Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và những tác động của nó
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp cho vay nhà ở đang tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt tại Mỹ, nhiều ngân hàng bị thua lỗ, bị phá sản và có nguy cơ phá sản, phải bán lại, sáp nhập hay thôn tính,... Quốc hội Mỹ đã phải thông qua kế hoạch cứu trợ khẩn cấp 700 tỉ USD. Ngân hàng Trung ương châu Âu, Chính phủ Anh, Pháp, Đức, Bỉ,... đã phải đưa ra hàng loạt biện pháp cũng như tung ra các khoản cho vay lớn để cứu trợ một số ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hay thiếu thanh khoản. Vậy cuộc khủng hoảng trên tác động đến nền kinh tế thế giới như thế nào?
I - Khủng hoảng hệ thống tài chính tại Mỹ
Nếu trong hơn 7 tháng đầu năm 2008, tình trạng thua lỗ, phá sản hầu như chỉ tập trung vào các ngân hàng nhỏ và trung bình ở Mỹ, thì từ cuối tháng 8-2008 đến nay đã lan sang các ngân hàng có tên tuổi trong cộng đồng tài chính toàn cầu. Integrity Bank là ngân hàng bán lẻ thứ 10 của Mỹ bị phá sản từ đầu năm 2008. Ngày 7-9-2008, chính quyền Mỹ chính thức tiếp quản hai tập đoàn cho vay thế chấp khổng lồ Freddie Mac và Fannie Mae, ước tính Chính phủ phải tốn 25 tỉ USD trong vụ này. Phần lớn các chuyên gia tài chính Mỹ nhận định, nếu Freddie Mac và Fannie Mae sụp đổ, hệ thống tài chính toàn cầu sẽ rơi vào một cú sốc lớn.
Tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư tại Mỹ- Lehman Brothers Holdings trong quý II và III năm 2008 đã lỗ gần 7 tỉ USD; trong đó riêng quý III lỗ 3,9 tỉ USD. Nguyên nhân thua lỗ lớn của Tập đoàn ngân hàng này là do các khoản nợ xấu trong lĩnh vực tín dụng thứ cấp thế chấp mua nhà tại Mỹ, mà rất nhiều khách hàng không còn khả năng thanh toán. Ngày 15-9-2008, Lehman Brothers Holdings đã nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày 15-9-2008, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch đã tuyên bố sáp nhập với Bank of America với trị giá 50 tỉ USD, tương đương 29 USD/cổ phần do thua lỗ bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới. Trước đó, Bear Stearns cũng đã được bán cho JP Morgan trong tháng 3-2008 với nguyên nhân tương tự.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 700 tỉ USD để mua lại các khoản vay thế chấp có tính thanh khoản yếu và các tài sản khác liên quan đến nợ xấu của các ngân hàng, tập đoàn tài chính.
Tập đoàn bảo hiểm AIG lớn hàng đầu của Mỹ tuyên bố thua lỗ 18 tỉ USD trong 2 quý gần đây; riêng 6 tháng đầu năm 2008 lỗ 13,2 tỉ USD. Ngày 17-9-2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cho AIG vay 85 tỉ USD trong vòng 2 năm nhằm cứu tập đoàn này khỏi nguy cơ phá sản. Đổi lại Chính phủ Mỹ sẽ nắm giữ 79,9% cổ phần của AIG và thay đổi ban lãnh đạo của tập đoàn này. AIG thành lập năm 1919 tại Thượng Hải và hiện có trụ sở chính tại Niu Oóc. Tổng tài sản của AIG tính đến hết quý II năm 2008 là 1.050 tỉ USD và hiện tập đoàn này có 74 triệu khách hàng tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 116.000 nhân viên làm việc.
Ngày 26-9-2008, ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ - Washington Mutual Inc cũng tuyên bố sụp đổ và được bán lại cho JP Morgan Chase bởi thua lỗ 19 tỉ USD do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở. Tính đến hết tháng 6-2008, Washington Mutual Inc có tổng tài sản 310 tỉ USD, với số dư tiền gửi tiết kiệm lên tới 182 tỉ USD, với 2.300 chi nhánh tại Mỹ. Sau khi mua lại Washington Mutual Inc, JP Morgan Chase có 5.400 chi nhánh tại các bang ở nước Mỹ. Đây là ngân hàng lớn thứ ba tại nước này.
Ngày 26-9-2008, Wachovia, Ngân hàng lớn thứ 4 cũng đứng bên bờ vực phá sản. Cuối ngày 26-9-2008, cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn 8,9USD, giảm 80,25% so với 1 năm trước, đến ngày 29-9-2008 chỉ còn dưới 1 USD. City Group đã quyết định mua lại mảng hoạt động tín dụng của ngân hàng này với giá 2,16 tỉ - 2,2 tỉ USD. Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Vụ mua bán này đem lại cho City Group thêm 3.300 chi nhánh và văn phòng tại 21 bang của Mỹ.
Ngày 19-9-2008, Chính phủ Mỹ đã đưa ra kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 700 tỉ USD để mua lại các khoản vay thế chấp có tính thanh khoản yếu và các tài sản khác liên quan đến nợ xấu của các ngân hàng, tập đoàn tài chính. Tuy nhiên, khi khoản trợ cấp này chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, các chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ đã bị sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, thậm chí, chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ bị " bốc hơi" mất tới 1.100 tỉ USD. Ngày 1-10-2008, Thượng nghị viện và ngày 3-10-2008, Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua kế hoạch nói trên sau khi đã được Chính phủ Mỹ sửa đổi và bổ sung. Tuy nhiên, đến ngày 6-10-2008, chỉ số Dow Jones của Mỹ lần đầu tiên kể từ ngày 29-10-2004 đã tụt xuống dưới 10.000 điểm.
Ngày 6-10-2008, FED công bố các biện pháp khẩn cấp mới để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang leo thang. FED tăng khoản vay kỳ hạn 28 ngày và 84 ngày lên 150 tỉ USD cho mỗi kỳ hạn, có hiệu lực từ 6-10-2008. Như vậy, với số tiền 300 tỉ USD mới bơm thêm vào thị trường tài chính, tổng số tiền định kỳ rót theo chương trình cho vay khẩn cấp mang tên "Chương trình đấu giá cho vay kỳ hạn" (TAF) của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên 600 tỉ USD. Trong tháng 11-2008, số tiền các ngân hàng Mỹ được vay theo hai kỳ hạn nói trên tiếp tục được duy trì ở mức 150 tỉ USD cho mỗi kỳ hạn. Do đó, tổng số tiền cho vay theo chương trình TAF đến cuối năm 2008 có khả năng lên tới 900 tỉ USD.
II - Lan sang hệ thống ngân hàng châu Âu
Các Ngân hàng ở Anh đã chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp cho vay nhà ở tại Mỹ. Điển hình trong số đó là Ngân hàng Northern Rock Bank bị khoản nợ xấu lên tới 191,6 tỉ USD (hết tháng 7-2008). Trong tháng 9-2007, tại thời điểm mới xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở tại Mỹ được hơn 2 tháng, Ngân hàng Trung ương Anh - BOE đã phải bơm 27 tỉ bảng Anh để cứu Northern Rock Bank khỏi bị sụp đổ, sau đó ngân hàng này đã trả được 9,4 tỉ bảng nợ cho BOE. Song mới đây, trong tháng 7 và đầu tháng 8-2008, Bộ Tài chính Anh phải bơm thêm 3 tỉ bảng, tức khoảng 5,86 tỉ USD để cứu Northern Rock Bank trong tình trạng tổn thất tín dụng ngày càng gia tăng.
Không chỉ các ngân hàng ở Anh bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại Mỹ, mà chính thị trường nhà đất của nước này cũng bị ảnh hưởng và trên đà đi xuống, giá giảm, giao dịch trầm lắng. Ngày 2-9-2008, Chính phủ Anh đã phải thông qua các giải pháp cả gói trị giá 1 tỉ bảng nhằm cứu vãn thị trường nhà đất đang xuống dốc. Tập đoàn ngân hàng HSBC cuối tháng 9-2008 đã tuyên bố cắt giảm 1.100 nhân viên làm việc, nhằm làm giảm nguy cơ thua lỗ.
Ngày 29-9-2008, Bộ Tài chính Anh đã chính thức tuyên bố quốc hữu hóa tập đoàn cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất nước này là Bradford & Bingley Plc nhằm bảo vệ khách hàng của tập đoàn này do thua lỗ lớn liên quan đến cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Mỹ và không có khả năng trụ vững. Tổng giá trị sổ sách các khoản thế chấp và vay là 50 tỉ bảng Anh. Đây là ngân hàng lớn thứ ba tại Anh.
Ngày 8-10-2008, Chính phủ Anh tuyên bố kế hoạch tung ra 50 tỉ bảng, tương đương khoảng 87 tỉ USD để cứu 8 ngân hàng của nước này có nguy cơ bị phá sản. Đây là một phần trong cả gói cứu trợ gồm ba phần với tổng trị giá lên đến xấp xỉ 550 tỉ bảng để bơm vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Anh theo các kênh khác nhau.
Tiếp theo ngân hàng nói trên của Anh, cuối tháng 9-2008 có thêm một số ngân hàng lớn khác tại châu Âu, như: Fortis của Bỉ và Luc-xăm-bua, Dexia của Bỉ và Pháp; đầu tháng 10-2008 có thêm ngân hàng Hypo Real Estate của Đức cũng lâm vào khủng hoảng khiến chính phủ các nước đó phải cứu trợ bằng các biện pháp tài chính cần thiết.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ công bố các biện pháp khẩn cấp mới để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang leo thang: tăng khoản vay kỳ hạn 28 ngày và 84 ngày lên 150 tỉ USD cho mỗi kỳ hạn, có hiệu lực từ.
Hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường tài chính của Nga cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đợt sụt giảm trên thị trường chứng khoán Nga diễn ra trong tháng 9-2008 đã làm "bốc hơi" tới 800 tỉ USD giá trị cổ phiếu trên thị trường. Chính phủ Nga cũng đã phải bơm hàng chục tỉ USD để cứu vãn thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng của nước này. Tính đến ngày 7-10-2008, thị trường chứng khoán Nga đã 2 lần phải tạm thời đóng cửa, chỉ số chứng khoán giảm mạnh. Chỉ trong quý II và quý III, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 16,6 tỉ USD từ Nga trong khi vốn đầu tư nước ngoài vào Nga từ đầu năm 2008 đến hết tháng 9-2008 chỉ có 0,8 tỉ USD. Trong một thời gian ngắn khoảng 3 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2008, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tung ra thị trường 170 tỉ USD để cứu các ngân hàng và công ty tài chính. Ngày 8-10-2008, Tổng thống Nga công bố kế hoạch cung cấp 950 tỉ rúp, tương đương 36,4 tỉ USD để cho các ngân hàng vay với thời hạn 5 năm. Với dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá tới 563 tỉ USD và nguồn dự trữ dầu mỏ, khí đốt dồi dào, Nga được đánh giá là một trong số các nền kinh tế có thể trụ vững trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nga cũng đã chấp thuận cho Ai-xơ-len vay 5,4 tỉ USD để cứu vãn thị trường tài chính của nước này.
III - Tác động đến châu Á
Nếu trước đây cộng đồng tài chính quốc tế cho rằng, hệ thống ngân hàng châu Á ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại Mỹ, thì thời gian gần đây hệ thống này đang bị tác động mạnh.
Ngày 8-10-2008, theo sự giảm sút chung toàn cầu, thị trường chứng khoán châu Á trải qua một ngày "hết sức đen tối". Hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á trong tình trạng bị "rơi tự do". Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm tới 9,4%, xuống còn 9.203,32 điểm. Đây là mức giảm lớn nhất trong một phiên trên thị trường này kể từ năm 1987. Chỉ số Hangseng của Hồng Công giảm 5,2%. Chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 4,3%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5,8%. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Đài Loan giảm 5,8% và của Xin-ga-po giảm 5,5%. Thị trường chứng khoán In-đô-nê-xi-a phải tạm dừng giao dịch sau khi chỉ số chứng khoán nước này giảm hơn 10%. Chỉ số trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải, Ma-lai-xi-a... cũng ở trong tình trạng sụt điểm mạnh.
Để chống đỡ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính này, chính phủ các nước trên thế giới đều sử dụng các nguồn lực tài chính, trị giá hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ USD để bơm vào hệ thống ngân hàng, công ty tài chính và thị trường tài chính thông qua các nghiệp vụ cho vay, quốc hữu hóa, mua lại nợ, mua cổ phiếu,...
Theo Trung tâm tài chính quốc tế Hàn Quốc (KCIF), từ tháng 6 đến tháng 9-2008, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút gần 15 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, mức rút vốn lớn nhất trong các thị trường trọng yếu tại châu ; rút 11,3 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán vùng lãnh thổ Đài Loan; 5,3 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ. Riêng trong tháng 9-2008, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra lượng cổ phiếu trị giá 8,2 tỉ USD. Tại các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực, như: Hàn Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Thái Lan, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a,... các nhà đầu tư cũng suy giảm lòng tin.
Để chống đỡ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính này, chính phủ các nước trên thế giới đều sử dụng các nguồn lực tài chính, trị giá hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ USD để bơm vào hệ thống ngân hàng, công ty tài chính và thị trường tài chính thông qua các nghiệp vụ cho vay, quốc hữu hóa, mua lại nợ, mua cổ phiếu,...
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, ngân hàng khác mua lại những ngân hàng bị đổ vỡ, hay sáp nhập.
Nâng mức bảo hiểm tiền gửi của người dân tại các ngân hàng và tổ chức tài chính. Chính phủ cam kết bảo đảm an toàn và chi trả đầy đủ tiền gửi tiết kiệm của dân chúng tại các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Ngân hàng trung ương các nước cắt giảm lãi suất cơ bản, tăng khả năng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và tổ chức tài chính thông qua các nghiệp vụ cho vay. Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến cắt giảm lãi suất chủ đạo đồng USD từ mức 2% xuống 1,5%/năm. Ngân hàng Trung ương Anh (BOA) cắt giảm lãi suất từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất đồng ơ-rô từ 4,25%/năm xuống còn 3,75%/năm. Ngân hàng Trung ương Ô-xtrây-li-a giảm lãi suất từ 7%/năm xuống 6%/năm. Ngân hàng Trung ương Ca-na-đa giảm từ 3% xuống 2,5%/năm; Thụy Sỹ từ 2,75% xuống 2,25%; Thụy Điển từ 5% xuống 4,25%/năm; Trung Quốc từ 7,24% xuống 6,93%; Đặc khu hành chính Hồng Công từ 3,5% xuống 2,5%; Nhật Bản giữ nguyên mức 0,5%;... Nhìn chung số đông ngân hàng trung ương các nước có mức cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong hàng chục năm qua nhằm hy vọng tác động tích cực vào thị trường tài chính.
Cho đến nay cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ chưa tác động rõ rệt, trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải lường trước những khả năng ảnh hưởng của nó ở mức độ nào đó đến nước ta để có những biện pháp đối phó. Những ảnh hưởng của nó có thể biểu hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, khách quốc tế nói chung và khách đến từ thị trường Mỹ nói riêng có giảm hay không; đồng thời mức chi tiêu của họ tại thị trường Việt Nam như thế nào và điều đó có tác động đến nguồn thu ngoại tệ hay không.
Thứ hai, nguồn kiều hối giảm, nguồn cung ngoại tệ trong nước sẽ thế nào: giảm hay ổn định hoặc tăng nhẹ.
Thứ ba, mức độ suy giảm vốn đầu tư gián tiếp có diễn ra và có tác động giảm cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam hay không.
Thứ tư, vốn đầu tư trực tiếp giải ngân và thực hiện có đạt được như kỳ vọng hay không.
Thứ năm, tác động tâm lý gián tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào.
Thứ sáu, diễn biến của thị trường bất động sản cũng như tác động về mặt tài chính của thị trường này đối với các bên liên quan ra sao.
Theo thông tin đã được công bố, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang cơ cấu lại tiền gửi ở nước ngoài, chuyển đến các ngân hàng tại những nơi an toàn hơn, như Hồng Công, Xin-ga-po,... Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam từ tháng 6-2008 đến nay đã tăng thêm 1,2 tỉ USD.
Ủy ban giám sát tài chính Đài Loan (FSC) đã tiếp quản Chinfon Bank, trong khi ngân hàng này có 2 chi nhánh tại Việt Nam. Đây là 2 chi nhánh có quy mô nhỏ, hiện tại dư nợ cho vay khách hàng là 73 triệu USD, trong đó 70% là khách hàng Đài Loan. Hai chi nhánh này còn vay của ngân hàng mẹ và các ngân hàng khác 93,6 triệu USD và 387 tỉ đồng. Hai chi nhánh này hiện vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam.
Mỹ hiện có một số chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường và hệ thống ngân hàng này tại Mỹ không rơi vào tình trạng bị phá sản, thôn tính, hay bán lại. Các tập đoàn ngân hàng khác của châu Âu đang có chi nhánh ở Việt Nam cũng đang hoạt động bình thường.
Cho đến nay cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ chưa tác động rõ rệt, trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải lường trước những khả năng ảnh hưởng của nó ở mức độ nào đó đến nước ta để có những biện pháp đối phó. |
Ngày 3-10-2008, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 288 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nước ta. Kết luận nêu rõ, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng đến kinh tế nước ta cho tới thời điểm này là chưa có, nhưng có tác động gián tiếp ở mức độ không lớn, không nhiều tới các lĩnh vực hoạt động: tài chính, tiền tệ, thương mại, dịch vụ và thu hút vốn nước ngoài. Để chủ động phòng, tránh, nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng; đồng thời tranh thủ thời cơ, phát triển nội lực, tận dụng tốt hơn ngoại lực nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế đề ra, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tập trung một số biện pháp cụ thể về thực hiện có kết quả 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhưng cần điều hành linh hoạt; về điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách. Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành theo dõi, đánh giá tình hình thị trường tài chính Mỹ và thế giới, xác định những tác động và mức độ ảnh hưởng tới từng lĩnh vực để chủ động đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp, hoặc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý cụ thể, thích hợp thuộc lĩnh vực được giao nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, thường xuyên theo dõi sát diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng tài chính nói trên cũng như khả năng tác động đến nền kinh tế Việt Nam để chủ động đưa ra các phương án phòng ngừa là hết sức cần thiết./.
Hãy nói không với mọi hình thức bạo lực  (25/11/2008)
Chủ tịch Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia, Chủ tịch Thượng viện Cam-pu-chia Xăm-đéc Chia Xim thăm hữu nghị chính thức Việt Nam  (25/11/2008)
Cả nước có gần 11.800 công trình, dự án tại các xã đặc biệt khó khăn  (25/11/2008)
Một số cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong gần 40 năm qua  (25/11/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 17-11 đến 23-11-2008)  (24/11/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay