Trước những khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu hiện nay, đã có các ý kiến khác nhau khi nhận định về khả năng vượt qua “cơn bĩ cực” này của nước Mỹ, và do đó, liên đới đến kinh tế toàn cầu. TCCS Điện tử xin giới thiệu những cách nhìn khác nhau để bạn đọc tham khảo.

1. Những đánh giá của giới phân tích

“Trường phái bi quan” cho rằng, từ nay đến cuối năm 2009, chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ càng xấu hơn. Với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, kinh tế Mỹ khó tránh khỏi suy thoái trầm trọng, thậm chí sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Trong điều kiện có nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính hiện nay, dù Chính phủ có “bơm” tiền vào để cứu các ngân hàng thương mại và mua các chứng khoán đã mất giá để cứu các tập đoàn tài chính, bảo hiểm như động thái vừa qua, thì hệ thống tín dụng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn khó có thể hoạt động bình thường lại ngay.

Cùng với loại ý kiến trên, các dự báo của một số tổ chức kinh tế quốc tế có thương hiệu khi nhận định và dự báo về kinh tế Mỹ cũng đều đưa ra những con số khá bi quan. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2008, kinh tế Mỹ chỉ có thể tăng trưởng khoảng 1,6%, và năm 2009 dự báo là 0,1%, gần như sẽ không tăng trưởng. Nếu xét từng quý thì tình huống hiện tại có khi còn trầm trọng hơn vì theo thăm dò của Tạp chí Phố Uôn (Wall Street Journal) ngày 9-10-2008, đa số các nhà kinh tế đều cho rằng, Mỹ đang ở giữa đường hầm, kinh tế trong quý 3 và quý 4 của năm 2008 và kể cả quý 1 của năm 2009 cũng đều tăng trưởng ở số âm. GDP liên tục giảm trong 3 quý là hiện tượng chưa từng có trong nửa thế kỷ qua.

Vẫn những ý kiến bi quan đã cho rằng, tình hình của Mỹ hiện nay gần giống với cuộc đại khủng hoảng của Mỹ và thế giới trong thập niên 30 của thế kỷ XX, hoặc gần giống với thời kỳ suy thoái kinh tế của Nhật Bản trong thập niên 1990. Đại khủng hoảng làm cho nước Mỹ mất 10 năm mới đưa mức sản xuất trở lại thời trước khủng hoảng. Nhật Bản cũng mất hơn 10 năm mới ổn định được hệ thống tín dụng và khôi phục nền kinh tế. Từ các so sánh này, nhiều người đã lo ngại suy thoái hiện nay của kinh tế Mỹ có thể kéo dài tới 10 năm.

Ngược với trường phái bi quan “trường phái lạc quan” nhìn nhận tình hình kinh tế Mỹ hiện nay tuy có nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng vẫn sáng sủa hơn so với đại khủng hoảng 1929-1933 mà khởi nguồn cũng từ cuộc khủng hoảng tài chính với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ. Bởi lẽ, thứ nhất, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, các đối sách phục hồi kinh tế của Mỹ không đơn độc mà chắc chắc có sự hợp tác, hỗ trợ nhau của các nền kinh tế lớn để cùng vượt qua khó khăn, thách thức. Nếu kinh tế Mỹ sụp đổ sẽ kéo theo sự bất ổn ở các nền kinh tế khác, vì thế, EU, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác bằng mọi cách sẽ không để xảy ra như vậy. Bằng chứng là những tháng qua, việc hợp tác cùng chống suy thoái kinh tế giữa các nền kinh tế này với Mỹ đã được thực thi ráo riết, bắt đầu từ chính sách lãi suất. Vào ngày 15-11, đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế họp ở Oa-sinh-tơn, gồm đại diện của 20 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, bàn cách tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, thách thức của sự suy thoái đó.

Thứ hai, khác với thập niên 30 của thế kỷ XX, khi đó Mỹ và nhiều nước khác đều gặp khó khăn ở mức độ gần như nhau, trong khi hiện nay, ngoài Mỹ và Nhật Bản ra, kinh tế nhiều nước khác vẫn phát triển khá mạnh. Năm 2007, tăng trưởng ở Mỹ là 2%, Nhật Bản khoảng 3%, trong khi tăng trưởng chung của thế giới là 5%, cả Trung Quốc và Nga đều trên 8%... Theo dự báo của IMF, năm 2008, vì suy thoái nên kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6%, trong khi kinh tế thế giới, mặc dù suy thoái nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng 3,9%.

Sự tương quan đó, cùng với cơ chế hợp tác đã có của các nước lớn và mức tăng trưởng chung của kinh tế thế giới dù không nhiều, chắc chắn vẫn là điều kiện thuận lợi lớn về thị trường giúp kinh tế Mỹ mau hồi phục. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ khoảng 6%, có thể sẽ tăng lên trong năm 2009, nhưng khó có thể xảy ra thất nghiệp tăng lên tới mức 25% như nước Mỹ đã phải chịu ở thập niên 1930.

Thứ ba, vai trò của Chính phủ Mỹ, dù là dưới “triều đại” của Tổng thống G.Bu-sơ hiện nay hay từ tháng 1-2009 sắp tới sẽ là của tân Tổng thống B.Ô-ba-ma, ngày càng được khẳng định trong quản lý, điều tiết nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vì có các cơ chế làm dịu tác động của khủng hoảng so với giai đoạn đại suy thoái. Để giảm sự lo âu cho những người gửi tiết kiệm ở ngân hàng với số tiền lớn, Chính phủ Mỹ mới đây đã tuyên bố nâng mức bảo hiểm số tiền gửi từ 100.000 USD lên 250.000 USD và Tổng thống G.Bu-sơ đã công bố kế hoạch giải cứu thị trường tài chính. Theo đó, 250 tỉ USD trong số 700 tỉ của gói cứu trợ sẽ được dùng ngay trong năm nay để mua lại cổ phiếu của 9 ngân hàng và thực hiện các biện pháp khác nhằm giải cứu cuộc khủng hoảng tín dụng đang đe doạ đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc đại suy thoái. Trong đó, có những vụ giải cứu điển hình như trường hợp ngày 15-9 vừa qua để “cứu mạng” của “đại gia” ngân hàng huyền thoại và cũng là tập đoàn tài chính vào loại lớn nhất toàn cầu của Mỹ là Merrill Lynch (94 tuổi); Chính phủ Mỹ đã phải quyết định cho Ngân hàng Quốc gia Mỹ (Bank of America Corp.) mua lại cả Tập đoàn Merill với giá 50 tỉ USD. Còn tập đoàn tài chính cũng vào loại lớn nhất của Mỹ là American International Group (AIG) cũng đã được “cứu mạng” bằng việc Chính phủ Mỹ quyết định bơm tới 85 tỉ USD - vốn của Cục Dự trữ liên bang (FED), vào tập đoàn tài chính đang có nguy cơ phá sản này… Hàng loạt quyết định kịp thời đó là bằng chứng thể hiện rõ nhất về “sức mạnh hữu hình” của bàn tay nhà nước trong điều tiết “sức mạnh vô hình” của bàn tay thị trường.

Thứ tư, so với suy thoái kinh tế Nhật Bản vào thập niên 1990, tình hình suy thoái của kinh tế Mỹ hiện nay cũng khác ít nhất ở hai điểm sau:
 
Một là, thị trường bất động sản của Nhật Bản vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 tăng nhanh đến mức quá cao, một cách bất thường, hình thành nền kinh tế “bong bóng” quá lớn nên khi “nổ” đã tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Tình hình của kinh tế Mỹ hiện nay có phần phức tạp hơn do các công cụ đầu tư vào các loại thị trường hiện tại đã đạt tới trình độ rất cao, rất tinh vi, khó kiểm soát, nhưng riêng về giá bất động sản thì sự biến động tăng, giảm lại không lớn lắm so với Nhật Bản hơn thập niên trước.

Hai là, trong thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản do bị giảm phát nặng nên lãi suất danh nghĩa giảm đến gần số không nhưng lãi suất thực vẫn cao. Trong khi đó, hiện nay Mỹ chỉ lạm phát vài phần trăm nên dễ dùng chính sách tiền tệ kích thích sản xuất hơn so với Nhật Bản hồi thập niên 1990.

Do thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nên kinh tế Nhật Bản đã hồi phục dần, kể từ năm 2003 đến nay. Tuy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng còn khá chậm chạp, bình quân tăng từ 2 đến 3% (năm 2008 này, theo dự báo, có thể là 2%), song cũng cho thấy hy vọng là, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã có thêm điều kiện để sẽ hỗ trợ cho sự hồi phục của kinh tế Mỹ hiện nay.

Điều cần thấy từ kinh nghiệm của Nhật Bản ở thập niên 1990 là, một mặt, Chính phủ can thiệp tích cực vào thị trường ngoại hối để giữ cho đồng yên ở mức thấp so với đồng USD trong hàng chục năm liền và nhờ đó, đẩy mạnh được xuất khẩu. Mặt khác, Chính phủ đã bơm tiền vào ngân hàng, nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn cho vay… Những giải pháp đó đã có tác dụng lớn, giúp kinh tế Nhật Bản từng bước hồi phục dần, và như đã biết, vai trò của Chính phủ Nhật Bản khi đó đã “sáng ngời” hẳn lên là do công lao “chèo lái” của cựu Thủ tướng Côi-dư-mi. Khi đó, trong những thời điểm “nguy cấp” nhất, để cứu các “đại gia” thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các tập đoàn kinh tế lớn khỏi bị phá sản, bên cạnh sự nỗ lực “giải cứu” của chính người Nhật cũng đã có những hỗ trợ đồng thời của các nền kinh tế lớn khác, trong đó phải kể đến vai trò tích cực và trực tiếp của Mỹ, vốn là đồng minh chiến lược số 1 của Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò hỗ trợ gián tiếp của Trung Quốc, bởi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao suốt cả một giai đoạn dài (những năm từ 1990 đến 2003) đã góp phần làm tăng hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khiến kinh tế Nhật Bản chóng hồi phục..

Các yếu tố nêu trên, nếu đối chiếu với ngày nay, cũng có thể thấy tái hiện lại trong trường hợp của kinh tế Mỹ. Do đó, cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, hy vọng rằng cũng có thể không đến mức bị kéo dài như Nhật Bản ở thập niên 1990 và càng không đến nỗi quá “bĩ cực” như lo ngại của “trưòng phái bi quan”

Vì thế, cũng có thể từ cuối năm 2009 trở đi, theo ý kiến của “trường phái lạc quan”, kinh tế Mỹ sẽ có triển vọng sáng sủa hơn để từng bước tiến dần vào quá trình hồi phục. Điều này sẽ càng khả thi hơn khi mà không ít người Mỹ đã và đang được tiếp thêm một “sức mạnh tinh thần” từ lòng tin vào những bước phát triển mới sẽ có ở nước Mỹ dưới thời cầm quyền của vị tân Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ - ông Ba-rắc Ô-ba-ma - kể từ tháng 1-2009 sắp tới.

2. Mạn bàn đôi điều

Quan điểm của người viết bài này nghiêng về loại ý kiến thuộc “trường phái lạc quan”. Tuy nhiên, cũng xin được bàn thêm ở một khía cạnh mà trên đây đã phần nào nhắc đến. Đó là tiềm lực, sức mạnh, nhất là về kinh tế, của chính nước Mỹ hiện nay.

Về kinh tế, tuy Mỹ chỉ chiếm 4,7% dân số toàn cầu, nhưng GDP lại chiếm tới trên 30%, lớn hơn 4 nước đứng sau Mỹ cộng lại (Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Anh). Chẳng hạn, năm 2006, GDP của Mỹ là 13.152,7 tỉ USD và năm 2007 là 13.160,0 tỉ USD, cao hơn hẳn so với 12.434,35 tỉ USD của Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Anh cộng lại. Ngoài ra, Mỹ còn chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch ngoại thương toàn thế giới; kiểm soát hầu hết các tổ chức tài chính, tiền tệ và thương mại quốc tế; phần lớn các công ty xuyên quốc gia là của Mỹ; đi đầu trong kinh tế tri thức, và chiếm khoảng 75% khu vực dịch vụ toàn cầu.

Về khoa học - công nghệ, ưu thế cũng thuộc về Mỹ, bởi Mỹ chiếm khoảng 70% sản phẩm công nghệ cao của thế giới. Chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Mỹ lớn nhất thế giới, chiếm trên 60% tổng chi phí cho lĩnh vực này của toàn thế giới. Cụ thể, năm 2004, chi phí cho R&D của Mỹ đạt 290 tỉ USD, gấp hơn hai lần chi phí của Nhật Bản, và lớn hơn tổng số chi phí của Ca-na-đa, Pháp, Đức, I-ta-1i-a, Nhật Bản và Anh cộng lại trong lĩnh vực này. Số lượng nhà khoa học của Mỹ cũng nhiều nhất thế giới (ngay từ năm 1996 đã có 4,63 triệu nhà khoa học). Họ nhận được trên 60% số bằng phát minh, sáng chế và 70% giải thưởng Nô-ben của toàn thế giới.

Về quân sự, Mỹ có bộ máy quân sự khổng lồ, được trang bị hiện đại nhất. Hiện Mỹ có hơn 3 triệu quân, trong đó có l,6 triệu quân thường trực; 536 tàu chiến các loại, trong đó có 31 tàu sân bay; 34 liên đội máy bay chiến đấu, 228 máy bay ném bom; 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ, cùng với 9 bộ tư lệnh và hơn 2000 căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, Mỹ có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ (với hơn 700 đầu đạn hạt nhân) và có vai trò chủ đạo trong các liên minh quân sự, nhất là NATO. Chi phí quân sự của Mỹ lớn nhất thế giới, chiếm 47% chi phí quân sự của tất cả các nước, mặc dù chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP. Năm 2007, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 430 tỉ USD, song thực chi là 670 tỉ USD; năm 2008 dự kiến là 481 tỉ USD, nhưng đến giữa năm đã chi tới 699 tỉ USD.

Về chính trị, Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới công nghiệp phát triển, có ảnh hưởng lớn ở khắp các châu lục và tiếp tục thao túng cục diện chung cũng như nhiều tổ chức quốc tế hàng đầu, với mục tiêu thiết lập trật tự một cực nhằm thực hiện chiến lược lãnh đạo thế giới. 
 
Với tiềm lực, sức mạnh như vậy, Mỹ vẫn còn nhiều ưu thế để duy trì vị thế của mình, thêm vào đó, cả thế giới đang cùng chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà trung tâm "phát sóng" lần này là Mỹ. Những yếu tố đó cho thấy, trật tự thế giới chưa thể “đảo ngược” một sớm, một chiều, tuy nhiên, cả thế giới đều mong chờ, hy vọng Mỹ bớt đơn phương hơn trong quan hệ quốc tế, và, nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng “khủng hoảng” hiện nay, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế toàn cầu nhanh trở lại sự tăng trưởng và phát triển ổn định./.