1. Châu Âu nhất trí kế hoạch giải cứu ngân hàng

 

Ngày 13-10-2008, sau nhiều lần tranh luận, lãnh đạo 15 quốc gia sử dụng đồng tiền chung ơ-rô nhóm họp tại Pa-ri để đưa ra kế hoạch chung giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nhằm không để cho một định chế tài chính lớn nào sụp đổ. Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao đã tham dự cuộc họp, mặc dù Anh không phải là thành viên của nhóm này. Ngoài cam kết sẽ bảo đảm các khoản vay giữa các ngân hàng cho đến cuối năm 2009, các đại biểu còn cho biết, họ sẽ rót tiền mua các cổ phiếu ưu tiên.Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di của Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU tuyên bố, các quan chức ở châu Âu đang áp dụng các biện pháp chưa có tiền lệ, bởi đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính đã bước sang một giai đoạn tồi đến mức không thể chần chừ nữa. Kết quả cuộc họp ở Pa-ri đã được ông Đô-mi-nic Xtrao-Can (Dominique Strauss-Kahn), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, hoan nghênh và cho rằng, đây là một kế hoạch hữu ích.

2. CHDCND Triều Tiên tái tiếp nhận thanh tra hạt nhân quốc tế

Ngày 13-10-2008, CHDCND Triều Tiên tuyên bố tái mở cửa khu liên hợp hạt nhân cho các thanh sát viên của LHQ, tiếp sau thoả thuận với Mỹ nhằm cứu vãn tiến trình phi hạt nhân đang bị đe doạ liên quan tới những bất đồng trong việc xác minh tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên. Từ ngày 13-10-2008, các thanh sát viên của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể tái tiếp cận mọi cơ sở ở Giông Piêng gồm cả nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân. Giông Piên là khu vực chuyên tinh chế nhiên liệu plu-tô-ni cho chương trình chế tạo bom nguyên tử của CHDCND Triều Tiên. Ngay lập tức, IAEA yêu cầu thông tin chi tiết về quyết định của CHDCND Triều Tiên nhằm thực thi trót lọt nhiệm vụ tái thiết lập hoạt động thanh tra hạt nhân của nước này. Cuộc họp 6 bên gồm Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ sớm được tổ chức để phê chuẩn thoả thuận giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

3. Cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Ngày 15-10-2008 diễn ra cuộc tranh luận lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng của hai ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma và Giôn Mác-kên. Cuộc tranh luận diễn ra không đầy ba tuần trước ngày tổng tuyển cử trong bối cảnh ông Ba-rắc Ô-ba-ma đang có triển vọng gia tăng khoảng cách tín nhiệm so với ông Giôn Mác-kên. Trong khi ông Giôn Mác-kên tuyên bố rằng, không thể chờ đợi 4 năm tiếp theo cho vận may để thay đổi, mà sẽ phải hành động, nhanh chóng và dứt khoát, thì ông Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh, ông Giôn Mác-kên sẽ không tạo ra sự thay đổi và việc cử tri trao trọng trách cho một người của Đảng Dân chủ là cách duy nhất để giải quyết những rắc rối kinh tế, nhằm tạo ra một hướng đi mới, một sự lãnh đạo mới ở Oa-sinh-tơn cũng như một sự đổi thay thực sự đối với các chính sách và đời sống chính trị của 8 năm qua. Suốt một tháng qua, cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ. Ba-rắc Ô-ba-ma đã xây dựng được vị thế dẫn đầu khắp toàn quốc và tại các bang trọng yếu khi bất ổn hướng sự chú ý của cử tri trở lại những chính sách không được ủng hộ của Tổng thống G.W.Bu-sơ. Hiện tại, gánh nặng đang đè nặng lên vai Giôn Mác-kên khi ứng cử viên này đang nỗ lực lật ngược tình thế đánh mất đảng kể sự ủng hộ so với đối thủ Ba-rắc Ô-ba-ma.

4. Tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh EU là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ

Ngày 15-10-2008, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã có mặt tại Bruc-xen để tham dự cuộc họp thượng đỉnh hai ngày nhằm tập trung bàn thảo về cơn bão khủng hoảng tài chính hiện nay và quan hệ EU - Nga. Nguyên thủ quốc gia 27 nước thành viên EU tìm kiếm sự hợp tác và chia sẻ trách nhiệm trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày một bất ổn định. Mục đích chính của cuộc họp Thượng đỉnh lần này là thuyết phục cả 27 nước EU ủng hộ kế hoạch hành động chung đã được 15 nước khu vực đồng euro thông qua. Ông Giô-se Ba-rô-xô, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho biết, không phải toàn bộ các nước EU đã nhất trí cần hợp tác sâu rộng hơn, đặc biệt là việc thiết lập cơ quan giám sát châu Âu với các tổ chức tài chính. Ngân hàng thế giới nhận định, cuộc khủng hoảng lần này không chỉ tác động đến các nước công nghiệp phát triển, mà còn ảnh hưởng xấu đến các nước đang phát triển. Dự báo, kinh tế các nước đang phát triển sẽ giảm xuống còn 4% trong năm 2009 so với 6,6% trong năm 2008.

Về quan hệ với Mát-xcơ-va, ông Giô-se Ba-rô-xô nhấn mạnh, sẽ là sai lầm nếu tiếp tục ngừng đàm phán với Nga và vì thế cả hai bên cần thảo luận về hiệp ước đối tác chiến lược mới. Theo ông, hiệp ước đối tác với Nga phù hợp với lợi ích của hai bên. EU đã ngừng các cuộc đàm phán về hiệp ước đối tác chiến lược với Nga trong cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp ngày 1-9-2008 để thảo luận về tình hình Gru-di-a.

5. Tiến trình giải quyết vấn đề Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a

Ngày 15-10-2008, tại Giơ-ne-vơ diễn ra cuộc tư vấn về Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a với sự tham dự của ông I-ô-khan Vec-be-ke (Iokhan Verbeke) đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Gru-di-a; ông Mô-ren, đặc sứ của EU và ông Mác Pe-ren De Bri-xam-bô (Mark Peren de Brishambo), Tổng thư ký của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE). Trước cuộc gặp này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun làm việc với Ngoại trưởng Pháp Cao-nơ và Cao ủy an ninh và đối ngoại EU Xô-lan-na để bàn về tình hình Gru-di-a và Nam Ô-xê-ti-a, Áp-kha-di-a. Đại diện đặc biệt của Nam Ô-xê-ti-a tại Nga cho biết, phái đoàn Nam Ô-xê-ti-a có thể là một chủ thể độc lập tại cuộc gặp ở Giơ-ne-vơ. Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp cũng khẳng định, Nga tham gia thảo luận quốc tế về tình hình Cap-ca với sự có mặt của phái đoàn Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a vì thiếu sự tham gia của các chủ thể này, cuộc gặp sẽ không có kết quả. Tuy nhiên, kịch bản đó không được Gru-di-a hưởng ứng. Phía Gru-di-a cho rằng, cuộc gặp lần này liên quan đến xung đột giữa Nga và Gru-di-a nên hai bộ phận ly khai Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a không thể có đại diện như các bên tham dự. Vì vậy, cuộc gặp đã không đạt được kết quả.

6. Nga và CHDCND Triều Tiên đàm phán về quan hệ song phương và vấn đề hạt nhân

 

Ngày 15-10-2008, Ngoại trưởng Nga Xec-gây Láp-rôp và người đồng nhiệm PắcY Chung từ CHDCND Triều Tiên đến thăm Mát-xcơ-va đã có các cuộc đàm nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương và hợp tác trên các vấn đề quốc tế, đánh dấu lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngoại trưởng Xéc-gây Láp-rôp tuyên bố, Nga và CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại về chính trị và tăng cường hợp tác ở các mức độ song phương và trên trường quốc tế. Ngoại trưởng PắcY Chung cũng khẳng định, CHDCND Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng cường hợp tác song phương với Nga. Hai bên còn thảo luận về các biện pháp an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, việc tháo dỡ lò phản ứng Dông Piêng và vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có tiến trình đàm phán 6 bên. Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau khi hai bên đạt được một thoả thuận về các biện pháp thanh sát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 6-10 đến 12-10-2008)