Những năm gần đây, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về giáo dục, đã xuất hiện thêm một loại hình giáo dục mới. Đó là hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng với tầm hoạt động ngày càng mạnh mẽ trên phạm vi rộng; thực sự là những nhân tố tạo cơ hội và điều kiện để các trường cao đẳng cộng đồng ở Việt Nam hình thành và phát triển.

Một trong các đặc điểm nổi bật của loại hình giáo dục cao đẳng cộng đồng là có sự tham gia của cộng đồng trong tổ chức và hoạt động; đào tạo sinh viên để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở yêu cầu của công việc, trong đó người học có được cơ hội học tập suốt đời. Trên phạm vi toàn cầu, mục đích hoạt động hợp tác quốc tế của những hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng giữa các quốc gia là nhằm chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình; hợp tác trao đổi chuyên gia, giảng viên và sinh viên; hợp tác, liên kết phát triển chương trình đào tạo; hợp tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật - công nghệ đạt trình độ quốc tế ở một số chuyên ngành mũi nhọn, phục vụ cho hội nhập.

Tín hiệu khả quan

Từ tháng 8-2000, ở Việt Nam đã có 6 trường cao đẳng cộng đồng đầu tiên được thành lập ở các địa phương theo dự án tài trợ của Chính phủ Hà Lan gồm: Hải Phòng, Hà Tây, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp. Trên cơ sở đó, đến tháng 9-2006, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam (VACC) chính thức được thành lập. Đến nay, cả nước đã có 15 trường cao đẳng cộng đồng thuộc VACC; trong đó có 3 trường ở các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và Quảng Ngãi đã được Chính phủ quyết định chuyển thành trường đại học. Hiện các trường cao đẳng cộng đồng Việt Nam có 1.635 cán bộ, giảng viên và 54.565 sinh viên; trong đó hệ cao đẳng, trung cấp có 22.413 sinh viên, liên kết đào tạo hệ đại học có 25.356 sinh viên, đào tạo nghề và bồi dưỡng ngắn hạn: 6.796 học viên.

Dù còn khá mới mẻ và những con số đạt được còn khiêm tốn nhưng chỉ sau chưa đầy 10 năm hình thành và phát triển, các trường cao đẳng cộng đồng thuộc VACC đã có quyết tâm rất lớn khắc phục mọi khó khăn và không ngừng nỗ lực trong việc tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế để vươn lên hoàn thiện mô hình cao đẳng cộng đồng Việt Nam, từ xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thu hút sinh viên đến xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác dạy và học. Đến nay, các trường trong Hiệp hội đã có 22.475 sinh viên và học viên các bậc học tốt nghiệp ra trường; trong đó có 6.339 người tốt nghiệp đại học, 3.732 người tốt nghiệp cao đẳng, 5.608 người tốt nghiệp trung cấp v.v.. (có thể tham khảo thêm phụ lục cuối bài)

Sau khi được thành lập, VACC đã nhanh chóng triển khai các hoạt động, không chỉ ở trong nước mà còn hướng tới hội nhập với hệ thống cao đẳng cộng đồng của thế giới. Chẳng hạn, Hiệp hội đã gia nhập và là thành viên danh dự của Hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ (AACC) và ngược lại. Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam đã ký ghi nhớ hợp tác quốc tế cùng các Hiệp hội cao đẳng cộng đồng Ca-na-đa (ACCC), Siast (Ca-na-đa) Minesota online, Northwest (Hoa Kỳ), Trung tâm Đào tạo nông nghiệp quốc tế Agrostudies (I-xra-en)... với các lĩnh vực hợp tác gồm: đào tạo trực tuyến, đồng cấp bằng, tuyển sinh du học, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên... Một số trường cao đẳng cộng đồng Việt Nam cũng đã mở rộng hoạt động quan hệ hợp tác với IUT Amiens (Pháp), thành lập không gian Pháp ngữ, trao đổi kinh nghiệm, phát triển chương trình đào tạo; với Học viện công nghệ thông tin NIIT ấn Độ; với hệ thống học viện Mạng Cisco thành lập học viện Mạng địa phương; hợp tác thiết lập hệ thống đào tạo 2 giai đoạn với Đại học Saxion (Hà Lan); Đại học - Cao đẳng Malaspina, Cao đẳng Rosemont, Viện MI, Siast (Ca-na-đa); Chương trình Fulbright tại Việt Nam tổ chức hội thảo tập huấn “Quản lý giáo dục và phát triển kỹ năng lãnh đạo” v.v..

Nhìn tổng thể, thời gian qua, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam bước đầu đã khẳng định khá rõ nét vị trí, vai trò của mình thông qua các hoạt động và được thể hiện trên các mặt sau đây:

- Cùng với nhanh chóng ổn định tổ chức, đội ngũ, nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, bằng cơ chế linh hoạt, sáng tạo đã đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực kỹ thuật đa ngành, đa cấp và đa hệ, đáp ứng một phần về yêu cầu cung cấp lao động kỹ thuật cho sản xuất và đời sống của các địa phương.

- Bước đầu xác lập được mối quan hệ gắn kết với doanh nghiệp trong các vấn đề chủ yếu như: xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp; liên kết với các trường đại học trong việc cung cấp nguồn tuyển sinh chuyển tiếp cho các trường đại học.

- Từng bước góp phần đưa giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến các địa phương, vùng sâu vùng xa; mở ra một kênh mới trong nền giáo dục mở của đất nước, tạo cơ hội học tập cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi.

Những khó khăn

Tuy nhiên, do mới hình thành, các thành viên của Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam còn non trẻ, nên những khó khăn, thách thức là không tránh khỏi. Bên cạnh mô hình chưa hoàn thiện thì hệ thống cơ chế, chính sách đối với loại hình cao đẳng cộng đồng chưa đồng bộ; cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy còn thiếu thốn và bất cập.

Do điều kiện lịch sử nên hiện nay hầu như mỗi tỉnh trong cả nước đều có 1 hoặc nhiều trường cao đẳng với rất nhiều loại hình khác nhau như: cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, cao đẳng đa ngành, cao đẳng đơn ngành, cao đẳng nghề, các trường trung cấp chuyên nghiệp... với các chức năng, nhiệm vụ, chuyên ngành đào tạo, nội dung đào tạo... trùng lắp, chồng chéo. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách về giáo dục.

Nguồn tài chính của các địa phương hạn hẹp lại bị đầu tư phân tán đã ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và trên hết là cản trở việc xây dựng, phát triển một mạng lưới cơ sở về đào tạo caođẳng và đại học, bảo đảm các yêu cầu toàn diện, đồng bộ và hài hòa trong xu thế hội nhập giáo dục khu vực và thếgiới.

Một số giải pháp

Sau khi là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam phải đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt các cam kết của mình. Để đáp ứng yêu cầu này, trên cơ sở xu thế phát triển cũng như từ những khó khăn mà hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng đang gặp phải, trong Luật Giáo dục và các văn bản dưới luật cần nhanh chóng bổ sung những quy định về tổ chức và hoạt động của mô hình trường cao đẳng cộng đồng, nhằm khẳng định vị trí pháp lý với những tính chất đặc thù của loại hình này trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Đi kèm theo đó phải có các giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, xây dựng quy chế chính thức cho hệ thống cao đẳng cộng đồng, bao gồm quy chế về tổ chức và hoạt động, về cơ chế quản lý tự chủ, các chính sách về tổ chức, tài chính, đào tạo v.v.. trong đó về đào tạo cần quy định rõ hai chức năng quan trọng: đào tạo 2 năm chương trình đại cương để chuẩn bị cho sinh viên học tiếp 2 năm sau ở đại học; đào tạo nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong cộng đồng nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phụ lục: Số lượng học viên, sinh viên
13 trường thuộc Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam (tính đến tháng 5-2008)

STT

Tên trường

Hệ học

Bậc học

Tổng số HS, SV

Chính quy

Không chính quy

Đào tạo nghề, ngắn hạn

Đại học

Cao đẳng

Trung cấp

Đào tạo nghề, ngắn hạn

1

CĐCĐ Hà Nội

2.385

1.915

120

350

120

300

1.615

350

2

CĐCĐ Hải    Phòng

5.602

-

-

180

444

2.582

2.396

180

3

CĐCĐ Hà Tây

2.617

2.117

500

0

500

2079

38

0

4

CĐCĐ Trà Vinh

9.536

2.543

3.221

3.772

3.221

1.612

931

3.772

5

CĐCĐVĩnh Long

3.811

1.637

2.174

0

2.331

871

609

0

6

CĐCĐ Đồng Tháp

4.062

1.531

2.343

188

1.441

1.097

1.336

188

7

CĐCĐ Bà Rịa - Vũng Tàu

815

333

482

0

482

0

333

0

8

CĐCĐ Sóc Trăng

3.019

1.171

1.848

0

2.149

74

796

0

9

CĐCĐ Hậu Giang

2.083

697

1.117

269

1.026

274

514

269

10

CĐCĐ Kiên Giang

5.941

2248

2.693

1.000

2.693

1.102

1146

1.000

11

CĐCĐ Lai Châu

-

-

-

-

-

-

-

-

12

CĐCĐ Cà Mau

5.472

0

4.974

498

4.974

0

0

498

13

CĐCĐ Bình Thuận

9.222

2.683

6000

539

5.975

1.205

1.503

539

 

Tổng số

54.565

16.875

25.472

6.796

25.356

11.196

11.217

6.796

Thứ hai, xây dựng những cơ chế, chính sách, tạo điều kiện và môi trường để các trường cao đẳng cộng đồng hoạt động một cách linh hoạt, thông thoáng; nhất là những quy định về mở rộng quyền tự chủ, gắn với nâng cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành.

Thứ ba, sắp xếp lại mạng lưới hệ thống đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của cả nước và cấp địa phương, nhằm khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và tập trung tài chính, nhân lực để hoạt động có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững. Cần có sự nhìn nhận, đánh giá lại quá trình hoạt động của mô hình này thời gian qua, làm cơ sở tham khảo cho việc sắp xếp lại mạng lưới hệ thống giáo dục- đào tạo các hệ từ dạy nghề đến đại học ở Việt Nam.

Thứ tư, cần có những quy định tạo điều kiện thuận lợi mở rộng hoạt động hợp tác trong hệ thống cao đẳng cộng đồng, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng khác cũng như hợp tác quốc tế để khai thác và huy động được các tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển của loại hình này theo tinh thần “Sáng tạo - Năng động - Hiệu quả”. Đây vừa là khẩu hiệu và đồng thời là phương châm hành động của ngành giáo dục và đào tạo nói chung và loại hình giáo dục cao đẳng cộng đồng nói riêng trước tác động của toàn cầu hóa và trước yêu cầu đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực quan trọng này vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
 

* Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam