dường như không hoạt động. Sân phơi bùn hoàn toàn để không. Về thiết kế, quy hoạch nhà máy xử lý nước thải, cán bộ phụ trách cho rằng quy hoạch chưa hợp lý. Nếu bố trí sân phơi bùn phía trong, tại vị trí khu nhà điều hành thì sẽ tránh được sự lan tỏa mùi, dân xung quanh sẽ không kêu ca, khiếu nại. Nhưng mặt khác, người cấp phép cho dân lại cấp vào khu quy hoạch của nhà máy xử lý nước thải , để cuối cùng dân lại kêu ca, phàn nàn về vấn đề mùi.

Đối với các trạm xử lý nước thải của các tòa nhà cao tầng, thương mại, dịch vụ hay khu đô thị, việc quản lý, vận hành do chủ dự án tổ chức thực hiện. Các khu dân cư tại Ninh Bình; thị xã Sông Công (Thái Nguyên); phường Tây Mỗ, Hà Nội do UBND xã, phường tổ chức vận hành quản lý.

Tại Hà Nội, khoảng một nửa số khu đô thị mới có trạm xử lý nước thải. Các trạm xử lý nước thải của các đối tượng này thuộc loại công suất nhỏ, chỉ 1000 mét khối/ngày đêm, một số có công suất lớn như khu đô thị mới Time City Hà nội (3000 mét khối/ngày đêm). Song vấn đề vận hành và bảo dưỡng chưa được các chủ dự án coi trọng đúng mức. Chẳng hạn như định kỳ xả bùn chưa được tuân thủ theo hướng dẫn. Bằng ch ứ ng là trạm xử lý nước thải của các B ệnh viện Việt Đức đưa vào vận hành từ năm 2007 và Bệnh viện K đưa vào vận hành từ năm 2009 nhưng nay đã không hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do việc bảo dưỡng thường kỳ chưa được thực hiện.

Tình hình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt khá đa dạng, tùy thuộc điều kiện cụ thể từng vùng, từng địa phương, công suất nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung. Vấn đề quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình của các nhà máy, trạm xử lý nước thải là một vấn đề lớn, đòi hỏi các chủ đầu tư và các bên liên quan phải nghiêm túc tuân thủ quy định, quy chế và hướng dẫn kỹ thuật, bảo đảm tính bền vững. Nguồn đầu tư các dự án xử lý nước thải tập trung khác nhau nên suất đầu tư, chi phí quản lý vận hành rất khác nhau. Đến nay, Bộ Xây dựng chưa thể ban hành thông tư quy định ngưỡng về suất đầu tư và chi phí vận hành theo công nghệ, công suất khác nhau. Do chưa có cơ chế thống nhất về lương cán bộ công nhân viên, nên không thể giữ được họ làm công tác quản lý vận hành các nhà máy xử lý nước thải tại một số nhà máy. Vì vậy, cần điều tra, khảo sát để đánh giá tình hình một cách hệ thống, tìm ra những nguyên nhân, đề xuất các giải pháp và quy chế cụ thể, nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy, trạm xử lý nước thải, góp phần bảo vệ môi trường đô thị./.