Giải pháp nhằm phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay
TCCSĐT - Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặc dù đã tích cực tham gia và có đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhưng nhìn chung, báo chí nước ta chưa thể hiện hết vai trò và khả năng của mình, cũng như báo chí còn gặp không ít khó khăn trong cuộc chiến nhiều cam go, phức tạp này. Vấn đề đặt ra là, cần phải làm gì để phát huy hơn nữa vai trò báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Nâng cao nhận thức của xã hội, của nhà báo về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không những là vấn đề cấp bách ở Việt Nam, mà còn là vấn đề của toàn cầu. Hầu hết chính phủ các nước đều nhận ra rằng, chống tham nhũng là một vấn đề quan trọng trong hợp tác quốc tế. Muốn chống tham nhũng, trước hết, phải cảnh báo về tệ nạn tham nhũng và có sự phối hợp đồng bộ ở cấp quốc gia và quốc tế. Thực tế cho thấy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần có tiếng nói chung và hành động chung của cả cộng đồng. Trong đó, sự chủ động, tích cực tham gia của báo chí trong cuộc chiến này sẽ tạo nên tác động xã hội to lớn. Để phát huy vai trò của báo chí, cần phải nâng cao nhận thức của cả xã hội, của báo giới về vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Báo chí phải trở thành phương tiện quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội về tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đó là sự công bố thường xuyên, đầy đủ, có hệ thống đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các bài viết, bài nói mang tính chất chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; báo chí thực sự giúp các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân có điều kiện nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai, thực hiện có kết quả trong thực tế. Thông qua báo chí, cán bộ, công chức và người dân được trang bị thêm nhiều kiến thức cơ bản và mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Không chỉ cung cấp một cách có hệ thống các tri thức hữu ích có tính hướng dẫn, định hướng công tác, báo chí còn có ảnh hưởng nhất định đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Báo chí với các thể loại phong phú, đa dạng của mình đã phản ánh, phân tích, lý giải sâu sắc các khía cạnh tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cùng những nguyên nhân của nó để từ đó giúp các cơ quan chức năng hiểu biết sâu sắc và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.
Nhờ báo chí, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ; nhận thức của đội ngũ báo chí, của cán bộ, công chức và nhân dân về đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã chú trọng hơn việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức; đề ra những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tệ nạn tham nhũng. Đồng thời, các ngành, các cấp cũng đã cố gắng chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với công tác đấu tranh chống tham nhũng tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh tham nhũng và lãng phí, như: quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; tài chính, tín dụng; các chương trình, dự án đầu tư. Do đó đã phát hiện và thu hồi về cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, hàng ngàn héc-ta đất, cùng nhiều tài sản có giá trị khác; xử lý nhiều cán bộ, công chức sai phạm.
Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của báo chí với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Đồng thời, cũng cho thấy đội ngũ các nhà báo nước ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò to lớn của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và góp phần cỗ vũ, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh này. Khi nhận thức của toàn xã hội, của báo chí được nâng cao thì sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, cần phải đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Một là, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo và nâng cao hơn nữa hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Hai là, cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước cho phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí là nguyên tắc, là điều kiện tiên quyết để báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước càng được đổi mới, hoàn thiện, càng có hiệu quả thì báo chí càng có điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Do đó, khẳng định đổi mới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí vừa là yêu cầu khách quan, vừa là đòi hỏi của bản thân báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng bằng định hướng chính trị, tư tưởng, thông tin. Kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện các định hướng đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua các tổ chức Đảng và các đảng viên của mình.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ bằng đường lối mang tính định hướng mà còn thường xuyên chỉ ra cho báo chí những phương hướng cụ thể trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng theo hướng, Đảng thông qua việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, cấp ủy Đảng thực hiện tốt sự lãnh đạo của mình mà không sa vào những sự việc cụ thể, hoặc đi quá sâu vào nghiệp vụ chuyên môn; bảo đảm cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự có hiệu quả.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là yêu cầu bức thiết. Bởi sự lãnh đạo của Đảng thông qua chính hoạt động quản lý của bộ máy Nhà nước đối với báo chí thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chỉ có thể phát huy được tiềm năng, vai trò, sức mạnh của báo chí khi tiến hành công tác quản lý báo chí một cách có hiệu quả.
Ban hành cơ chế, chính sách phối hợp giữa báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan chức năng, giữa báo chí và người tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Hiện nay, ở nước ta, hầu như các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, mỗi đơn vị, ít nhất cũng có một tờ báo, hoặc tạp chí. Những năm qua, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã thể hiện rõ vai trò và sức mạnh của mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng trong các bộ, ngành, địa phương không phải do chính báo chí của cơ quan mình phát hiện, mà thường là báo chí “bên ngoài” tham gia vào việc này. Thực là, báo chí trong bộ, ngành, địa phương chỉ đưa vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở bộ, ngành khác, địa phương khác. Đặc biệt là, các cơ quan chức năng cũng chưa có cơ chế, chính sách có hiệu lực đối với các cơ quan báo chí trong việc phối hợp đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản và mấu chốt nhất hiện nay vẫn là căn bệnh “thành tích”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”. Phần lớn báo chí của chúng ta, còn mang nặng tính bao cấp. Cơ quan chủ quản cấp kinh phí, trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc cho cơ quan báo chí dưới quyền hoạt động; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, chi tiền lương và các khoản phụ cấp, chế độ khác cho những người làm báo như đối với mọi cán bộ, công chức, viên chức khác. Nhà báo trở thành người làm công ăn lương của cơ quan chủ quản. Về phía cơ quan báo chí, với tư cách là tiếng nói, cơ quan ngôn luận của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể... thì về nguyên tắc, phải tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản thông qua một số sở, ban, ngành, cơ quan chuyên trách quản lý báo chí. Do bị cơ chế cơ quan chủ quản ràng buộc, chi phối, một số biên tập viên, thậm chí cả Tổng Biên tập có những thông tin về cán bộ lãnh đạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình vi phạm Điều lệ Đảng, Điều lệ hội, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng không dám đăng tải những vấn đề tiêu cực, nổi cộm, bức xúc đó trên báo, tạp chí của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Trước thực tế này, để phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng; vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thời gian tới, cần phải ban hành cơ chế, chính sách phối hợp giữa báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; giữa báo chí và người tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết. Bởi nó sẽ là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của báo chí và người tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường sức mạnh và động lực cho báo chí và nhân dân trong cuộc đấu tranh không kém phần cam go, ác liệt này.
Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí trong thời gian tới càng phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ những thành quả của sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Để làm tốt hơn chức năng là người lính xung kích của Đảng trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhà báo cần có những phẩm chất và năng lực sau:
Một là, say sưa nghiên cứu, tìm hiểu sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước ta phát động. Bài viết của nhà báo không phải với tư cách là “người làm chứng” mà với tư cách là người tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đó. Vì thế, đòi hỏi mỗi nhà báo không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, sẵn sàng lao vào những điểm “nóng”, những nơi phức tạp để nắm vững tình hình mọi mặt của quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hai là, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, nắm vững địa bàn, làm chủ sự kiện, hiện tượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đến tận nơi xảy ra sự việc, mắt thấy, tai nghe tại chỗ. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng vô cùng phong phú và phức tạp. Nhà báo tiếp xúc với sự kiện, thường chỉ chứng kiến một phần của quá trình diễn biến, trong một khoảng thời gian và không gian có hạn. Nếu không quan sát chặt chẽ, sâu sát thì khó có thể thu thập được những tài liệu cần thiết và đầy đủ để phản ánh đúng thực chất của sự việc, đồng thời lại phải qua tư duy của nhà báo để thẩm tra tính hợp lý, tính khoa học của tư liệu.
Ba là, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể và tính chủ động sáng tạo trong biên tập, viết bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong khi đi vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các nhà báo cần có tinh thần trách nhiệm tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật và tính chủ động sáng tạo cao mới có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bài viết là của cá nhân nhà báo, tờ báo lại là tiếng nói của tập thể. Vì thế, bản thân mỗi nhà báo phấn đấu sao cho tiếng nói của mình ăn khớp với tiếng nói của tập thể, làm phong phú thêm tiếng nói của tập thể, nhất thiết không được đi ngược lại.
Bốn là, tôn trọng sự thật khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một phẩm chất rất quan trọng của nhà báo. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Không tôn trọng sự thật khách quan thì nhà báo không thể tìm đến sự thật. Con đường tìm ra bản chất sự vật là con đường gian khổ, chông gai. Vì thế, nhà báo cố gắng hết sức mình để phản ánh chân thật và hùng hồn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân.
Năm là, năng động, xông xáo và nhạy bén để phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất, với chất lượng cao nhất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một đòi hỏi rất cao đối với nhà báo. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không cho phép chậm trễ, tính thời sự là một giá trị của báo chí. Tính năng động, sự nhanh nhạy, tinh thần dũng cảm, hăng say lao vào thực tế cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là một biểu hiện của phẩm chất, năng lực nhà báo. Chống tham nhũng không chỉ quan sát bề ngoài mà còn phải thấu hiểu các mối liên hệ bên trong, vào bản chất của sự vật, hiện tượng. Thế nhưng lại đòi hỏi phải viết nhanh mà trúng, không sai sự thật mà lại còn hay. Đó là một quá trình bám sát công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đầy công phu của mỗi nhà báo./.
Philippines mời Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC  (23/07/2015)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (23/07/2015)
Thủ tướng lên đường thăm Thái Lan và họp Nội các chung Việt - Thái  (23/07/2015)
Kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu  (23/07/2015)
Kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu  (23/07/2015)
Một số mô hình tổ chức chính quyền cơ sở trên thế giới  (23/07/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên