SUMMIT G20 - Bước đầu hướng tới trật tự thế giới mới?
Trong hai năm gần đây, sau bài phát biểu gây ấn tượng mạnh của cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-nich, người ta tranh luận sôi nổi về hình hài của trật tự thế giới mới mà người đứng đầu Điện Crem-li đã phác họa. Họ chưa thật tin rằng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo có thể một sớm một chiều sụp đổ.
Nhưng rồi cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, và tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ sau đó nhanh chóng lan tỏa ra khắp toàn cầu đã làm lung lay không ít những người luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh tuyệt đối của nước Mỹ. Hóa ra, ngay trong lòng nước Mỹ từ lâu đã hình thành những yếu tố gây mất ổn định đến giờ mới bùng phát.
Phát biểu tại Tòa nhà Liên bang ở Niu Oóc ngày 13-11-2008 chuẩn bị cho cuộc họp Nhóm G-20, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã công nhận: “Cuộc khủng hoảng lần này không bộc lộ ngày một, ngày hai nên cũng không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều. Cùng với việc đối phó với tình trạng khủng hoảng hiện nay, chúng ta cũng cần thực hiện những chính sách cải cách sâu rộng hơn nữa để tăng cường sức mạnh về lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu". Nếu như niềm tin nước Mỹ - trung tâm tài chính và kinh tế toàn cầu, đã bị lung lay thì vị thế chính trị hàng đầu thế giới của Mỹ cũng sẽ không còn chắc chắn, vì “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Và hệ quả tiếp theo là sức mạnh quân sự Mỹ cũng sẽ không mạnh được mạnh như trước vì không có gì phụ thuộc mạnh vào kinh tế như quân sự. Vị thế siêu cường duy nhất lãnh đạo thế giới của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực, do đó, đã bị “đụng chạm” không ít.
Trật tự nào cho thế giới tương lai?
Để trả lời câu hỏi đó, cần hướng tới Hội nghị thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu vừa bế mạc tại Oa-sinh-tơn ngày 15-11-2008 vừa qua. Trước hết, nói về địa điểm cuộc họp. Đây thực sự là nơi thích hợp để tổ chức Hội nghị, bởi đến Oa-sinh-tơn vào lúc này, người ta mới thấy hết vị mặn chát của “thực đơn tài chính” mà lâu nay nước Mỹ muốn áp đặt cho cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo các nước phát triển, những nền kinh tế mới nổi, cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, được tổ chức tại Oa-sinh-tơn để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và mở ra xu thế hợp tác, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị đã ủng hộ “Kế hoạch hành động nhanh”, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thống nhất quan điểm về việc cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định phù hợp đối với thị trường tài chính với sự tham gia ngày càng lớn và quan trọng của những nền kinh tế mới nổi lên. Nhiều nguyên thủ quốc gia trong Nhóm G-7 cũng phải công nhận rằng, thiếu vai trò của các nền kinh tế mới nổi, không thể khắc phục được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao (Gordon Brown) tuyên bố, thỏa thuận mà các bên đạt được là “có ý nghĩa lịch sử”. Còn Tổng thống G.Bu-sơ thì nói: “Từ nay, bộ trưởng tài chính các nước sẽ cùng phối hợp soạn thảo các đề xuất cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu”. Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chứng tỏ, từ nay những nền kinh tế đang nổi lên sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh tế toàn cầu. Tổng thống Bra-xin, ông Lu-it I-na-ci-o Lu-la da Sin-va, cũng tuyên bố: "Lúc này, thế giới phải nói về G-20, vì G-8 đã không còn lý do để tồn tại nữa".
Một khi nền kinh tế toàn cầu là tập hợp gắn bó của những nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, không thể loại trừ nhau, thì nền chính trị quốc tế và do đó cả trật tự thế giới mới cũng có lý do để bớt đơn phương hơn.
Các thỏa thuận đa phương tại Hội nghị G-20
Các nhà lãnh đạo thế giới G-20 đã nhất trí về các vấn đề chủ chốt sau:
1. Cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Kể từ khi thành lập, hai tổ chức này đã bị Oa-sinh-tơn thao túng và trở thành công cụ chính trị của Mỹ nhằm khống chế, áp đặt chính sách đối với các nước;
2. Cuối 2008 sẽ đạt được một thỏa thuận mới về thương mại tự do toàn cầu;
3. Tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính và đảm bảo việc công bố chính xác và đầy đủ điều kiện tài chính của các hãng;
4. Yêu cầu bộ trưởng tài chính các nước lập danh sách các tổ chức tài chính mà sự sụp đổ của nó sẽ đe dọa hệ thống kinh tế toàn cầu;
5. Củng cố hệ thống quản lý tài chính của các nước;
6. Có cách nhìn mới về các quy định quản lý thao túng và gian lận thị trường.
Lãnh đạo G-20 nhất trí sẽ nhóm họp lại vào ngày 30-4-2009 để xem xét sự tiến triển sau Hội nghị lần này ở Oa-sinh-tơn. Hội nghị này, dự kiến, sẽ được tổ chức ở Luân Đôn với sự tham dự của Tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.
Thế giới cần có một cơ cấu tài chính mới
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thống G.Bu-sơ nói: "Chúng ta đang làm cho hệ thống tài chính của mình thích ứng với thế giới trong thế kỷ XXI".
Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố: “Cơ cấu tài chính toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II hiện đã lỗi thời. Cần phải xây dựng và tái cấu trúc tài chính quốc tế, đảm bảo cho hệ thống đó hoạt động công bằng, hữu hiệu và hợp pháp". Ông Đ.Mét-vê-đép đề nghị thành lập một ủy ban quốc tế chuyên nghiên cứu, soạn thảo các biện pháp để tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế. Đó là nhóm các chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, có uy tín và hoạt động độc lập. Ông cũng đề nghị có các biện pháp trợ giúp các nước nghèo nhất thế giới thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính khu vực. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép còn đề nghị xem xét lại vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế và thành lập một số trung tâm tài chính thế giới, trong đó có trung tâm tài chính sẽ được thành lập ở Mát-xcơ-va.
Rõ ràng, dù thế nào đi nữa, trật tự kinh tế thế giới trong những năm tới sẽ khác so với trật tự đã từng hình thành trong mấy thập kỷ qua. Hệ quả là trật tự thế giới nói chung cũng sẽ khác trước. Trong bài phát biểu vận động tranh cử ngày 3-11-2008, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nói: “Bài học lớn nhất có thể rút ra được từ tình hình của nước Mỹ chúng ta vừa qua là từ nhà tài chính, nhà quản lý, nhà tỉ phú đến người công nhân Mỹ đều phụ thuộc nhau. Sự thịnh vượng của người này cũng là sự thịnh vượng của người khác”. Suy rộng triết lý này ra thế giới, có thể thấy, một hiện tượng tương tự: ngày nay tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều phụ thuộc lẫn nhau, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia này cũng là an ninh và thịnh vượng của quốc gia khác. Có lẽ, đó là những nét chấm phá đầu tiên cho trật tự thế giới mới công bằng hơn, bình đẳng hơn, dân chủ hơn... được gợi ý từ Hội nghị G-20 ở Oa-sinh-tơn vừa qua./.
Giai cấp công nhân các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay  (19/11/2008)
Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020  (19/11/2008)
Yên Bái phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu mới  (19/11/2008)
Giai cấp công nhân các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay  (19/11/2008)
Một số thông tin về quan hệ Việt Nam - Vê-nê-du-ê-la  (18/11/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên